Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hoá dân số năm 2011. Trong bối cảnh, người dân “chưa giàu đã già”, một trong những yêu cầu đặt ra hiện nay là phải nâng cao nhận thức trong cộng đồng về phòng tránh các bệnh lý phổ biến cho người cao tuổi và dự phòng bệnh tật từ khi còn là thanh niên, trung niên.
Ông Trương Xuân Cừ, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi Việt Nam cho biết: “Chúng tôi cũng muốn gửi tới cộng đồng một thông điệp là chăm lo sức khoẻ cho người cao tuổi phải bắt đầu từ trung niên, thậm chí sớm hơn. Người cao tuổi Việt Nam có tỷ lệ bệnh nền cao, theo con số thống kê năm 2018 mỗi người cao tuổi nước ta 2,9 bệnh nền. Điều này là do quá trình chăm sóc sức khoẻ chưa đảm bảo khoa học từ vấn đề ăn uống, luyện tập...”.
Thực hiện chương trình đã ký kết, thời gian tới, Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Hội Người cao tuổi Việt Nam sẽ có những hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của toàn xã hội về chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi. Ngay trong tháng 3/2023, các chuyên gia của Bệnh viện Lão khoa Trung ương sẽ cùng hội người cao tuổi các cấp thực hiện nhiều buổi nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khoẻ tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung. Bên cạnh đó, vận động chính sách để mở rộng mạng lưới khám chữa bệnh cho người già tại các địa phương.
PGS.TS Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay: “Thông tư 35 của Bộ Y tế yêu cầu mỗi bệnh viện tỉnh phải có khoa lão. Bệnh Lão khoa Trung ương đã hỗ trợ thực hiện được 40 khoa lão ở các bệnh viện tuyến tỉnh trên toàn quốc. Tuy nhiên, trước việc số người cao tuổi đang tăng lên nhanh chóng thì một số tỉnh đã thành lập hẳn bệnh viện lão khoa. Chẳng hạn như Bệnh viện Lão khoa Quảng Ninh đang hoạt động rất hiệu quả. Nhu cầu phát triển các bệnh viện lão khoa là một tất yếu. Chúng ta cần đào tạo bổ sung chuyên ngành lão khoa cho cán bộ y tế cơ sở để thêm nguồn lực khám, điều trị cho người già khi cần thiết…”./.