Thời tiết nồm ẩm, người già, trẻ nhỏ đổ bệnh

18/03/2024, 16:21

Thời tiết nồm ẩm, số ca nhập viện do khó thở, suy hô hấp, cảm cúm tăng 20-30%, đa số là người già và trẻ nhỏ.

Người đàn ông 60 tuổi (Chương Mỹ, Hà Nội) bị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính từ năm 2007, mỗi khi thời tiết thay đổi, ông đều khó thở, người nóng ran khó chịu. Đợt giao mùa, nồm ẩm này, các triệu chứng trên của ông càng trầm trọng hơn, phải nhập viện điều trị.

Tình trạng người nhập viện những ngày gần đây gia tăng được ghi nhận ở nhiều bệnh viện ở Hà Nội.

Một người phụ nữ hôm nay cũng đưa con gái hai tuổi nhập viện do viêm phổi. Chị cho biết bé nhạy cảm với thời tiết, thường xuyên bị ốm. Hai ngày nay, trẻ bỏ bú, ho đờm, chảy nhiều nước mũi, khó thở nên đưa đi viện.

Theo bác sĩ Phạm Chiến Thắng, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, thời tiết thay đổi liên tục, nóng ẩm khiến lượng người mắc các bệnh về đường hô hấp tăng cao. Hai tuần gần đây, số ca khám tăng 20-30% so với ngày thường, chủ yếu là bệnh đường hô hấp như viêm phổi, bệnh phổi mãn tính, bệnh hô hấp.

BSCKII Nguyễn Văn Giang, Phó trưởng khoa Hô hấp và Bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông cho biết, nồm ẩm, độ ẩm tăng cao là điều kiện thuận lợi để virus, vi khuẩn, nấm mốc, ký sinh trùng phát triển. Với những bệnh nhân bệnh phổi mãn tính nền sức khỏe kém cộng yếu tố môi trường càng gia tăng nguy cơ bội nhiễm, kích thích các đợt cấp bệnh phổi xuất hiện trở lại.

"Khoa đang điều trị cho một số bệnh nhân có diễn biến phức tạp, diễn tiến bệnh nhanh, nặng hơn thời gian trước rất nhiều. Buổi sáng người bệnh có thể bình thường nhưng buổi chiều xuất hiện các cơn khó thở, nặng, có thể suy hô hấp", BS Giang nói.

Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do bệnh hô hấp tăng. (Ảnh: BVCC)

 Tỷ lệ bệnh nhân nhập viện do bệnh hô hấp tăng. (Ảnh: BVCC)

Để phòng bệnh trong mùa nồm ẩm cách, theo các bác sĩ, mỗi người cần có giải pháp giữ gìn vệ sinh môi trường sống và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Chúng ta nên duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, ngủ đúng giờ và đủ giấc, chú ý tập thể dục hằng ngày để tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nâng cao đề kháng, chống lại các tác nhân gây bệnh.

Người già và trẻ nhỏ cần chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học, cân bằng và đầy đủ các dưỡng chất, vi chất, vitamin cần thiết; ăn chín, uống sôi để tránh mắc các bệnh về đường tiêu hóa, hạn chế tối đa việc ăn đồ tái, sống.

Khi ra khỏi nhà, mọi người nên đeo khẩu trang để phòng bệnh, mặc đủ quần áo để thích ứng với thời tiết bên ngoài; luôn mang theo ô hoặc áo mưa khi ra ngoài để cơ thể không bị dính nước mưa nhiễm lạnh.

Ngoài ra, chúng ta cần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong thời tiết nồm ẩm, không ăn đồ ăn ôi thiu, mốc để tránh nhiễm khuẩn, giữ cho bát đũa sạch sẽ, không bị ẩm mốc.

Các gia đình sử dụng máy hút ẩm để tạo độ khô ráo hoặc bật điều hòa ở chế độ khô để giảm bớt độ ẩm, duy trì độ ẩm không khí ở mức 40 - 60% là tốt nhất. Quần áo cần được sấy thật khô để tránh tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.

Mặt khác, sàn nhà, cửa kính là những nơi dễ đọng nước, gây ẩm ướt và trơn trượt, dễ gặp nguy hiểm khi di chuyển nên các gia đình cần được lau thường xuyên bằng khăn khô. Đồng thời hạn chế mở cửa để không khí ẩm nồm có thể vào nhà.

Nguyễn Ngoan

Bài liên quan
Làm gì để phòng viêm họng lúc giao mùa?
Giao mùa là thời điểm khiến nhiều người dễ mắc các bệnh đường hô hấp nói chung và viêm họng nói riêng, vậy làm gì để phòng ngừa, giảm nhẹ triệu chứng?

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những lợi thế và tiềm năng của Đồng Tháp
Tổng Bí thư nêu rõ những lợi thế của Đồng Tháp để phát triển như tiềm năng nông nghiệp to lớn, phát triển ngành du lịch, đặc biệt là lợi thế vị trí địa lý và khả năng kết nối giao thông khi nằm tiếp giáp với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Mới nhất