Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh" với thông điệp "Vì một Việt Nam xanh" là sáng kiến của Thủ tướng Chính phủ sau các trận mưa lũ và sạt lở đất nghiêm trọng vào tháng 9 và tháng 10 năm 2020 ở miền Trung.
Theo đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh", trong 5 năm từ năm 2021-2025, cả nước sẽ trồng mới khoảng 700 triệu cây phân tán tại các đô thị, khu vực nông thôn, khu công nghiệp, ưu tiên khu vực ven biển. 300 triệu cây rừng được trồng tập trung ở các khu vực đất trống, đồi trọc gồm các loại cây gỗ lớn, cây bản địa, cây lâu năm, đa mục tiêu kết hợp phòng hộ.
Hiện đã có 45 địa phương trên cả nước đăng ký tham gia sáng kiến "Trồng 1 tỷ cây xanh" với hàng loạt cơ chế, chính sách đi kèm để thực hiện tốt chương trình này. Chương trình "Trồng 1 tỷ cây xanh" không tính các diện tích trồng lại rừng, chỉ tính trồng mới rừng sản xuất, rừng phòng hộ, đặc dụng.
Đến nay, sau 3 năm thực hiện Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh", các bộ, ban, ngành và địa phương đã trồng gần 770 triệu cây xanh. Trong 3 năm qua, các bộ, ban, ngành, địa phương đã huy động gần 9,5 nghìn tỷ đồng thực hiện Đề án "Trồng 1 tỷ cây xanh". Trong đó, ngân sách Nhà nước gần 2,3 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn xã hội hóa trên 4,1 nghìn tỷ đồng, phần còn lại là vốn ODA và nguồn vốn khác.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong năm 2023, tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam ở mức trên 42%, tuy nhiên rừng phân bố không đều và chất lượng rừng nhiều khu vực bị suy giảm. Tỷ lệ đất công viên, cây xanh đô thị tại Việt Nam còn thấp so với tiêu chuẩn, mới đạt 2m2/người, thấp hơn nhiều so với chuẩn thế giới là 15m2/người. Chương trình "Trồng 1 tỷ cây xanh" kỳ vọng sẽ tăng lên mức 4m2/người vào năm 2025.
Ông Nguyễn Quốc Trị, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết:“Trong thời gian tới, tôi đề nghị tất cả những người trong lĩnh vực công nghiệp, tất cả những người đang tham gia vào đề án 1 tỷ cây xanh, chúng ta phải thay đổi tư duy từ trồng một tỷ cây xanh thành phát triển một tỷ cây xanh. Rà soát lại toàn bộ cây xanh, những cây đã trồng, nếu chết thì trồng dặn. Nếu trống thì trồng bổ sung. Đối với rừng trồng bằng nguồn hỗ trợ kinh phí nhà nước thì chỉ cho thành Toán nếu rừng đó đảm bảo đạt yêu cầu. Và mong rằng tất cả địa phương phải thích ứng kịp thời với biến đổi khí hậu”./.