TP.HCM: Số người lớn mắc bệnh sởi tăng mạnh, có nhiều ca biến chứng nặng

Kim Dung, CTV Ngọc Anh/VOV-TP.HCM | 01/12/2024, 13:07

VOVLIVE - Sởi đang bùng phát mạnh tại TPHCM, gây lo ngại cho cả người lớn và trẻ em. Đáng chú ý, số ca mắc sởi ở người lớn đã tăng nhanh từ đầu tháng 10, với tỷ lệ biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những bệnh nhân có bệnh nền.

Nhiều người lớn mắc sởi biến chứng nặng

Hơn 10 ngày trước, anh Nguyễn Long, 36 tuổi, ngụ huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước phải nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM trong tình trạng kiệt sức nghiêm trọng do biến chứng của bệnh sởi. 

Ban đầu, anh nghĩ chỉ bị sốt thông thường, nhưng sau 3 ngày không thuyên giảm, anh quyết định đến phòng khám gần nhà.

Tuy nhiên, diễn tiến sức khỏe của anh có chiều hướng xấu đi. Lúc nhập viện Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, cơ thể anh gần như không thể đứng vững và phải thở oxy và truyền dịch.

“Em vô đây nằm là mấy ngày đầu mê man không biết gì luôn. Em ăn không được do miệng bị lở. Em nằm hoài, mấy ngày sau em mới tỉnh được chút, dậy được ăn uống, được tiêm thuốc, truyền nước. Do hơi thở không đều nên em mới phải thở oxy, khoảng 5-6 ngày thì bác sĩ mới tháo ra”, anh Nguyễn Long nói.

Còn bà Trần Thị Ngọc Thảo, mẹ của nữ bệnh nhân 23 tuổi, đang nằm phòng hồi sức của khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM cho biết, đến nay con gái đã nằm viện hơn 10 ngày để điều trị sởi. Do có bệnh nền nên tình trạng của bệnh nhân khá nặng.

“Con tôi bị nóng sốt nên đưa vô bệnh viện ở đây luôn, ho nhiều lắm. Thở không nổi. Cũng bị ban sởi giống các bệnh nhân khác ở đây. Nhưng mà do nó có bệnh nền ung thư máu nên tiến triển chậm hơn”, bà Thảo cho hay.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, số ca mắc sởi có chiều hướng tăng. Đỉnh điểm là 2 tháng qua, ghi nhận số ca nhập viện cao nhất từ đầu năm đến nay, với ca sởi điều trị nội trú là 287 ca, riêng tháng 11 ghi nhận 148 trường hợp.

Đáng nói hơn, các ca bệnh sởi nội trú tăng ở cả người lớn đến trẻ nhỏ. Số ca người lớn tăng mạnh từ 89 ca tháng 10 lên 188 ca trong tháng 11. Cũng ở khoảng thời gian trên thì số ca sởi ở trẻ em cũng tăng từ 59 ca lên 99 ca.​

Theo bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Trường Quý, Phó khoa Nội A, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TPHCM, từ đầu tháng 10, số ca mắc ở người lớn nội trú ở khoa tăng mạnh.

Đỉnh điểm cách đây hơn 1 tuần, số ca điều trị lên đến hơn 70. Để giảm tải cho khoa Nội A, bệnh viện đã bố trí tách riêng khu điều trị sởi cho người lớn với trẻ em.

Do vậy hiện tại, khoa có khoảng 40 bệnh nhân người lớn đang điều trị, trong đó có những trường hợp nặng cần hỗ trợ oxy.

Đề phòng sởi biến chứng bằng tiêm vaccine

Bác sĩ Quý nhận định, cả người lớn và trẻ em mắc sởi đều có nguy cơ trở nặng nếu có bệnh nền như tim bẩm sinh, suy thận, HIV, xơ gan, hoặc suy giảm miễn dịch. Quan sát ở khoa cho thấy, tỷ lệ người lớn chuyển biến nặng có xu hướng cao hơn so với trẻ em. Hiện tại, trong số 40 bệnh nhân người lớn đang điều trị, có 5 trường hợp phải nằm hồi sức tích cực.

So sánh với các đợt dịch trước, bác sĩ Quý cho biết người lớn từng mắc sởi nặng với biến chứng suy hô hấp đã xuất hiện từ các đợt dịch năm 2014 và 2019.

Tuy nhiên, một phần nguyên nhân khiến bệnh gia tăng ở người lớn lần này là do chủ quan, nghĩ rằng sởi chỉ xảy ra ở trẻ em, dẫn đến không tiêm ngừa. Tuy nhiên, sởi là bệnh có khả năng lây nhiễm cực cao, một người mắc sởi có thể lây cho 12-15 người khác.

“Với cả người lớn và trẻ nhỏ, bệnh sởi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm tai giữa, viêm não, suy hô hấp nếu không được điều trị đúng cách. Những bệnh nhân có bệnh nền như ung thư, tim bẩm sinh, đái tháo đường, bệnh gan mạn, bệnh thận mạn hoặc suy tim có nguy cơ bị biến chứng nặng hơn nếu không điều trị kịp thời ngay từ đầu”, bác sĩ Quý nói.

Đáng nói, phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm, dễ gặp biến chứng khi mắc sởi. Bác sĩ Quý cho biết, đã ghi nhận trường hợp sảy thai hoặc sinh non ở những bệnh nhân mang thai mắc sởi. Đặc biệt, một trường hợp thai 26 tuần chuyển dạ sớm, mặc dù đã hội chẩn và chuyển sang Bệnh viện Từ Dũ để cấp cứu nhưng chỉ cứu được người mẹ.

Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ có kế hoạch sinh con nên tiêm vaccine sởi trước ít nhất 3 tháng. Vaccine sởi được đánh giá là an toàn và hiệu quả trong việc phòng bệnh, ở cả người lớn và trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Trường Quý cho hay, việc điều trị sởi có thể thực hiện tại nhà trong trường hợp bệnh nhẹ, không có biến chứng. Nếu xuất hiện các dấu hiệu nặng như ho nhiều, mệt mỏi, không ăn uống được, cần nhập viện ngay để tránh nguy hiểm:

 “Bệnh này lây dữ dội cho nên bệnh nhân phải tự cách ly mình, sinh hoạt trong một phòng, tuyệt đối không được sử dụng chung các dụng cụ cá nhân như khăn lau mặt, bàn chảy đánh răng. Nếu trong nhà có những cơ địa đặc biệt, ví dụ như người già yếu hoặc trẻ nhỏ, chưa được chích ngừa sởi hoặc có nhiều bệnh nền, bệnh mãn tính thì phải né người đó ra. Tốt nhất là mình vào viện để cho bệnh bác sĩ cách ly, khỏi lây cho người thân”, BS Quý khuyến cáo.

Trong tuần qua, TPHCM ghi nhận số ca sởi tăng 41,9% so với trung bình 4 tuần trước. Trên cả nước, số liệu của Bộ Y tế cho thấy chỉ riêng trong tháng 11, cả nước ghi nhận thêm hơn 7.100 trường hợp mắc sởi và 1 ca tử vong. Tích lũy từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận gần 14.300 ca mắc, 4 ca tử vong liên quan đến sởi.

So với cùng kỳ năm 2023, số ca mắc cao hơn 42 lần, tử vong liên quan sởi tăng 4 ca. Đến nay, gần 961.800 trẻ tại 31 tỉnh, thành đã tiêm vaccine ngừa sởi trong chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng bệnh sởi theo kế hoạch; tuy nhiên, một số tỉnh, thành chưa bảo đảm tiến độ tiêm chủng.

Bài liên quan
Những ai có nguy cơ cao bị sỏi thận?
Phát hiện các triệu chứng của bệnh sỏi thận từ giai đoạn sớm sẽ giúp người bệnh được điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Quốc hội đồng ý khởi động lại dự án BT đổi đất lấy hạ tầng
Với 444/446 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 92,69% tổng số đại biểu), chiều nay 29/11, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu.
Mới nhất