Tranh cãi quanh đề xuất mặc áo dài ngũ thân khi họp Quốc hội

01/06/2023, 20:29

Không ít nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa đã đề xuất xây dựng bộ lễ phục truyền thống Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) gây tranh cãi khi đưa ra đề xuất cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp. Áo dài "không có tội" nhưng đề xuất của đại biểu trong bối cảnh họp Quốc hội là điều đáng bàn.

Đề xuất thay đổi quy định trang phục

Sáng 31/5, khi thảo luận về kinh tế - xã hội, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đề nghị Quốc hội xem xét đưa vào nghị quyết kỳ họp cho phép đại biểu mặc áo dài ngũ thân nam tại các phiên họp.

Ông luôn muốn mặc áo dài ngũ thân trong phiên khai mạc, hát Quốc ca trong lễ chào cờ nhưng trong cẩm nang đại biểu có quy định nam mặc comple. Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng phản ánh khi đi dự hội nghị lớn ở nước ngoài, khách mời được quy định mặc trang phục truyền thống hoặc mặc comple phong cách châu Âu. 

Tranh cãi quanh đề xuất mặc áo dài ngũ thân khi họp Quốc hội - 1

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) mong có một bộ trang phục truyền thống dành cho hoạt động văn hóa, sự kiện ngoại giao.

“Việt Nam chưa quy định trang phục truyền thống trong ngoại giao, chỉ mặc áo vest có sẵn nên chưa đưa được bản sắc riêng đến bạn bè quốc tế, chưa được chỉn chu như khách mời, người đồng cấp của nhiều đoàn khác”, ông nói.

Ông Nguyễn Văn Cảnh khẳng định việc cho phép mặc áo dài ngũ thân nam tại các hội nghị, các sự kiện giúp cho các cơ quan có trách nhiệm và người dân có cái nhìn thực tế, có thời gian để nhìn rõ hơn về giá trị truyền thống. Đại biểu hướng đến đề xuất xây dựng riêng một bộ lễ phục truyền thống cho người Việt tại các hội nghị văn hóa lớn, các sự kiện ngoại giao nhà nước.

“Bộ lễ phục này vẫn giữ gìn nét truyền thống, phù hợp với sinh hoạt, công việc trong xã hội hiện đại và tương xứng với trang phục của người đồng cấp trong sự kiện ngoại giao, trong hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế”, đại biểu đoàn Bình Định bày tỏ.

Chuyên gia lên tiếng

Phát biểu của ông Nguyễn Văn Cảnh gây tranh cãi. Trên diễn đàn mạng xã hội, một số ý kiến cho rằng áo dài vướng víu, không phù hợp với tính chất cuộc họp. Điều khiến nhiều người phản ứng mạnh mẽ lại nằm ở bối cảnh phát ngôn.

“Quốc hội có nhiều việc cần phải lo, phải bàn, nhất là về kinh tế - xã hội. Quy định trang phục đã có: nam comple, nữ áo dài. Thời hiện đại, thiết nghĩ đó là phù hợp. Không nên lôi chuyện mặc áo dài ngũ thân ra bàn lúc này”, một tài khoản mạng xã hội bình luận.

Nhiều người lý luận rằng chuyện chọn phục trang là quyền cá nhân, miễn là không ảnh hưởng tới thuần phong mỹ tục, vì thế ý kiến đề xuất của ông Cảnh "không cần thiết".

Tranh cãi quanh đề xuất mặc áo dài ngũ thân khi họp Quốc hội - 2

Nam cán bộ, công chức ở Huế mặc áo dài đi làm.

Trao đổi với PV Tiền Phong xoay quanh đề xuất này, ông Nguyễn Đức Bình - Chủ nhiệm Trung tâm hỗ trợ phát triển áo dài ngũ thân truyền thống cho rằng không nên bó hẹp quy định về trang phục tại các phiên họp Quốc hội.

“Áo ngũ thân được mặc từ nhiều đời này, trong những nghi lễ quan trọng. Thật tiếc khi chúng ta đề cập vấn đề này khá muộn. Ngày nay, giới trẻ có nhu cầu tìm về những giá trị truyền thống. Khi đại biểu mặc áo ngũ thân hiện diện tại các sự kiện quan trọng, người trẻ rất thích thú và ủng hộ”, ông Nguyễn Đức Bình nói.

Theo ông Bình, quy định chỉ nữ giới mặc áo dài gây ra tình trạng bất bình đẳng giới. Trong khi đó, nam giới mặc áo dài, áo ngũ thân cũng thể hiện sự tự tôn dân tộc, đề cao vẻ đẹp truyền thống. Bên cạnh tiêu chí trang trọng, lịch sự, bản sắc văn hóa cũng cần được thể hiện.

“Khi đại biểu mặc trang phục truyền thống, cử tri cũng thấy hãnh diện. Việc nam giới mặc áo dài, áo ngũ thân nên được coi là thói quen tốt, là điều bình thường trong cuộc sống”, ông Bình chia sẻ.

Tranh cãi quanh đề xuất mặc áo dài ngũ thân khi họp Quốc hội - 3

Năm 2013, GS Trần Ngọc Thêm đề xuất dùng comple, áo dài nam và áo dài nữ là lễ phục nhà nước.

Nhà nghiên cứu văn hoá Đinh Hồng Cường khẳng định việc đại biểu Quốc hội Nguyễn Đình Cảnh có đề xuất liên quan đến trang phục truyền thống là một tín hiệu vui đối với những người yêu cổ phục.

"Những người đưa ra quan điểm về việc bộ trang phục dài quá hoặc khó di chuyển là người chưa từng sờ, mặc thử áo ngũ thân. Năm 1946, nhiều lãnh đạo Nhà nước vẫn mặc trang phục truyền thống. Cụ Huỳnh Thúc Kháng vẫn mặc áo ngũ thân”, ông Đinh Hồng Cường nói.

Ông cũng nhấn mạnh đây là bộ trang phục truyền thống của người Việt, mỗi người cần có trách nhiệm giữ gìn, bảo tồn, phát huy và quảng bá nét văn hóa này.

“Trang phục truyền thống rất quan trọng với một quốc gia, dân tộc vì đây là một trong những dấu hiệu để phân biệt các dân tộc với nhau. Sắc phục là một trong những thành tố của văn hóa”, ông Đinh Hồng Cường bày tỏ.

Không ít nhà khoa học, nghiên cứu văn hóa đã đề xuất xây dựng bộ lễ phục truyền thống Việt Nam. Năm 2013, GS. Trần Ngọc Thêm đề xuất dùng comple, áo dài nam và áo dài nữ là lễ phục nhà nước.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh (nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại) cũng nêu quan điểm lễ phục ngoại giao có thể hơn một, không nên cứng nhắc vì còn tùy vào tính chất công việc. Tuy nhiên, đến nay Việt Nam vẫn chưa đi tới thống nhất về quy định quốc phục, dù Bộ VHTTDL từng nhiều lần lấy ý kiến, thậm chí tổ chức cuộc thi thiết kế quốc phục.

(Nguồn: tienphong.vn)

Bài liên quan
"Chuẩn bị tốt nhân sự đại hội Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND"
"Chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp; bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XVI và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026-2031".

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất