Tổng Bí thư Tô Lâm: Hải Phòng cần có tầm nhìn và giải pháp phát triển bền vững

Văn Hiếu - Thanh Nga/VOV | 14/11/2024, 18:15

Hôm nay (14/11), Tổng Bí thư Tô Lâm dẫn đầu đoàn công tác Trung ương đã về thăm và làm việc với Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hải Phòng.

Cùng đi với Tổng Bí thư có Uỷ viên Bộ Chính trị, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh văn phòng Trung ương Nguyễn Duy Ngọc, các Uỷ viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Dân vận Trung ương Mai Văn Chính và lãnh đạo một số Ban Bộ ngành Trung ương.

Tại đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã làm việc với Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hải Phòng về việc thực hiện kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI Đảng bộ thành phố; quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị và tình hình triển khai thực hiện Kết luận số 96 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đầu giờ chiều cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm tới dự chứng kiến lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 12 dự án đầu tư mới và mở rộng tiêu biểu trong tháng 11 năm 2024 tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng với tổng số vốn đầu tư thu hút được tăng thêm 1,8 tỷ đô la Mỹ, dự kiến nhu cầu lao động trong các năm tới vào khoảng 17 nghìn người; nâng tổng vốn đầu tư thu hút trực tiếp nước ngoài của thành phố trong 11 tháng qua đạt khoảng 3,5 tỷ đô la Mỹ, đạt 140% kế hoạch năm.

Tiếp đó, chủ trì buổi làm với lãnh đạo Thành phố, Tổng Bí thư biểu dương Hải Phòng thời gian qua luôn nằm trong nhóm những địa phương thu hút FDI lớn nhất, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển nhanh, hạ tầng giao thông khá đồng bộ, hiện đại, có tính kết nối cao; không gian đô thị được mở rộng, thêm nhiều khu mới, văn minh; hạ tầng công nghiệp, hạ tầng du lịch, thương mại, công nghệ thông tin phát triển mạnh.

Bên cạnh đó, quy mô kinh tế của Hải Phòng không ngừng được mở rộng, duy trì vị trí thứ 2 vùng đồng bằng sông Hồng, sau thủ đô Hà Nội và đứng thứ 5 cả nước; GRDP bình quân đầu người năm 2023 của Hải Phòng đạt 7.960 USD đứng thứ 2 trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Hải Phòng thuộc nhóm các địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước, thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2023 của Hải Phòng tăng trưởng bình quân 7,3%/năm, gấp 1,67 lần bình quân chung cả nước; riêng năm 2023 đạt khoảng 104 nghìn tỷ đồng, đứng thứ 3 cả nước chỉ sau TP. HCM và Hà Nội; Hải Phòng hiện là một trong số 18 địa phương cả nước có đóng góp cho ngân sách Trung ương, với mức đóng góp thuộc nhóm đầu. Tính riêng 9 tháng qua, kinh tế- xã hội của địa phương phát triển toàn diện, tăng trưởng GRDP tuy chỉ có 9,77%, nhưng thu ngân sách và tăng trưởng xuất khẩu đều khá cao (đều tăng gần 30% so với cùng kỳ). Khách du lịch 10 tháng đầu năm cũng tăng 14,1% so với cùng kỳ…

Đặc biệt, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống Chính trị được quan tâm chỉ đạo và đạt nhiều kết quả quan trọng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hoạt động của cấp ủy, chính quyền có nhiều đổi mới, hiệu lực, hiệu quả hơn, khối đại đoàn kết toàn dân được tăng cường…

Sau khi chỉ rõ những tồn tại hạn chế và thách thức của thành phố trong thời gian qua, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, Hải Phòng cần nỗ lực phấn đấu phát triển thành phố ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở Châu Á, là thành phố cảng quốc tế hiện đại, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, là một trung tâm quốc tế về kinh tế, giáo dục, đào tạo, khoa học - công nghệ, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao như các mục tiêu mà Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị đã đề ra.

Trên tinh thần này, Tổng Bí thư Tô Lâm đề nghị, Hải Phòng phải chú trọng công tác quy hoạch và lập kế hoạch tốt hơn cho tương lai; quyết tâm theo đuổi mục tiêu đã đề ra, Tổng Bí thư cho rằng, Thành phố muốn thành công phải có chiến lược phát triển sáng suốt; bộ máy công quyền xuất sắc và được người dân tin tưởng, bởi lòng tin của người dân là tài sản và là động lực lớn nhất.

Tổng Bí thư Tô Lâm nói: "Làm tốt công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh - hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, có khát vọng vươn lên vì sự phát triển của Thành phố. Phát huy vai trò nêu gương của người đứng đầu. Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tổ chức đại hội Đảng các cấp và Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII nhiệm kỳ 2025 - 2030 theo đúng chỉ thị 35 của Bộ Chính trị. Hải Phòng cần tiếp tục hoàn thiện công tác quy hoạch, trong đó có quy hoạch đô thị, công nghiệp, du lịch, kinh tế biển, quy hoạch hạ tầng ngầm, quy hoạch không gian; kết nối và đồng bộ các loại hình giao thông. Quy hoạch tương lai thành phố cần được mô hình hóa, lấy ý kiến rộng rãi và công khai quy hoạch. Quy hoạch chính là nguồn lực, là tầm nhìn để thành phố trở nên minh bạch trong phát triển và hấp dẫn các nhà đầu tư."

Tổng Bí thư Tô Lâm cũng yêu cầu, Thành phố tập trung xây dựng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm trong chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ, tạo động lực mới cho tăng trưởng; thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong mọi ngành, lĩnh vực. Hải Phòng hướng tới là đô thị đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp, khuyến khích tăng chi tiêu cho nghiên cứu phát triển, thúc đẩy phát minh sáng chế, bảo hộ tốt quyền tài sản, tạo dựng môi trường sáng tạo và khởi nghiệp hấp dẫn không chỉ cho Việt Nam mà còn cho khu vực Đông Nam Á, sớm hiện thực hóa Tầm nhìn 2045 mà Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị đặt ra cho Hải Phòng, đó là trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu Châu Á và thế giới.

Muốn làm được điều này, Tổng Bí thư Tô Lâm đặc biệt yêu cầu: "Hải Phòng phải phấn đấu trong nhiệm kỳ tới khơi thông và phát huy tối đa mọi nguồn lực xã hội, đẩy nhanh hiện đại hóa; tạo dựng một cách cơ bản, rõ nét các nền tảng vững chắc để trở thành trung tâm giáo dục - đào tạo, y tế và khoa học - công nghệ của vùng duyên hải Bắc Bộ; cần định hình lại chính sách hỗ trợ đào tạo lao động kỹ thuật cao để phát triển nền kinh tế kỹ thuật số. Thành phố cần phải tăng tốc đô thị hóa có chất lượng để tương xứng vai trò và vị thế của một thành phố trực thuộc trung ương và phải chủ động liên kết vùng, xây dựng Hải Phòng trở thành đô thị thông minh, hiện đại, một thành phố mẫu mực về sự trải nghiệm và đáng sống; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tăng tốc phát triển kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại và bền vững hơn."

Tại buổi làm việc, Tổng Bí thư cũng cho ý kiến và đồng tình cao về các kiến nghị chủ yếu về hạ tầng như giao thông, cảng biển, sân bay, năng lượng, khu kinh tế, khu công nghiệp của Thành phố Hải Phòng đồng thời giao Văn phòng Trung ương Đảng tổng hợp các đề xuất kiến nghị gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền, bảo đảm đúng quy định của pháp luật, trên nguyên tắc tạo thuận lợi nhất cho Hải Phòng phát triển.

Trước đó, sáng cùng ngày, Tổng Bí thư Tô Lâm và đoàn công tác đã tới dâng hương tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ; tặng quà người dân và cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang làm nhiệm vụ trên huyện đảo Bạch Long Vĩ; tham dự Lễ động thổ dự án đầu tư xây dựng nhà công vụ, nhà ăn, nhà kiểm soát nhiễm khuẩn, thuộc Trung tâm Y tế quân dân y Bạch Long Vĩ.

Phát biểu tại buổi làm việc với tập thể lãnh đạo chủ chốt huyện đảo Bạch Long Vĩ, Tổng Bí thư Tô Lâm bày tỏ xúc động ấn tượng với tình cảm nồng ấm, sự tiếp đón chu đáo mà Đảng bộ, chính quyền, chiến sỹ và nhân dân huyện đảo Bạch Long Vĩ - đảo tiền tiêu xa bờ nhất trên vịnh bắc bộ dành cho đoàn.

Khẳng định Đảo Bạch Long Vĩ có vai trò là Trung tâm hậu cần, một tiền đồn kiểm soát an ninh trật tự trên biển, nhất là Vùng biển Bạch Long Vĩ là một trong 8 ngư trường lớn của Vịnh Bắc Bộ, hệ sinh thái biển đa dạng, phong phú. Tổng Bí thư nhấn mạnh, từ tiềm năng, vị thế và lợi thế của Bạch Long Vĩ, Thành phố Hải Phòng và huyện cần suy nghĩ về kế hoạch và cách làm cụ thể để huyện đảo trở thành trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá, phát triển nuôi trồng thủy hải sản và thu hút khách du lịch, như tinh thần nghị quyết của Bộ chính trị. 

Tổng Bí thư đề nghị, cần làm quy hoạch tốt vùng kinh tế và vùng sinh thái để có phương hướng đầu tư đồng bộ về hạ tầng như hạ tầng năng lượng, giao thông, viễn thông, công trình hạ tầng nghề cá, chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nơi tránh trú bão, đảm bảo sự kết hợp chặt chẽ phát triển kinh tế- xã hội, gắn với củng cố quốc phòng, an ninh. Bên cạnh đó, các các bộ, ngành Trung ương và Thành phố tiếp tục quan tâm thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng biển đảo.

Tổng Bí thư cho rằng: "Phải kiến tạo sức sống mới cho huyện đảo tiếp tục trồng cây xanh, xây hồ trữ nước ngọt, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học biển đảo đưa thêm lực lượng tình nguyện đến đảo thu hút giáo viên bác sĩ đến đảo lập nghiệp tăng cường các nền tảng xã hội không ngừng củng cố mối đoàn kết cấp ủy chính quyền các lực lượng vũ trang nhân dân trên biển đảo, đặc biệt quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cán bộ, chiến sĩ của nhân dân trên đảo đời sống của người dân cần được cải thiện trên các mặt đảm bảo vấn đề an sinh xã hội."

Cũng trong sáng nay, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng đoàn công tác đã trực tiếp đi thị sát 2 tàu tuần tra do cơ quan cảnh sát biển Hàn Quốc viện trợ nhằm phục vụ nâng cao năng lực tuần tra, đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy, đấu tranh phòng chống tội phạm khu vực đường thủy ven biển và kiểm tra tàu chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của Công an thành phố Hải Phòng.

Bài liên quan
Cháy lớn thiêu rụi nhà xưởng trong khu công nghiệp tại Hải Phòng
Đám cháy xảy ra vào đêm qua, rạng sáng nay (24/11), thiêu rụi khu nhà xưởng của một công ty trong khu công nghiệp Tràng Duệ (Hải Phòng).

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam: Huy động sức mạnh nội sinh từ các nhà thầu Việt
VOVLIVE - Các doanh nghiệp giao thông trong nước đang có những bước chuẩn bị khẩn trương để sẵn sàng đảm nhận khối lượng công việc “khổng lồ” từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Khi các nhà thầu trong nước thực hiện được sẽ huy động sức mạnh nội sinh, vừa tránh phụ thuộc nước ngoài.
Mới nhất