Tín dụng bất động sản: Ngân hàng và doanh nghiệp phải cùng chung tay tháo gỡ

18/11/2023, 08:53

Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại sẽ hỗ trợ tích cực để thị trường BĐS chuyển mình, tuy nhiên, các doanh nghiệp bất động sản cũng cần tháo gỡ những khó khăn nội tại.

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), thị trường bất động sản (BĐS) có mối quan hệ với nhiều ngành kinh tế khác. Do đó, nếu thị trường này hoạt động an toàn, bền vững sẽ tạo động lực cho các ngành kinh tế khác phát triển. Chính vì vậy, NHNN và các ngân hàng thương mại cũng sẽ hỗ trợ tích cực để thị trường BĐS chuyển mình, tuy nhiên, các DN BĐS cũng cần tháo gỡ những khó khăn nội tại.

Theo số liệu từ NHNN, đến 30/9/2023, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực BĐS của các tổ chức tín dụng đạt 2,74 triệu tỷ đồng, tăng 6,04% so với 31/12/2022, chiếm tỷ trọng 21,46% tổng dư nợ đối với nền kinh tế… Trong đó, tín dụng BĐS tập trung vào mục đích tiêu dùng/tự sử dụng chiếm 64% và dư nợ đối với hoạt động kinh doanh BĐS chiếm tỷ trọng 36% dư nợ tín dụng lĩnh vực BĐS. Đáng chú ý, nợ xấu của tín dụng BĐS tính đến tháng 9/2023 là 2,89% tăng so với 1,72% thời điểm cuối năm 2022.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc Ngân hàng Tiên Phong (TPBank) nhận định, cũng có một số vấn đề trục trặc của một số DN, tập đoàn không chuẩn chỉnh về mặt pháp lý nên mắc lại, không xử lý được. Các quy định cũng chặt chẽ hơn, yêu cầu pháp lý cao hơn nên nguồn vốn bị mắc, nếu giải quyết được vấn đề đó sẽ gỡ vướng.

“Đối với vấn đề về thị trường và người mua BĐS, ngân hàng sẵn sàng đồng hành với khách hàng, những dự án đã hoàn thiện pháp lý ngân hàng đang hỗ trợ cả khách hàng. Mặc dù doanh số BĐS bán ra thời điểm này khá thấp, nhưng ngân hàng sẽ hỗ trợ để DN hoàn thành cam kết với người mua nhà trước đó”, ông Hưng cam kết.

Một số yếu tố khiến thị trường BĐS phát triển thiếu bền vững, đó là năng lực tài chính của DN còn hạn chế và phụ thuộc chủ yếu vào các nguồn huy động từ bên ngoài như vốn vay, trái phiếu, huy động của người mua nhà. Các kênh huy động vốn khác chưa thực sự phát huy hiệu quả, nhất là thị trường vốn (thị trường trái phiếu DN, thị trường chứng khoán) đang tồn tại một số vấn đề và chưa phát triển tương xứng với vai trò cung ứng vốn trung, dài hạn cho nền kinh tế, mặt bằng giá nhà ở cao so với khả năng tài chính và mức thu nhập của nhiều người dân...

Thẳng thắn chỉ ra nguyên nhân thị trường BĐS gặp khó do nhiều DN BĐS găm hàng, đầu cơ đất dẫn đến nguồn vốn cạn kiệt, đến thời điểm thị trường xuống lại không muốn bán giá thấp, bằng chứng giá BĐS trên thực tế không giảm nhiều, ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng VP Bank cho rằng, các DN cũng cần cơ cấu lại danh mục đầu tư, cắt lỗ dự án nếu cần thiết.

“Khi huy động được tiền dễ, phát hành trái phiếu dễ, rất nhiều DN BĐS đầu cơ mua tích luỹ. Bây giờ khủng hoảng, các DN cần chung tay vào, bán bớt dự án, hoà vốn hoặc lỗ cũng phải chấp nhận, để cùng ngân hàng giải quyết”, ông Vinh đưa ra phương hướng.

NHNN cho biết một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS, đó là tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về hoạt động ngân hàng, chủ động rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế chính sách, quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng phù hợp với thực tiễn. Hiện nay, NHNN đang khẩn trương rà soát, đánh giá tình hình thực hiện Thông tư 03 và Thông tư 06 để kịp thời ban hành các văn bản sửa đổi, tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, đảm bảo an toàn hệ thống theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

NHNN chỉ đạo TCTD thực hiện các giải pháp để nâng cao khả năng tiếp cận vốn của DN và người dân; tiếp tục triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN. Bám sát tình hình triển khai Chương trình tín dụng phát triển nhà ở xã hội, để phối hợp với Bộ Xây dựng xem xét, đề xuất các giải pháp đẩy mạnh thực hiện Chương trình, góp phần thúc đẩy việc đầu tư, xây dựng cũng như mua nhà ở xã hội của người dân. Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để hoàn thiện các quy định pháp lý nhằm hỗ trợ thị trường BĐS phát triển bền vững đồng thời kiểm soát rủi ro, bảo đảm an toàn hoạt động của tổ chức tín dụng.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN cũng đã điều hành rất linh hoạt, yêu cầu các tổ chức tín dụng cân đối nguồn cung của mình cung ứng vốn cho nền kinh tế nói chung, thị trường BĐS nói riêng, đặc biệt hạn mức tín dụng với các DN cũng cần rà soát những DN có uy tín. Đương nhiên khi tổ chức tín dụng cho vay dài hạn sẽ phải có những giới hạn để đảm bảo an toàn hệ thống”, Thống đốc nói.

Thiết nghĩ, để thị trường BĐS phục hồi, cần nhiều nỗ lực từ phía cơ chế chính sách, nguồn vốn, nội tại DN và trên hết là lòng tin của nhà đầu tư, người mua nhà. 

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Sắp xếp đơn vị hành chính, Hà Nội giải quyết tên gọi và thủ tục cho dân thế nào?
Lộ trình thực hiện bố trí, sắp xếp để giảm số lượng cán bộ chuyên trách cấp xã bảo đảm hoàn thành chậm nhất trong vòng 5 năm kể từ ngày Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ (UBTV) Quốc hội về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, cấp huyện giai đoạn 2023-2025 của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành.
Mới nhất