Tổng cục Thuế xử lý nghiêm cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp chưa áp dụng giảm thuế

Phạm Hạnh/VOV1 | 25/02/2022, 09:11

Tổng cục Thuế đã có công điện gửi Cục Thuế các địa phương về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định số 15 của Chính phủ, nếu không sẽ xử lý nghiêm.

Đã hơn 20 ngày áp dụng việc giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) về mức 8%, song, qua ghi nhận thực tế cho thấy, chỉ ở những siêu thị, công ty, cửa hàng có xuất hóa đơn rõ ràng thì người tiêu dùng mới được hưởng chính sách này. Về phía doanh nghiệp cũng có rất nhiều băn khoăn, vướng mắc, trong đó nổi cộm lên là việc xác định những mặt hàng nào thuộc diện giảm thuế, hàng hoá nào không được giảm thuế; Việc lập hoá đơn giá trị gia tăng cho hàng hoá dịch vụ được giảm thuế được thực hiện như thế nào cho đúng quy định pháp luật và cho đúng đối tượng thụ hưởng.

Trước thực tế này, Tổng cục Thuế đã có công điện gửi Cục Thuế các địa phương về việc đẩy mạnh triển khai thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) theo quy định tại Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị định số 15 của Chính phủ. Theo đó, Tổng cục Thuế nhấn mạnh: Sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp không thực hiện giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%.

Theo Nghị định số 15 của Chính phủ, từ 1/2 đến hết năm nay, thuế giá trị gia tăng (VAT) được giảm từ 10% xuống 8%. Ví dụ với mỗi hoá đơn siêu thị từ 1 - 2 triệu đồng, như trước đây phải đóng thuế VAT từ 100.000 - 200.000 đồng (mức thuế 10%), thì giờ chỉ đóng 80.000 - 160.000 đồng (mức thuế 8%).

Chị Lê Thị Kim Oanh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội cho biết: Mỗi tháng đi siêu thị vài lần thì cũng tiết kiệm được kha khá, để mua những vật dụng khác. "Đây là việc rất kích thích cho mọi người mua hàng và cả tôi nữa. Được giảm giá thế tôi sẽ quay lại mua nhiều hơn….".

Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc điều hành siêu thị BigC & Go Thăng Long cho biết, tại hệ thống siêu thị này, các mặt hàng được giảm thuế giá trị gia tăng xuống còn 8% chủ yếu nằm trong giỏ hàng hoá thiết yếu, chiếm 75% tỷ trọng mua sắm của người tiêu dùng tại siêu thị.

"Cứ 10 khách hàng vào siêu thị thì sẽ có 7 khách hàng được hưởng lợi từ chương trình giảm thuế VAT xuống 8% của Chính phủ. Thông qua việc giảm thuế VAT, doanh nghiệp cũng không bị ảnh hưởng tới hiệu quả tài chính, vẫn có thể kích cầu tiêu thụ. Như vậy cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng được hưởng lợi từ gói hỗ trợ lãi suất này…" - bà Nguyễn Thị Mai Phương cho biết thêm.

Theo các chuyên gia, việc giảm thuế VAT sẽ tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường, cả người mua và người bán. Chính sách này có thể sẽ làm giảm thu ngân sách nhà nước năm nay khoảng gần 50.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, thông qua giảm thuế VAT sẽ có tác dụng kích thích tiêu dùng, qua đó góp phần vào khôi phục kinh tế sau dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Được, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín, cho biết, đối với đối tượng bị ảnh hưởng lớn về thu nhập do dịch bệnh thì giảm thuế sẽ giúp người tiêu dùng tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân và giúp tăng giao dịch trên thị trường. Bên cạnh đó, việc giảm thuế VAT đầu vào, người bán có điều kiện để không tăng giá thành sản phẩm, dịch vụ khi sức ép chi phí tăng cao.

Theo ông Được: "Khi VAT giảm 2%, doanh nghiệp sẽ được tiết kiệm 2% trên tổng doanh số mua vào trong năm 2022, ước lượng con số này tương đối lớn cho mỗi doanh nghiệp. Chính vì vậy, doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được nguồn vốn của mình và để sử dụng nguồn tài chính này đi đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh khác".

Theo Tổng cục thuế, về cơ bản, các doanh nghiệp đã chấp hành nghiêm và đúng thời gian việc giảm thuế VAT. Tuy nhiên, việc thực hiện giảm thuế VAT được bắt đầu từ ngày 1/2, cũng là thời gian bắt đầu năm mới Nhâm Dần, người dân đang vui xuân đón Tết, còn các doanh nghiệp đang trong kỳ nghỉ Tết. Thế nên, không khó hiểu khi quay trở lại làm việc, còn gặp một số lúng túng: với người dân thì chưa rõ sản phẩm nào được giảm thuế GTGT 2%, hàng hoá nào vẫn giữ nguyên mức thuế 10%; với doanh nghiệp thì việc thay đổi cách tính hay là việc phân loại hàng hoá được giảm và hàng hoá không được giảm thuế VAT…

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Vụ trưởng vụ Chính sách, Tổng cục thuế cho biết, Tổng cục Thuế sẽ xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp không thực hiện việc giảm thuế VAT từ 10% xuống 8%.

Bà Phạm Thị Hiền nhấn mạnh: "Tất cả các hàng hoá dịch vụ mà hiện nay được quy định tại các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định thì sẽ không được giảm thuế. Thì như vậy đối với các cơ sở kinh doanh bán các hàng hoá dịch vụ này thì có thể căn cứ vào danh mục, phụ lục đó để xem xét và lập hoá đơn với thuế suất giảm nếu như cơ sở kinh doanh đang áp dụng là thuế suất 10%.

Đối với hàng hoá dịch vụ mà thuộc diện được giảm thuế thì cơ sở kinh doanh phải lập hoá đơn riêng giao cho người tiêu dùng để người tiêu dùng biết được hàng hoá dịch vụ mình mua, mình được thụ hưởng là thuộc diện được giảm thuế giá trị gia tăng. Cơ sở phải lập hoá đơn với thuế suất là 8% giao cho người mua. Trường hợp nếu hoá đơn không theo đúng thuế suất được giảm thì hai bên phải điều chỉnh hoá đơn theo đúng quy định. Nghị định này được ban hành vào thời điểm giáp Tết, cho nên một số cơ sở kinh doanh vẫn chưa hiểu được đầy đủ những nội dung của Nghị định, Tổng cục thuế cũng đã có Công điện chỉ đạo cục thuế các tỉnh thành phố tập trung tuyên truyền hướng dẫn giám sát để cơ sở kinh doanh người bán cũng như người mua được biết nội dung này.

Còn nếu như các cơ sở kinh doanh mà kinh doanh hàng hoá thuộc diện giảm thuế nhưng thực tế khi bán hàng các dịch vụ lại không áp dụng việc giảm thuế để người tiêu dùng được thụ hưởng thì cơ quan thuế cũng sẽ có những biện pháp xử lý nghiêm khắc".

Theo Nghị định số 15 của Chính phủ: Không phải mặt hàng nào cũng thuộc diện hàng hoá được giảm thuế VAT 2%. Nhiều mặt hàng vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%, như: Nhóm sản phẩm công nghệ thông tin, gồm: máy vi tính, điện thoại di động; Nhóm sản phẩm thiết bị điện tử gia dụng, gồm: máy giặt, lò vi sóng, máy hút bụi, điều hoà; Nhóm dịch vụ, như: ngân hàng, bảo hiểm, tài chính, viễn thông, bất động sản…

Theo quy định, cơ sở kinh doanh phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng. Tuy nhiên, việc bóc tách từng mặt hàng chịu thuế 10% và 8% không hề đơn giản. Các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đang chờ đợi các hướng dẫn chi tiết hơn trong từng trường hợp của cơ quan thuế.

Trước đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho việc lập hóa đơn đáp ứng quy định giảm mức thuế VAT, Tổng cục Thuế đã có thông báo về việc nâng cấp giải pháp lập hóa đơn điện tử. Theo đó, đã nâng cấp ứng dụng bổ sung thêm mức thuế suất 8% để người sử dụng lựa chọn./.

Bài liên quan
Việt Nam và Dominicana thúc đẩy hợp tác sản xuất vật liệu xây dựng
VOVLIVE - Sáng 20/11 (giờ địa phương), tại Cung Quốc gia ở Thủ đô Santo Domingo, trong khuôn khổ hội đàm giữa Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Tổng thống Luis Abinader Corona, Bộ Trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đã có bài tham luận về thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Dominicana trong lĩnh vực xây dựng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tôn vinh những điển hình tiên tiến cống hiến hết mình dựng xây đất nước
VOVLIVE - Ngày 21/11, tại Hà Nội, Trung tâm Thông tin - Truyền thông, thuộc Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương tổ chức Chương trình Giao lưu điển hình tiên tiến với chủ đề “Mỗi tấm gương một khát vọng cống hiến”.
Mới nhất