Theo PGS.TS Nguyễn Chu Hồi - ĐBQH Đoàn Hải Phòng, cho rằng trong một loạt bài viết vừa qua của Tổng Bí thư Tô Lâm có thể thấy tinh thần của Đại hội Đảng XIII. Trong đó, từ thực tiễn của Việt Nam và tầm nhìn mới đã đặt ra mục tiêu và khát vọng của đất nước vào hai mốc quan trọng là năm 2030 và 2045.
Để thực hiện được kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu chuỗi 7 nhóm vấn đề. Đầu tiên trong đó là nhóm vấn đề thể chế hóa. Tổng Bí thư cho rằng, đây là “nút thắt của nút thắt” và để thể chế hóa lại trước hết phải thực hiện một bước rất quan trọng là tinh gọn lại bộ máy.
“Nút thắt của nút thắt” thể chế
PV: Bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” của Tổng Bí thư Tô Lâm mang ý nghĩa như thế nào khi Việt Nam đang trong thời điểm chuẩn bị để bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, thưa ông?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Tổng Bí thư đã tổng kết và đưa ra một loạt luận điểm mới, trong đó, để thực hiện được những mục tiêu này, đòi hỏi phải có hành trang cho một kỷ nguyên mới với động từ “vượt trội”. Kỷ nguyên vươn mình thể hiện sự “vượt trội”, với một ý là làm tốt nhất cho đất nước và “vươn mình” thể hiện khát vọng cao hơn, xa hơn, vượt ra khỏi danh giới Việt Nam, để cộng đồng thế giới thừa nhận vị thế của Việt Nam cao hơn, xa hơn trên trường quốc tế.
Để thực hiện được kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình, Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu lên chuỗi 7 nhóm vấn đề. Đầu tiên trong đó là nhóm vấn đề thể chế hóa. Tổng Bí thư cho rằng, đây là “nút thắt của nút thắt” và để thể chế hóa lại trước hết phải thực hiện một bước rất quan trọng là tinh gọn lại bộ máy. Theo đó, để tăng cường hiệu lực, thay đổi chất lượng nguồn nhân lực, thay đổi lực lượng lao động. Từ đó, xây dựng quan hệ sản xuất mới và xây dựng nền tảng mới cho năng suất lao động, trong bối cảnh năng suất lao động của chúng ta đang trong trạng thái báo động.
Vấn đề quan trọng nữa là việc tinh gọn bộ máy, hiệu lực, hiệu quả chính là để giảm chi tiêu bao cấp của Nhà nước - hiện có thể nói là gánh nặng của biên chế, khi bộ máy cồng kềnh đến mức có thể ảnh hưởng rất lớn tới tương lai phát triển của đất nước.
Do vậy, theo tôi, Tổng Bí thư lần này đã đưa ra những thông điệp mang tính hành động và có cách làm bài bản, khi đưa vào Nghị quyết Trung ương 10. Từ đó, tham kiến ý kiến của tất cả các tầng lớp, các giai tầng của xã hội, của hệ thống chính trị, từ quán triệt trong Ban chấp hành Trung ương, quán triệt đến các bộ ngành, các cơ quan Nhà nước, Mặt trận cho đến việc xin ý kiến tham khảo của các vị lão thành cách mạng đã có nhiều kinh nghiệm.
Sau đó, đã quán triệt đến lớp cán bộ nguồn của Trung ương, đến thế hệ tương lai, để có thể hiểu đầy đủ, toàn diện, sâu sắc, để cùng nhau hành động.
PV: Đây không phải là lần đầu tiên câu chuyện tinh gọn được nhắc đến. Theo đại biểu, chủ trương “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” lần này sẽ có sự khác biệt thế nào?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Thực tế, không biết bao nhiêu nhiệm kỳ đã đặt ra câu chuyện tinh giản, tinh gọn bộ máy hiệu lực, hiệu quả. Cả trong Nghị quyết và thực tiễn đã triển khai và hiện nay vẫn đang được triển khai từ dưới lên, từ cấp xã, phường, thị trấn đến cấp huyện và mới đang thí điểm ở một số địa phương.
Nhưng lần tin gọn này sẽ không chờ mà quyết tâm làm, đã có chủ trương đúng thì sẽ làm, trách nhiệm của ai người đó làm. Và sẽ từ vĩ mô đến vi mô, tức là xác định khung và trong khung mới rà soát các tổ phần, các yếu tố, các tổ phần. Sau đó, tiếp tục gia giảm các bộ phận nhỏ.
Khi sáp nhập các đơn vị từ bộ ngành này sang bộ ngành khác, chúng ta thực hiện chia ra và sáp nhập phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ chủ yếu của bộ ngành, của tổ chức đó.
Là một nhà khoa học, một nhà quản lý đã được nhiều lần tham gia, lấy ý kiến về nội dung này, tôi rất tâm đắc với phương án Tổng Bí thư đã nêu. Trong đó, nhiều ý kiến các chuyên gia chưa nêu đã được Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và các cơ quan chức năng dự kiến trong kế hoạch, với cách làm mạnh mẽ gấp nhiều lần. Điều này thể hiện hành động lần này rất triệt để.
Tuy nhiên, thay cũ đổi mới bao giờ cũng khó nhất là trong điều kiện về văn hóa của Việt Nam, của thực trạng công tác cán bộ và độ trễ, độ ì nhất định của hệ thống, của các cơ quan quản lý chung. Đây chính là thách thức.
Thách thức này phải được hóa giải bằng một số cách tiếp cận. Thứ nhất là thông qua đối thoại. Thứ hai là thông qua dân chủ phản hồi, đối thoại 2 chiều. Từ kết quả đối thoại, chúng ta sẽ cùng nhau nhận diện đúng vấn đề về mặt lý luận và mặt thực tiễn. Trên cơ sở đó tìm được đồng thuận cuối cùng. Từ đó, Tổng Bí thư và Bộ Chính trị đã xác định đây là một cuộc cách mạng và cách mạng về thể chế phải có sự hy sinh, có cái được - cái mất. Sự hy sinh ở đây là hy sinh về quyền lợi, về quyền lợi của một tổ chức khi phá vỡ tính cục bộ, đồng thời còn là sự hy sinh quyền lợi của cá nhân. Qua đó cũng là một lần đánh giá cán bộ, để có bước đi tiếp theo. Bộ máy nào dù tinh giản hay cồng kềnh, cốt lõi cuối cùng vẫn là con người.
Tôi cho rằng, Tổng Bí thư đã chuẩn bị phương án cho tinh gọn và bên cạnh đó đã hình thành cơ chế chính sách mới để làm sao giải quyết tối đa khó khăn và hóa giải được những thách thức ở chừng mực nhất định, nhằm giảm thiểu tác động tâm lý tới cán bộ, công chức, cũng như tạo ra niềm hứng khởi mới cho xã hội.
Tổng Bí thư xác định, để có kết quả cuối cùng vẫn phải cần thời gian và các chính sách phải có bước đi hiệu quả để hình thành bộ máy công chức mới, phong cách làm việc mới, môi trường làm việc mới trong chuyển đổi số… Như vậy, con người phải đổi mới, chất lượng nguồn nhân lực phải thay đổi.
Các bộ ngành, các cơ quan liên quan cũng phải thiết kế được cơ chế mới để lắp ráp đồng bộ trong lần tinh gọn này.
Giải bài toán dôi dư nhân lực
PV: Như đại biểu vừa chia sẻ, việc phải hy sinh lợi ích cá nhân có phải là bài toán giải quyết vấn đề dôi dư về nhân sự. Vậy đâu là cách giải quyết, sắp xếp thoả đáng?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Tôi cho rằng, vấn đề dôi dư nhân sự sẽ có những cách giải quyết. Ví dụ, với cán bộ có chức vụ, sau khi cơ cấu lại thì thuộc nhóm dôi dư, thì lúc đó cán bộ này có thể sang ngang hay đảm nhận chức vụ thấp hơn, nhưng chế độ vẫn giữ nguyên theo chức vụ cũ theo lộ trình thời gian. Như vậy, cán bộ vẫn yên tâm công tác. Và trong quá trình đó, có bán bộ vẫn chứng minh được năng lực theo tiêu chí mới và trở lại vị trí ban đầu.
Vấn đề dôi dư này sẽ được phân ra thành những tường hợp khác nhau, được đặt vào từng ô cụ thể để xử lý tương ứng, phù hợp, để tối ưu hóa được lợi ích và giảm thiểu những tác động xấu, tác động tiêu cực.
Tôi tin tưởng lần này, Trung ương sẽ có phương án cụ thể và Tổng Bí thư cũng có kinh nghiệm cá nhân trong quá trình giải quyết nhiều trường hợp thực tiễn, thậm chí có trường hợp rất phức tạp.
PV:Sau khi đã tinh gọn bộ máy, có được một bộ máy hiệu quả, thì đây có phải là nền tảng để Việt Nam bước vào kỷ nguyên vươn mình như Tổng Bí thư đã đề ra?
PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: Tôi cho rằng, đây là bước tạo đà quan trọng, để chúng ta tiếp tục làm việc với một lực lượng sản xuất mới, trên nền tảng công nghệ mới, trong bối cảnh của một môi trường chính sách mới. “Lồng chính sách” trước kia chật hẹp khi được mở ra thì sải cánh sẽ dang rộng hơn, để đáp ứng yêu cầu của phát triển. Từ đó, tạo ra những đột phá mới.
Đây mới là 1 trong 7 nhóm giải pháp. 6 nhóm giải pháp còn lại của Tổng Bí thư sẽ tiếp tục triển khai dựa trên nền tảng này.
Bên cạnh đó, phải có phân cấp nhiều hơn, công việc được giải quyết đúng đầu mối. Lâu nay, Trung ương vẫn làm thay cho địa phương, làm thay cho bộ ngành, thậm chí đi vào giải quyết vấn đề không phù hợp với chức năng nhiệm vụ. Có trường hợp trong thực tiễn vừa qua là các cơ quan chức năng, bộ ngành “dẫm chân lên nhau”, gây lãng phí nguồn lực, từ con người, đến thời gian và tiền của, gây ra độ trễ, gây vòng vo, thể hiện sự cồng kềnh của bộ máy.
Phương thức lãnh đạo của Đảng phải bắt đầu từ một bộ máy mới, theo đó, phải có cơ chế mới, chính sách mới, với độ mở tốt để phát triển nguồn lực. Thứ hai là phải giải quyết được hậu quả của cuộc cách mạng thể chế. Thứ ba chính là cơ chế phân cấp mạnh.
Chúng ta hiện nay mới bắt đầu chủ trương và đang triển khai thí điểm. Từ đó, sẽ có hướng dẫn cụ thể. Chúng ta đang ở trong thế giới phẳng, do vậy Nhà nước cần chú trọng đầu tư hạ tầng cơ sở kỹ thuật, bao gồm hạ tầng số, để mở ra không gian điều hành lớn hơn. Phân cấp là một cấu trúc dọc, trong đó, Trung ương sẽ không ôm việc và sẽ chỉ làm công tác quản lý Nhà nước là ban hành, hỗ trợ, kiểm soát, đánh giá và điều chỉnh.
Nếu không làm được phân cấp hiệu quả, triệt để thì bộ máy dù tinh giản đến đâu cũng không có tác dụng.
Do vậy, giải pháp sắp tới phải rất đồng bộ từ công tác cán bộ, chế độ chính sách, độ mở của cơ chế đến các cơ chế phân cấp. Đồng thời, cần đào tạo lại nguồn nhân lực, đưa ra tiêu chí mới để lựa chọn lại cán bộ.
PV: Xin cảm ơn ông!