Thuận tiện và giá rẻ
Ngay trước cổng nhiều bệnh viện lớn ở TP.HCM như Bệnh viện Đại học Y Dược - Quận 5, Bệnh viện Ung bướu - quận Bình Thạnh…dễ dàng nhìn thấy các gánh, xe đẩy bán thức ăn từ bánh mì, bún, và các loại nước uống… được bày bán ngay vỉa hè, sát lòng lề đường. Nhất là vào những ngày nắng nóng oi bức, lượng xe cộ, phương tiện qua lại đông, nhiều bụi bặm nhưng thức ăn, thức uống bán ở đây phần lớn không được che chắn, nguyên liệu không rõ nguồn gốc. Thế nhưng vẫn có nhiều người dân ghé mua. Những người dân ở xa lên thành phố khám bệnh đi từ khuya nên cũng vội mua 1 hộp thức ăn và ly nước uống để dùng.
Tương tự, tại một số khu vực gần cổng trường từ tiểu học đến đại học ở TP.HCM có rất nhiều xe, quang gánh bán thức ăn, thức uống…thu hút khá đông học sinh, sinh viên.
Kim Ngân, sinh viên Trường đại học Nguyễn Tất Thành thường mua thức ăn đường phố ở gần cổng trường cho biết: "Mình là sinh viên, thường xuyên ăn thức ăn ngoài lề đường, vỉa hè, vì giá thành rẻ và mùi vị cũng ngon hợp khẩu vị, không đòi hỏi quá nhiều về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm".
Không chỉ trước cổng trường học, bệnh viện mà ở một số khu dân cư, nhất là buổi chiều tối, nhiều người lao động đi làm về cũng tấp vào ăn thức ăn bán ở vỉa hè.
Tại khu vực xung quanh cổng Trường Trung học cơ sở Phú Mỹ, trạm xe buýt ở đường Ngô Tất Tố, quận Bình Thạnh có khoảng sân trống nên buổi chiều tối nơi này trở thành điểm kinh doanh ẩm thực, bán trứng vịt lộn, bánh tráng trộn, hủ tiếu gõ, chả viên chiên... và các loại nước uống có nhiều màu sắc bắt mắt.
Trong khi đó, cá viên tươi cần được bảo quản lạnh đảm bảo đúng và đủ nhiệt độ, nhưng người bán vẫn trưng bày trong tủ kính, thời tiết thì nắng nóng; bánh tráng trộn được bày ra trộn tại chỗ ngay dưới mặt đường đầy bụi, cát, chỉ lót 1 tấm ni-long, nhưng người mua vẫn vô tư dùng.
Qua trao đổi, nhiều người hay mua thức ăn đường phố cho biết do tiện lợi và giá rẻ. Giá tô bún, hủ tiếu khoảng 20.000 -25.000đồng/tô, bánh tráng trộn, cá viên chiên tầm 10.000 đồng một xâu.
Anh Phúc, công nhân làm công trình nhà ở đường Nguyễn Hữu Cảnh, Quận Bình Thạnh đang ăn tô bún chay xào giá 17.000 đồng tại một hành bún gánh cho biết, anh không thể biết nguồn gốc thực phẩm, chỉ trông chờ vào lương tâm của người bán.
"Mình mua vỉa hè vì tiện lợi cho công việc và đi làm thì đói tới đâu thì mua ăn tới đó. Giá thức ăn rẻ và nó đỡ mất thời gian, do tính tiện lợi nên ăn chứ an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm thì ở đâu cũng vậy, tùy thuộc vào lương tâm của người bán chứ biết làm sao được", anh Phúc nói.
Nâng cao nhận thức cho người dân
Trước thực trạng này, bà Phạm Khánh Phong Lan, Giám đốc Sở An toàn Thực phẩm TP.HCM cho biết, thức ăn đường phố ẩn giấu rất nhiều nguy cơ gây ngộ độc, vì vậy trong Tháng hành động vì an toàn thực phẩm năm 2024 (từ ngày 15/4-15/5), các đoàn kiểm tra sẽ kiểm tra bất ngờ những điểm bán thức ăn đường phố. Hiện nay, thức ăn đường phố được phân cấp giao cho xã, phường, quận, huyện quản lý. Thời gian qua, Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị này tập huấn nâng cao nhận thức cho người bán. Thời gian tới, công tác này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa.
"Mỗi người bán phải được tập huấn nâng cao kiến thức. Chúng ta có những chương trình trang bị kiến thức cho người bán thức ăn đường phố về dụng cụ kẹp gắp thức ăn, găng tay, khẩu trang… để bớt nguy cơ nhiễm khuẩn. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta phải nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng, nói 1 cách đơn giản là thấy dơ thì đừng có mua ăn", bà Lan nói.
An toàn vệ sinh thực phẩm liên quan trực tiếp đến sức khỏe con người, vì vậy không chỉ trông chờ vào lương tâm của người bán hay công tác kiểm tra, quản lý của cơ quan chức năng. Chính người tiêu dùng phải nâng cao ý thức để bảo vệ sức khỏe của mình, đừng vì sự tiện lợi và giá rẻ mà sau này có thể trả giá đắt bằng sức khỏe của bản thân.