Tiếng chuông và chim bồ câu hòa bình tại nghĩa trang liệt sĩ

Đình Thiệu-VOV miền Trung | 05/02/2024, 21:55

Chiều cuối năm, khi mọi người đang quây quần bên mâm cơm tất niên cùng gia đình thì tại các nghĩa trang liệt sĩ này vẫn còn nhiều người đi viếng mộ, lặng lẽ thắp nén hương thơm tri ân liệt sĩ. Tiếng chuông ngân vang giữa không gian linh thiêng và hình ảnh đàn chim bồ câu sà xuống bên nhà hành lễ mỗi lần có đoàn đến viếng như một lời nhắc nhớ về khát vọng hòa bình

Vùng đất lửa Quảng Trị trở thành địa chỉ tâm linh nặng ân tình đối với đồng bào cả nước khi đảm nhận chăm sóc 72 nghĩa trang với gần 6 vạn mộ liệt sĩ. Vẫn còn đó những ngôi mộ chưa biết tên, thân nhân mãi đi tìm kiếm. Chiều cuối năm, khi mọi người đang quây quần bên mâm cơm tất niên cùng gia đình thì tại các nghĩa trang liệt sĩ này vẫn còn nhiều người đi viếng mộ, lặng lẽ thắp nén hương thơm tri ân liệt sĩ. Tiếng chuông ngân vang giữa không gian linh thiêng và hình ảnh đàn chim bồ câu sà xuống bên nhà hành lễ mỗi lần có đoàn đến viếng như một lời nhắc nhớ về khát vọng hòa bình. 

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 tỉnh Quảng Trị ngày cuối năm vẫn còn nhiều người đến viếng mộ. Khói hương và mùi hoa tươi đặt trên phần mộ liệt sĩ hòa quyện thơm ngát cả không gian linh thiêng. Bên nhà hành lễ, các thành viên của Ban Quản lý Nghĩa trang Liệt sĩ chuẩn bị chu đáo mâm cơm tất niên dâng cúng Anh hùng liệt sĩ.

Sau 3 hồi thỉnh chuông, người quản trang thổi nhiều tiếng còi, bất ngờ hàng trăm con chim bồ câu đang chao liệng trong nghĩa trang sà xuống khu vực hành lễ đón thức ăn trước sự ngỡ ngàng của khách đến viếng mộ.

Chim bồ câu - biểu tượng của khát vọng hòa bình được chăm nuôi tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 tạo ra cảm giác yên bình. Thân nhân liệt sĩ, người dân và du khách khi đến viếng hương nhìn thấy hàng trăm chim bồ câu ríu rít, sà xuống khu vực hành lễ đều có cảm giác hương hồn của Anh hùng Liệt sĩ đã về chứng kiến. Anh Đàm Tiến Dũng ở tỉnh Thái Nguyên đến viếng nghĩa trang này tỏ ra bất ngờ khi thấy đàn bồ câu xuất hiện ở khu vực hành lễ: “Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia đường 9, phần lớn là liệt sĩ hy sinh làm nhiệm vụ quốc tế, vì hòa bình rất cao cả. Chim bồ cầu là biểu tượng của hòa bình của thế giới, có ý nghĩa nhắc nhở thế hệ sau nên nhớ công lao của liệt sĩ không chỉ hy sinh cho đất nước và cả nhiệm vụ quốc tế cao cả”.

Chiều muộn, các Nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Quảng Trị thưa dần người đi viếng mộ. Ở một góc nghĩa trang, anh Đinh Tiến Dũng từ thành phố Nam Định tới đây đã nán lại bên mộ liệt sĩ, đợi cháy hết cây nhang vừa thắp trên mộ liệt sĩ rồi mới ra về. Bao năm nay, gia đình anh Dũng đi khắp các nghĩa trang trong tỉnh Quảng Trị để tìm mộ chú ruột mình. Thông tin về người thân, gia đình có được chỉ là giấy báo tử ghi dòng chữ “Liệt sỹ Đinh Văn Sơn, hy sinh năm 1970 tại chiến trường Quảng Trị”, việc tìm kiếm vô cùng khó khăn. Trong một lần đi viếng nghĩa trang, tình cờ anh nhìn thấy tên người chú ruột của mình được khắc trên phần mộ liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9. Sau đó, gia đình làm thủ tục xin cất bốc mộ để giám định AND, kết quả không trùng. Thế nhưng, cứ mỗi dịp 27/7 hay lễ, Tết, hoặc có dịp đi ngang qua tỉnh Quảng Trị, anh đều đến thăm viếng, thắp hương và xem đây như phần mộ của chú ruột mình. Anh Đinh Tiến Dũng hy vọng, ở một nơi xa xôi nào đó, chú ruột của mình cũng đang có người chăm lo hương khói: “Mình cũng hy vọng cũng có thể ngôi mộ này có phần của chú mình. Bởi vì mình đã nghe nhiều câu chuyện đồng đội nằm chung nhau, khi khai quật đưa về đây thì có sự nhầm lẫn. Mình nghĩ ở đây mộ liệt sỹ mình nhận, hy vọng mộ của người thân ở một nơi nào đó cũng được người ta chăm sóc chu đáo như thế này”.

Vẫn còn đó hàng nghìn liệt sĩ chưa rõ tên đang nằm tại các nghĩa trang liệt sĩ ở tỉnh Quảng Trị. Nhưng nghĩa trang nào cũng có người chăm sóc, phần mộ nào cũng có người hương khói nên mỗi lần trở lại những nơi này, thân nhân gia đình liệt sĩ, các cựu chiến binh đều cảm thấy ấm lòng. Hơn 12 năm làm nhân viên quản trang tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9, anh Nguyễn Thế Lâm chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động trên hành trình đi tìm mộ liệt sĩ. Nhiều gia đình liệt sỹ mất hàng chục năm trời đi tìm kiếm người thân đã hy sinh đến khi tìm được rồi, ôm chặt bia mộ mà khóc. Anh Nguyễn Thế Lâm kể, có một phụ nữ ở Thanh Hóa, trong một lần đến Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9, chị bất ngờ tìm thấy mộ chú ruột là liệt sĩ Nguyễn Thế Vị, sinh năm 1951, quê ở huyện Hằng Hóa hy sinh năm 1972 tại mặt trận Quảng Trị sau hơn 40 năm đi tìm kiếm trong vô vọng. Chị ấy đã sụp xuống bên mộ người chú khóc rưng rức. Mọi người nhìn thấy cũng không cầm được nước mắt.

Anh Đoàn Thế Lâm bảo rằng, đã 5 năm gia đình đưa hài cốt liệt sĩ này về quê nhà lo hương khói nhưng mỗi lần có dịp đi qua Quảng Trị, chị đều ghé lại và thắp hương lên phần mộ của chú mình còn giữ lại tại Nghĩa trang: “Gia đình đi tìm hàng năm trời tìm không ra đến lúc vào đây bất ngờ tìm thấy liệt sĩ, gia đình cảm động lắm. Sau này, chị ấy đưa liệt sĩ về quê nhueng hàng năm chị cũng đi vào ghé qua thắp hương vì ngôi mộ của liệt sỹ vẫn còn. Nếu không vào được, chị lại gọi điện nhờ thắp hương và xem đây như quê hương thứ 2 của liệt sĩ”.

Vùng đất lửa Quảng Trị trở thành địa chỉ tâm linh nặng ân tình đối với đồng bào cả nước khi đảm nhận chăm sóc 72 nghĩa trang với gần 6 vạn mộ liệt sĩ. Vùng đất này thực hiện nhiều phong trào đền ơn đáp nghĩa như "Mười ngàn bát hương đặt ở nghĩa trang Trường Sơn", “Chung tay chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ”, “Thắp nến tri ân”, trở thành nét đẹp về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Từ năm 2015, tỉnh Quảng Trị tổ chức Chương trình “Hoa dâng mộ liệt sĩ”, vận động mọi người cùng đóng góp mua bình hoa gắn lên làm đẹp mộ liệt sĩ, thắp sáng lửa tri ân.

Hiện nay, Ban Quản lý Nghĩa trang và Đón tiếp thân nhân liệt sĩ tỉnh Quảng Trị tổ chức đón tiếp, phục vụ các đoàn đến viếng, tưởng niệm, tri ân các Anh hùng liệt sĩ vào ban đêm tại Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9. Thời gian tổ chức lễ viếng ban đêm bắt đầu từ 17 giờ đến 21 giờ hàng ngày. Ông Hoàng Văn Minh, Trưởng Ban Quản lý Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn cho biết, vào các ngày lễ, Tết, nhân viên ở đây làm việc suốt ngày đêm: “Bây giờ, đón khách ban đêm, thời gian làm việc liên tục. Công việc rất vất vả nhưng chúng tôi luôn phục vụ đón khách, thân nhân về thăm, viếng nghĩa trang liệt sĩ”.

Năm 2024 này, lần đầu tiên tỉnh Quảng Trị tổ chức “Lễ hội vì hòa bình” nhằm tôn vinh giá trị của hòa bình, kêu gọi mọi người chung tay đấu tranh, gìn giữ, xây dựng cuộc sống hòa bình, thịnh vượng. Đây cũng là dịp tưởng niệm, tri ân các Anh hùng Liệt sĩ, chung tay xây dựng Quảng Trị trở thành một không gian văn hóa vì hòa bình, là biểu tượng sức sống mãnh liệt của nhân loại ngay trên mảnh đất bị hủy diệt do chiến tranh.

Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia đường 9 trở thành một trong những địa chỉ đỏ, một điểm đến tri ân không thể thiếu trong “Lễ hội vì hòa bình”. Và tiếng chuông cùng những cánh chim bồ câu trắng tung bay tại nơi tâm linh này luôn nhắc nhớ mọi người về khát vọng hòa bình.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Cùng đất nước bước vào kỷ nguyên mới
VOVLIVE - Xuân Ất Tỵ đã đến với đất nước, mang đến những hy vọng về bước chuyển mình của dân tộc hướng tới Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình. Là cơ quan báo chí chủ lực quốc gia, Đài Tiếng nói Việt Nam luôn luôn tận tâm, tận lực cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân, nhất là trong những thời điểm bước ngoặt của đất nước, lan toả thông tin, cổ vũ toàn dân bước vào kỷ nguyên mới.
Mới nhất