Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội trực thuộc Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam; là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn; nghiên cứu khoa học về lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật, văn thư, lưu trữ, báo chí, truyền thông, và thực hành biểu diễn nghệ thuật.
Trong quá trình xây dựng, trưởng thành và phát triển, nhà trường đã đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn hàng nghìn cán bộ, diễn viên, nhân viên, văn hoá nghệ thuật, phóng viên báo chí truyền thông và nhân viên văn thư lưu trữ cho các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội. Đào tạo tập trung chính quy và tập huấn chuyên môn nghệ thuật cho hàng trăm lượt cán bộ, diễn viên văn hóa nghệ thuật cho Quân đội nhân dân Lào và Quân đội Hoàng Gia Campuchia. Nhiều học viên, sinh viên đã trở thành NSND, NSƯT, chuyên gia đầu ngành về văn hóa nghệ thuật của Quân đội, quốc gia và quốc tế.
Vượt lên những khó khăn để phát triển, từ ngôi trường nhỏ ở Mai Dịch, cơ sở vật chất, phương tiện dạy và học nghèo nàn, ít ỏi, đến nay, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh, có cơ ngơi khang trang, hiện đại với 4 địa điểm đóng quân: Số 101 Nguyễn Chí Thanh, Đống Đa, thành phố Hà Nội; Khương Trung, Thanh Xuân, Thành phố Hà Nội; Thạch Hòa, Thạch Thất, Thành phố Hà Nội; Cơ sở 2 và Nhà hát Quân đội khu vực phía Nam ở 140 Cộng Hòa, Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh.
Thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, các tướng lĩnh, chỉ huy các cơ quan của Bộ Quốc phòng, cán bộ, giảng viên, học viên, văn nghệ sĩ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội những tình cảm thân thiết, lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nêu rõ, văn hoá trong Cương lĩnh của Đảng ta năm 1930 có đề cập, phát triển đất nước phải có cả lĩnh vực văn hoá. Năm 1943, chúng ta có ban hành Đề cương Văn hoá, xác định rõ vai trò, vị trí của văn hoá: mặt trận văn hoá là một trong ba mặt trận kinh tế, văn hoá, chính trị; phát triển văn hoá theo 3 hướng dân tộc, khoa học và đại chúng. Bác Hồ từng nói "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi"; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: "Văn hoá còn thì dân tộc còn, văn hoá mất thì dân tộc mất", “Văn hoá là hồn cốt của dân tộc”.
Từ Cương lĩnh, đến Đề cương Văn hoá, các phát biểu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều để cao vai trò của văn hoá trong xây dựng và phát triển văn hoá; xác định, văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc thống nhất trong đa dạng; văn hoá, con người là sức mạnh mềm của dân tộc. Đất nước ngày càng phát triển thì vai trò, vị trí của văn hoá ngày càng nặng nề hơn, đóng góp cho phát triển đất nước nhanh và bền vững.
Chúng ta đang thực hiện 3 trụ cột về xây dựng nền dân chủ XHCN, Nhà nước pháp quyền XHCN, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN… Con đường đi lên CNXH là kết hợp chủ nghĩa Mác - Lênin kêt hợp với truyền thống lịch sử hào hùng trong suốt 4.000 năm. Xuyên suốt quá trình này coi người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển; không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần.
Hiện nay, sau Hội nghị Văn hoá toàn quốc năm 2021, văn hoá đã được đề cao hơn. Văn hoá nghệ thuật là một mặt trận, những người hoạt động trên lĩnh vực này đều là chiến sĩ. Chính phủ đang trình các cấp có thẩm quyền về phát triển công nghiệp văn hoá, công nghiệp giải trí. Vấn đề hiện nay là công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đầu tư cho văn hoá nghệ thuật, cơ sở vật chất, tài chính cho phát triển văn hoá; văn hoá có tính đại chúng, từ đó thành các sản phẩm và mang về tài chính; du lịch vắn với việc làm.
Quá trình xây dựng và phát triển 80 năm của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, văn hoá góp phần củng cố lòng yêu nước, ý chí trong lực lượng Quận đội để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Quân uỷ Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn quan tâm lĩnh vực văn hoá. Lĩnh vực văn hoá của Quân đội nhân dân cũng chiếm vai trò hết sức quan trọng trong việc giáo dụng chính trị, tư tưởng. Có rất nhiều bài hát đi cùng năm tháng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Thủ tướng nêu rõ, trong suốt quá trình gần 70 năm xây dựng và trưởng thành, Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội luôn nỗ lực, khắc phục khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng những hạt nhân nghệ thuật cho toàn quân, đào tạo các thế hệ văn nghệ sĩ, nhạc sĩ.
Trong giai đoạn đầu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, với tinh thần “tất cả cho tiền tuyến”, “xẻ dọc Trương Sơn đi cứu nước”, “tiếng hát át tiếng bom”, “tay đàn, tay súng”, cán bộ, học viên nhà trường đã đem lời ca, tiếng hát, điệu múa đến từng trận địa, xuống tận chiến hào, khích lệ bộ đội chiến đầu, trong đó nhiều đồng chí đã hy sinh hoặc để lại một phần thân thể ở các chiến trường.
Trong giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, Nhà trường đã thực hiện tốt nhiệm vụ dạy tốt, học tốt, nghiên cứu khoa học tốt, phục vụ tốt, công tác tốt, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, cán bộ quản lý văn hóa, báo chí, văn thư lưu trữ và nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự nghiệp cũng nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Qua đi thăm và nghe báo cáo, Thủ tướng rất vui mùng với sự phát triển của nhà trường, cả về tầm vóc, quy mô, kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị; qua đó tiếp tục khẳng định vị thế là trường nghệ thuật hàng đầu của Quân đội, có uy tín lớn của đất nước: đạt nhiều kết quả về công tác nghiên cứu khoa học, góp phần làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, thực tiễn trong phát triển văn hóa nghệ thuật của Quân đội và đất nước; tham gia xây dựng, tổ chức nhiều chương trình nghệ thuật biểu diễn có giá trị tư tưởng, nghệ thuật cao, phục vụ các sự kiện chính trị trọng đại của Đảng, đất nước, Quân đội, để lại nhiều dấu ấn đẹp trong lòng công chúng về người nghệ sĩ - chiến sĩ. Nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ, diễn viên của Nhà trường đã thành danh, đạt nhiều giải cao tại các liên hoan, hội thi, hội diễn toàn quốc và ở nước ngoài; có tác phẩm đạt giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, Giải thưởng Hồ Chí Minh
Năm 2023, Nhà trường đã nỗ lực sáng tạo, đổi mới về nội dung, phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ, kết hợp chặt chẽ giữa truyền thống và hiện đại, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ, lần đầu tiên hoàn thành khóa đào tạo Cao học, chuyên ngành Quản lý văn hóa, đánh dấu một bước phát triển mới.
Thủ tướng khẳng định, những kết quả đạt được của trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội những năm qua đã đóng góp cho sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước nói chung, góp phần làm cho nhận thức về văn hóa ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn, góp phần vào thắng lợi chung của lực lượng vũ trang, của Quân đội nhân dân Việt Nam, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng biểu dương, ghi nhận và nhiệt liệt chúc mừng những thành tích, cống hiến, đóng góp của đội ngũ các nhà văn hóa, văn nghệ sĩ Quân đội; các thế hệ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của Nhà trường. Thủ tướng mong muốn Nhà trường năm 2024 đạt kết quả cao hơn năm 2023, giai đoạn sau cao hơn giai đoạn trước.
Thủ tướng nêu rõ, trong giai đoạn phát triển mới, đất nước ta có những thời cơ, vận hội nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Năm 2024 là năm có ý nghĩa rất quan trọng đối với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; đồng thời là năm có nhiều sự kiện quan trọng như kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, 70 năm Giải phóng Thủ Đô, 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân...
Bối cảnh đó đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ nặng nề đối với công tác văn hóa, nghệ thuật, rất cần sự chủ động, tích cực của các đơn vị lớn như Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội.
Với tinh thần đó, Thủ tướng lưu ý quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng, Nhà nước ta: Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; "Văn hoá soi đường cho quốc dân đi". Phải nâng cao cao ý thức chính trị trong phát triển văn hoá.
Triển khai hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về phát triển văn hoá, con người Việt Nam và chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021; thực hiện tốt công tác chính trị, tư tưởng trong Quân đội, trong đó văn hóa văn nghệ là một nội dung quan trọng, là nhiệm vụ chính trị hết sức nặng nề. Văn hoá phải chuyển thành lòng yêu nước, động lực, nguồn lực. Phải đổi mới tư duy để phát triển tốt hơn; sức mạnh là của nhân dân. Do đó, Quân đội phải khơi dậy sức mạnh của nhân dân.
Khơi dậy, phát huy sức sáng tạo, trách nhiệm, sứ mệnh của đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ, cán bộ, giảng viên, học viên, đóng góp công sức, trí tuệ nhiều hơn nữa cho sự nghiệp chấn hưng văn hóa, xây dựng con người Việt Nam thời đại mới.
Tích cực tham gia nghiên cứu, làm sáng tỏ những định hưởng lớn, quan điểm, đồng thời phát triển, bổ sung, làm phong phú, sâu sắc hơn nữa những nội dung về phát triển văn hóa, nghệ thuật trong thực tiễn.
Xây dựng các chương trình nghệ thuật chất lượng cao, hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc; sáng tác ngày càng nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, nghệ thuật và văn hóa, góp phần bảo tồn, phát huy, lan tỏa giá trị văn hóa Việt, đẩy mạnh hoạt động quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài.
Chuẩn hóa, hiện đại hoá nội dung, chương trình đào tạo, quy trình, phương pháp dạy học; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số. Thực hiện tốt “dạy tốt, học tốt, phục vụ tốt, công tác tốt", "học đi đôi với hành gắn với dạy người, dạy nghề và dạy trách nhiệm"; bảo đảm học viên ra trường có đủ phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, là những hạt giống tốt để góp phần phát triển văn hóa, văn nghệ, xây dựng đời sống văn hóa. Nêu cao tinh thần trách nhiệm, sự hy sinh, cống hiến.
Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có chất lượng cao, giỏi về chuyên môn, kiên định về chính trị, mẫu mực về đạo đức lối sống, tâm huyết với nghề; đồng thời nghiên cứu, tham mưu cơ chế chính sách phù hợp để thu hút, trọng dụng nhân tài. Nâng tổng kết thành lý luận, truyền cho các thế hệ sau; xây dựng các cơ chế, chính sách, thể chế để phát triển nhanh và bền vững; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực văn hoá nghệ thuật.
Chú trọng xây dựng Đảng bộ Nhà trường, đội ngũ cán bộ vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đạo đức, gắn với xây dựng nhà trường vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu"; nỗ lực thể hiện sự cống hiến, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" từ nhân dân mà ra, vì nhân dân phục vụ.
Quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ của nhà trường, nhất là đối tượng chính sách, hoàn cảnh khó khăn; các nghệ sĩ, diễn viên làm nhiệm vụ trong dịp Tết Giáp Thìn; bảo đảm mọi nhà, mọi người đều có Tết sum vầy, nghĩa tình.
Thủ tướng lưu ý chính sách vừa phải có tính phổ biến và đặc thù. Cái phổ biến xử lý bằng biện pháp phổ biến, cái đặc thù xử lý bằng biện pháp đặc thù; nghiên cứu tình hình hoạt động nghệ thuật trong tình hình chung, phù hợp điều kiện, hoàn cảnh. Về cơ sở vật chất, Thủ tướng nêu rõ, điều này cũng có đặc thù; phát triển công nghiệp văn hoá, biểu diễn. Đảng, Nhà nước chăm lo về cơ chế, chính sách, cơ sở vật chất.
"Chúng ta tự hào về truyền thống và các giá trị văn hóa Việt Nam và có nghĩa vụ, trách nhiệm, vinh dự cùng nhau gìn giữ, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc bền vững, phù hợp với xu thế của thời đại; góp phần phát triển đất nước hùng cường, thịnh vượng; nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, phát triển văn hoá nhanh và bền vững; xây dựng văn hoá nghệ thuật trong Quân đội nhân dân Việt Nam mà Trường Đại học Văn hoá Nghệ thuật Quân đội là nòng cốt việc này" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhân dịp chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng chúc các đại biểu và cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, chiến sĩ Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội sức khỏe, an khang, thịnh vượng, năm mới, thắng lợi mới.