Trong những ngày vừa qua, 2 sự việc xảy ra khiến nhiều người không khỏi trăn trở. Hai sự việc ở hai vị trí địa lý cách xa nhau nửa vòng trái đất, một ở tận Mỹ và một ở ngay trong nước, tưởng chừng không liên quan nhưng thực sự lại liên quan mật thiết, là hệ quả tất yếu của câu chuyện mang tên “của thừa kế”.
Trong tháng 9, dư luận không khỏi bức xúc, phẫn nộ, bức xúc khi xuất hiện một clip dài gần 7 phút ghi lại hình ảnh một phụ nữ hành hạ dã man một bà cụ được cho là mẹ ruột. Trong clip, người phụ nữ liên tiếp chửi bới, xưng hô mày tao với bà cụ. Không dừng lại đó, người này còn lấy cây chổi đánh liên tiếp vào mặt, vào đầu cụ và đổ rác, bụi lên đầu bà cụ và kêu bà mở miệng ra ăn. Sau khi cơ quan công an vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ, người phụ nữ trên đã thừa nhận hành vi trong đoạn clip được đăng tải trên mạng xã hội Facebook là do chính bà thực hiện. Bà này khai do bực tức việc người mẹ không để lại tài sản gì trong khi chỉ có mình bà lo nuôi dưỡng mẹ.
Với một người bình thường, hành vi này là không thể chấp nhận được và vi phạm pháp luật. Nhưng thật đau lòng ,đây là hành động của một đứa con đối với chính người đẻ ra mình. Nó đi ngược với truyền thống và đạo hiếu của con người, nhất là đạo làm con của người Á Đông.
Trong sự việc này, chính người con cũng khai nhận hành hạ mẹ vì bực tức người mẹ không để lại tài sản gì trong khi mình phải nuôi dưỡng mẹ. Và đây không chỉ là câu chuyện đơn lẻ, cá biệt mới xảy ra mà cả thời gian dài vừa qua, đã có rất nhiều vụ việc đau lòng khi con đuổi bố mẹ già bệnh tật ra người trời mưa lạnh, thậm chí gây án mạng với ngay người sinh thành chỉ vì việc phân chia của thừa kế không như mong muốn.
Trong tâm thức nhiều người Việt, luôn có tâm lý chắt bóp để dành sau này có chút tiền thừa kế cho con cháu. Ngay như bố mẹ tôi cũng vậy. Mẹ tôi là một cán bộ Nhà nước, nhưng khi về hưu, với đồng lương ít ỏi không đủ trang trải, bà vẫn phải lao động vất vả như một người nông dân thực thụ, từ việc đi cấy cày thuê, mò cua bắt ốc, lên rừng lấy củi khô đem bán… việc gì bà cũng đều có thể làm, cốt chỉ để có tiền nuôi 2 đứa lớn học Đại học và mấy đứa nhỏ ở nhà đang tuổi ăn, tuổi lớn.
Đến giờ, khi con cái đã trưởng thành, bố mẹ tôi đỡ vất vả hơn xưa, nhưng vẫn giữ thói quen dành dụm, mặc dù con cái có khuyên nhủ thế nào cũng không nghe. Lương hưu bao giờ ông bà cũng để dành phần lớn để mua đồ ăn thức uống gửi cho con và còn để sau này “cho mỗi đứa mỗi tí”.
Phải khẳng định, ở nhiều gia đình, con cái được thừa hưởng “của thừa kế” của bố mẹ thì biết biết trân trọng và yêu thương cha mẹ mình nhiều hơn. Có nhiều người không vì thế mà ỉ lại, dựa dẫm vào những gì cha mẹ để lại, họ càng thấy phải cố gắng nhiều hơn, phát huy truyền thống của gia đình. Một câu chuyện mà cũng trong thời gian qua mọi người hay nhắc đến với sự trân trọng là việc ông Đoàn Ngọc Hải (nguyên Phó Chủ tịch UBND quận 1, TP.HCM) mua xe cứu thương giúp đỡ người bệnh khó khăn.
Theo ông Hải thì tài sản ông được thừa kế do bố mẹ kinh doanh bất động sản để lại, ông đã thấm cảnh nghèo khổ khi bố mẹ phải buôn bán đồ ăn ở vỉa hè để tích cóp, nên khi thừa kế di sản của gia đình để lại, ông đã phấn đấu, học hỏi kinh doanh để làm cho đồng tiền của cha mẹ được sinh sôi nảy nở, từ đó ông có thể có kinh phí để thỏa mãn được mong muốn làm việc thiện của mình mà chưa cần phải nhờ đến cá nhân, tổ chức nào tài trợ mặc dù có rất nhiều lời đề nghị.
Nhưng cũng có một thực tế hiện nay, trong rất nhiều gia đình có điều kiện, bố mẹ có của ăn của để, con cái được sống sung sướng mà quên đi trách nhiệm làm con, sống ích kỷ, thích đòi hỏi và không có sự chia sẻ với gia đình, người thân. Từ đó, nhiều người bị thui chột ý chí phấn đấu, sống an phận, luôn nghĩ rằng sau này có tài sản của bố mẹ để lại. Và không ít những hệ lụy đang diễn ra trong thực tế mà ai cũng có thể nhìn thấy được từ nỗi buồn về câu chuyện “của thừa kế”, thậm chí là cả nỗi đau như câu chuyện con đánh đập, hành hạ mẹ như vừa xảy ra ở Tiền Giang, hay con cái đuổi bố mẹ già bệnh tật vì mâu thuẫn trong việc phân chia của thừa kế…
Cũng liên quan đến câu chuyện thừa kế, mới đây vị tỉ phú người Mỹ Chuck Feeney 89 tuổi vừa hoàn thành mục tiêu lớn nhất của cuộc đời mình cho đi tất cả khối tài sản 8 tỉ USD, chỉ chừa lại 2 triệu USD cho quãng đời còn lại.
Không chỉ có thế, được biết, tỉ phú Chuck Feeney đã tài trợ cho rất nhiều dự án từ thiện ở khắp nơi trên thế giới, riêng trong giai từ năm 1998-2013, ông đã tài trợ 381,6 triệu USD cho các dự án tại Việt Nam qua các tổ chức phi chính phủ, trường đại học, cơ sở nghiên cứu….
Ông Chuck Feeney cũng không phải là trường hợp cá biệt ở Mỹ và các nước phương Tây, mà trước đó có rất nhiều người cũng đã di chúc hiến toàn bộ tài sản để làm từ thiện sau khi mất, trong đó có vợ chồng tỷ phú Bill Gate. Kể cả khi được hỏi, ông có để lại cho con một phần tài sản thì ông đã thẳng thẳng trả lời rằng, ông không có nghĩa vụ phải làm việc này, mà con cái phải tự lo lấy cuộc đời của mình.
Việc không để lại tài sản cho con đã trở thành câu chuyện bình thường ở nước ngoài. Một phần cũng có lẽ vì thế nên trẻ con ở Tây, khi đến tuổi trưởng thành (từ 18 tuổi) đã có ý thức rất cao về việc phải tự chịu trách nhiệm về cuộc sống của mình, thậm chí rất nhiều người đã ra ở riêng, tự lo, tự chịu mọi vấn đề liên quan đến bản thân.
Trong khi đó, ở Việt Nam, thử hỏi mỗi năm có gần 1 triệu học sinh tốt nghiệp PTTH, đủ 18 tuổi nhưng có bao nhiêu em tự lo được cuộc sống hoặc có trách nhiệm một phần cuộc sống của mình?. Phần lớn bố mẹ vẫn phải chu cấp từ A đến Z, thậm chí nhiều em có tư tưởng bố mẹ, gia đình phải phục vụ, học cho bố mẹ, ra trường bố mẹ phải lo cho chỗ làm yên ổn…
Ở đâu cũng vậy, trong xã hội và từng gia đình, cách sống, cách giáo dục ảnh hưởng rất lớn đến những thành viên trong xã hội và gia đình đó. Và câu chuyện “của thừa kế” ở trong hai môi trường, xã hội khác nhau cũng phần nào đang là tấm gương phản chiếu rõ ràng nhất sự phát triển của xã hội. Nó như là một hệ quả tất yếu, chẳng thể nào khác được./.