5h30 sáng 14/12, Phí Ngọc Lâm Uyên (học sinh lớp 12, trường Phổ thông Liên cấp Olympia, Hà Nội) tỉnh dậy và kiểm tra email. Dòng chữ “Congratulations” (chúc mừng) nổi bật trong thư mà Đại học Dartmouth gửi tới.
“Lúc ấy, em biết mình đã trúng tuyển sớm vào Đại học Dartmouth. Đây là trường đầu tiên em nhận kết quả, cũng là ngôi trường em mơ ước. Em rất rất vui, không thể ngủ lại”, Lâm Uyên chia sẻ.
Đại học Dartmouth thuộc hệ thống Ivy League - nhóm 8 trường đại học danh giá hàng đầu nước Mỹ. Theo bảng xếp hạng của US News, Dartmouth đứng thứ 15 trong danh sách đại học tốt nhất nước Mỹ năm 2025. Uyên trúng tuyển vào ngành Hóa Sinh, nhận mức hỗ trợ tài chính 336.000 USD trong 4 năm học, tương đương hơn 8,5 tỷ đồng.
Từng lưỡng lự không nộp hồ sơ vào Dartmouth
Lâm Uyên cho hay em đã dự định du học từ lâu và quá trình chuẩn bị đã bắt đầu từ năm lớp 10. Hồ sơ ứng tuyển vào các đại học Mỹ thường bao gồm hồ sơ học thuật, điểm bài thi chuẩn hóa SAT/ACT, bài luận cá nhân, thư giới thiệu, dự án xã hội, giải thưởng.
Theo học lấy chứng chỉ quốc tế IB (International Baccalaureate) tại trường, Uyên nói chương trình học khá khó. Mỗi năm, chỉ khoảng 5% học sinh đạt mức điểm tuyệt đối 45/45, và chỉ những học sinh đạt từ 40 điểm mới nghĩ đến chuyện đăng ký vào các trường Ivy League.
Vì vậy, khi chuẩn bị hồ sơ, nữ sinh không chắc mình sẽ đạt bao nhiêu điểm nên chỉ dự định đăng ký xét tuyển sớm vào các trường ở top 20 của Mỹ để tăng cơ hội đỗ. Tuy nhiên, sau khi được thầy cô động viên và dự báo tổng điểm em đang có khá cao, Uyên mới mạnh dạn nộp hồ sơ vào Dartmouth.
Ngoài điểm GPA, nữ sinh thi đạt 1540/1600 điểm SAT, thuộc top 1% cao nhất thế giới. Cùng với đó, em làm dày hồ sơ bằng các nghiên cứu, giải thưởng học thuật liên quan đến ngành Hóa Sinh mà em theo đuổi.
Bắt nguồn từ sở thích với tinh dầu, Uyên tham gia một dự án nghiên cứu tác động của phân bón lên các thành phần hóa học của tinh dầu húng quế. Năm 2022, nhóm nghiên cứu đã xuất bản bài báo trên tạp chí Notulae Botanicae Horti Agrobotanici Cluj-Napoca (cấp độ Q2).
“Là thành viên của dự án, em phụ trách tìm kiếm, tổng hợp tài liệu và định hướng triển khai viết báo”, Uyên chia sẻ.
Bên cạnh đó, nữ sinh tham gia trực tuyến cuộc thi 1 Idea 1 World tổ chức tại Thổ Nhĩ Kỳ và AI-JAM US tổ chức tại Mỹ. Cả hai cùng đạt giải vàng và liên quan đến lĩnh vực Hóa Sinh mà Uyên theo đuổi. Trong đó, 1 Idea 1 World là diễn đàn mà các nhà khoa học, kỹ sư, nhà phát minh và nhà nghiên cứu ưu tú hội tụ để thảo luận và giới thiệu những phát triển gần đây nhất trên các lĩnh vực nghiên cứu đa dạng.
Uyên tham gia tham gia cùng 2 thành viên khác, chủ đề là "Kết hợp mạng lưới liên quan đến miễn dịch và phân tích kiểu phân tử để xác định dấu hiệu ba gen để dự đoán tiên lượng bệnh ung thư vú âm tính ba". Còn tại AI-JAM US - sân chơi dành cho học sinh yêu thích AI - Uyên cùng 2 đồng đội nghiên cứu về "In 3D để sản xuất các cơ quan sinh lý của con người trên chip", kết quả phục vụ cho việc nghiên cứu tại các phòng thí nghiệm.
Bài luận về lặn biển và hành trình khám phá bản thân
Với sở thích viết lách, Lâm Uyên là đầu mối tại Việt Nam của Writing Through - chuỗi workshop do một nhà văn người Mỹ đứng đầu. Nữ sinh cùng team đã tổ chức chương trình dạy viết sáng tạo bằng tiếng Anh cho các bạn học sinh THPT tại miền Bắc Việt Nam.
Uyên cũng là trưởng nhóm viết sách dạy Tiếng Việt dành cho người Việt kiều tại nước ngoài. Nữ sinh kể dự án này bắt nguồn từ việc em ảnh hưởng khá nhiều bởi văn hóa Mỹ. Để cân bằng và lưu giữ văn hóa Việt Nam, đồng thời hỗ trợ các bạn Việt kiều, Uyên lên ý tưởng viết sách dạy ngôn ngữ và văn hóa Việt.
“Em đã kết nối được với một họa sĩ là Việt kiều Pháp có chung ý tưởng. Bác hỗ trợ phần hình ảnh minh họa về văn hóa Việt, còn chúng em phụ trách nội dung, trình bày và kết nối tới cộng đồng học sinh gốc Việt trên thế giới. Dự kiến cuốn sách sẽ xuất bản vào đầu năm tới với 3 ngôn ngữ gồm Tiếng Việt, Anh và Pháp”, nữ sinh chia sẻ.
Tháng 10/2024, giai đoạn nước rút, Lâm Uyên phải hoàn thành bài luận chính. Em định hướng bài luận phải thể hiện được những phẩm chất mà trường cần ở một sinh viên. Ngoài hồ sơ học thuật mạnh, Dartmouth tìm kiếm những sinh viên thích phiêu lưu, dám bước ra khỏi vùng an toàn của bản thân. Vì vậy, Uyên chọn những câu chuyện mang tính cá nhân, đồng nhất với những giá trị mà trường mong muốn.
Sau khi cân nhắc giữa nhiều ý tưởng, Uyên quyết định viết về hành trình phát triển, khám phá nội tâm. Em mở đầu bài luận bằng sở thích lặn biển, kết nối với sở thích viết truyện phiêu lưu.
Năm 12 tuổi, Uyên lần đầu được thử sức với bộ môn lặn biển trong chuyến du lịch ở Phú Quốc. Nữ sinh nói rất khó để làm quen vì phải học điều chỉnh nhịp thở, độ nổi… Nhưng khi đã quen, em thích thú, mê mẩn cảm giác dưới đáy biển, xung quanh là những sinh vật biển đủ màu sắc.
Uyên thấy mình mở mang tầm nhìn và thế giới quan. Quá trình học lặn cũng giúp em tự tin hơn, trong khi trước kia, em có phần hướng nội, nhút nhát, thường chỉ tập trung vào học và nghiên cứu. Tương tự với viết truyện, những sở thích này đã giúp em khám phá bản thân, mở rộng tâm hồn mình.
Nữ sinh mất một tháng để hoàn thành bài luận. Tuần cuối cùng trước khi đến hạn, em dành toàn bộ thời gian để chỉnh sửa từng câu chữ, dấu chấm phẩy để cho ra bài luận ưng ý nhất.
Trực tiếp giảng dạy Lâm Uyên, thạc sĩ Garima Gupta, giáo viên IB tại Olympia, nhận xét Uyên sở hữu “trí tuệ xuất chúng cùng ý chí kiên định”.
Nữ sinh có khả năng phân tách các văn bản phức tạp và xây dựng lập luận sâu sắc. Điều đặc biệt nhất ở Uyên chính là sự tò mò, không bao giờ hài lòng với hiểu biết “bề mặt” mà luôn muốn tìm hiểu sâu hơn. Bên cạnh đó, Uyên cũng rất khiêm tốn và trưởng thành. Dù đạt nhiều thành tích, nữ sinh vẫn giữ sự giản dị, gần gũi, chân thành.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ Nguyễn Phương Duy, thành viên Ban giám hiệu cấp THPT, giáo viên môn Hóa, giáo viên IB của trường, cũng nhận xét Uyên là một học sinh ham học hỏi, luôn tìm tòi những kiến thức mới, không chỉ trong môn Hóa học mà còn ở các lĩnh vực liên ngành.
Nữ sinh thể hiện sự đam mê rất lớn với khoa học. Trong khi hầu hết học sinh lựa chọn các môn về kinh doanh, Uyên lại chọn Hóa học và một mình học với thầy suốt thời gian qua.
"Lựa chọn của Uyên không chỉ đến từ sở thích, mà còn xuất phát từ mong muốn khám phá, ứng dụng kiến thức để giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn. Em ấy không chọn con đường dễ dàng, mà chọn môn giúp mình phát triển tư duy phân tích, khả năng sáng tạo và hơn hết là thỏa mãn niềm đam mê tìm hiểu thế giới tự nhiên", thầy Duy chia sẻ.
Tháng 8/2025, Uyên mới bay tới Mỹ, viết tiếp ước mơ của mình tại Dartmouth. Thời gian này, em vẫn tập trung cho việc học để hoàn thành chương trình IB. Uyên nói sẽ tiếp tục theo đuổi nghiên cứu ngành Hóa Sinh. Ngoài ra, em cũng mong muốn tìm hiểu thêm về khoa học não bộ để giải quyết các vấn đề về tâm lý.