Tính từ ngày 10/2 đến ngày 17/2, TP.HCM ghi nhận 445 ca mắc bệnh sốt xuất huyết, tương đương so với trung bình 4 tuần trước. Tổng số ca sốt xuất huyết từ đầu năm 2025 đến 17/2 là 3.431 ca. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao gồm huyện Cần Giờ, Quận 7 và TP Thủ Đức.
Nhập viện trễ, nhiều ca sốc xuất huyết
Bệnh nhi 8 tuổi (Quận 12, TP.HCM) nhập viện điều trị sốt xuất huyết tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM trong tình trạng sốc xuất huyết, sốt cao kéo dài, tụt huyết áp, triệu chứng thoát huyết tương. Trước đó, bé sốt nhiều ngày tại nhà và được gia đình đưa đi khám ở phòng khám tư nhưng bệnh không thuyên giảm.
Sau 3 ngày điều trị tích cực, truyền dịch chống sốc, bệnh nhi qua cơn nguy kịch. Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn duy trì theo dõi sát sao để đảm bảo không có các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cũng vừa tiếp nhận bệnh nhi 8 tuổi trong tình trạng đau bụng, nôn ói, mạch nhẹ, huyết áp tụt, có hiện tượng thoát huyết tương, cô đặc máu.
Bệnh nhi được chẩn đoán sốc xuất huyết nặng, rối loạn đông máu và suy hô hấp. Các bác sĩ nhanh chóng điều trị tích cực qua truyền dịch phân tử cao, truyền bù máu, huyết tương, hỗ trợ hô hấp với thở máy. Hiện tình trạng bé đã dần ổn định, tỉnh táo, có thể cai máy thở.
Nguy cơ bùng phát dịch bệnh
Theo TS.BS Nguyễn Minh Tuấn - Trưởng khoa Sốt xuất huyết, Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM, những ngày qua, số lượng trẻ nhập viện do mắc sốt xuất huyết gia tăng. Mỗi ngày, đơn vị điều trị từ 30 đến 40 ca bệnh. Trong đó khoảng 10% là các trường hợp sốc xuất huyết nặng.
Trẻ mắc bệnh nặng là do phụ huynh chủ quan, cho rằng chỉ là cảm sốt thông thường nên cho uống thuốc tại nhà. Khi nhập viện thì tình trạng bệnh đã nặng, thậm chí là có những biến nhưng như sốc nặng, suy hô hấp, suy đa tạng, tràn dịch màng phổi. Những trường hợp này cần điều trị tích cực kéo dài mới có thể ổn định sức khoẻ.
“Tại khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, ngày 20/2 tiếp nhận điều trị cho 12 bệnh nhi sốt xuất huyết, phân nửa số ca bệnh đến từ các tỉnh thành lân cận. Đáng chú ý là 3 ca sốc xuất huyết Dengue nặng. Cùng với Viện Pasteur, Sở Y tế TP.HCM, chúng tôi đã có những phương án sẵn sàng ứng phó khi dịch bệnh tăng cao”, bác sĩ Nguyễn Đình Qui – Quyền Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2 nói.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Văn Vĩnh Châu thông tin, dù số ca mắc sốt xuất huyết tại TP.HCM trong 2 năm qua thấp hơn trung bình so với những năm trước đó, nhưng trong tháng 1/2025, thành phố ghi nhận 2.159 ca, tăng 85% so với cùng kỳ năm 2024.
Dự báo, số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong những tháng tới. Nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời, bệnh có thể trở nên nghiêm trọng, đặc biệt là ở trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai.
Sở Y tế TP.HCM khuyến cáo người dân tăng cường các biện pháp phòng ngừa sốt xuất huyết bao gồm phát quang bụi rậm xung quanh nhà ở, loại bỏ các vật dụng chứa nước như lu, chậu…nhằm phá bỏ nơi muỗi trú ngụ và sinh sản. Ngoài ra, ngủ mùng để tránh muỗi đốt, hàng ngày nên mặc quần áo dài tay, dùng xịt muỗi để tránh muỗi đốt. Hiện tiêm vaccine là phương pháp pháp giảm nguy cơ mắc bệnh hữu hiệu nhất, cha mẹ nên cho trẻ từ 4 tuổi đi tiêm ngừa.
Đối với trường hợp nghi ngờ mắc sốt xuất huyết cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, điều trị đúng cách. Người bệnh nên nghỉ ngơi, uống nhiều nước, bổ sung đầy đủ chất dinh dưỡng; tuyệt đối không tự truyền nước biển, truyền dịch, uống thuốc hoặc sử dụng các phương pháp chữa bệnh dân gian chưa được bác sĩ thẩm định.