"Đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn trước năm 1945 qua tài liệu lưu trữ" của tác giả Võ Nguyên Phong và Cù Thị Dung thực hiện.
Cuốn sách với độ dày 552 trang, được chia bố cục thành 2 phần gồm Vùng Sài Gòn – Gia Định từ sơ khởi đến năm 1859, và đô thị Sài Gòn – Chợ Lớn thời Pháp thuộc (1859-1945).
Đại diện cho nhóm tác giả đạt giải, ông Võ Nguyên Phong cho biết, tác phẩm là sự nỗ lực của tập thể và bản thân nhóm nghiên cứu. Đây là những vấn đề tuy không mới, nhưng ở góc nhìn khác, do đó cũng có thể tạo được dấu ấn đối với TP.HCM, đặc biệt với riêng đô thị Sài Gòn- Chợ Lớn trước năm 1945.
Trong quá trình nghiên cứu, nhóm tác giả phát hiện ra những vấn đề về lịch sử của TP.HCM, đặc biệt là hai tòa thành của Sài Gòn, nó là những dấu ấn lớn của người Việt được xây dựng và phát triển tại đô thị hàng đầu Đông Nam Á.
"Đặc biệt, ở giai đoạn Pháp thuộc, Sài Gòn được người Pháp ví vọn là là tiểu Paris ở phương Đông. Điều đó cho thấy đô thị Sài Gòn- Chợ Lớn là một trong những nơi lưu trữ rất nhiều dấu ấn của người Việt cũng như các cộng động dân cư khác đối với tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc", ông Phong cho biết thêm.
Thay mặt lãnh đạo thành phố, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP.HCM cho rằng, công trình nghiên cứu năm nay với tâm huyết, sự lao động sáng tạo của tác giả đã đóng góp cho lịch sử, văn hóa của đất nước, khu vực Nam Bộ và thành phố. Những nghiên cứu này cũng sẽ giúp thành phố có thêm kho tư liệu quý làm cơ sở hoạch định chiến lược, chính sách văn hóa, xã hội của thành phố trong thời gian tới.
Ông Mãi đề xuất giải thưởng Trần Văn Giàu cần được giới thiệu rộng rãi hơn để các tổ chức, các nhà nghiên cứu trên cả nước và nước ngoài có các ông trình nghiên cứu về Nam bộ có thể tham gia, đặc biệt trên lĩnh vực tư tưởng văn hoá.
Giải thưởng Trần Văn Giàu ra đời năm 2002, từ tâm nguyện của giáo sư Trần Văn Giàu về việc thành lập một giải thưởng khoa học dành cho các công trình nghiên cứu về lịch sử và lịch sử tư tưởng ở khu vực Nam bộ, cực Nam Trung bộ và TP.HCM. Các tác phẩm được trao Giải thưởng Trần Văn Giàu là những công trình nghiên cứu có chất lượng khoa học cao, có giá trị tham khảo tốt và có sức lan tỏa rộng rãi.