Thoát nghèo nhờ nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện sông Nho Quế
H.La/VOV.VN|26/01/2023, 10:16
Trên dòng sông Nho Quế như dải lụa xanh biếc uốn lượn, người dân xã Khâu Vai đã tận dụng vùng nước lòng hồ thủy điện để nuôi cá lồng mang lại nguồn thu nhập đáng kể, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Sông Nho Quế không chỉ là nguồn cung nước cho người dân cao nguyên đá sinh sống mà còn là nơi được tận dụng để xây dựng các công trình thuỷ điện.
Tận dụng lợi thế lòng hồ thuỷ điện, thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững, tạo nguồn sinh kế cho người dân Khâu Vai. Năm 2019, chính quyền xã Khâu Vai (huyện Mèo Vạc) hỗ trợ người dân thôn Ha Dế làm mô hình nuôi cá lồng. Đến nay, mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ Thuỷ điện Bảo Lâm 3 đã góp phần mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ dân nơi đây.
Theo Bí thư xã Khâu Vai Hoàng Ngọc Thành, toàn xã có 8.200 nhân khẩu với 1.435 hộ dân, thu nhập bình quân đầu người 29 triệu đồng/năm. 90% thu nhập của người dân đến từ chăn nuôi bò lợn… trồng trọt ngô, xả, quế, hồi nhưng cũng bấp bênh vì chủ yếu diện tích nơi đây là núi đá.
"Hiện những hộ dân nuôi cá lồng đã có sản phẩm bán ra thị trường mỗi năm thu nhập 200 triệu đồng. Đây được đánh giá là mô hình thành công, nhất là đối với một địa phương vùng cao như Mèo Vạc", ông Thành nói.
Để hình thành mô hình nuôi cá lồng trên sông Nho Quế, chính quyền đã bỏ ra số tiền 300 triệu đồng hỗ trợ 20 hộ dân, mỗi hộ được vay 15 triệu đồng với lãi thấp để nuôi cá lồng trên lòng hồ trong thời gian 3 năm. Đến nay, mô hình này đã phát triển được 16 lồng, trong đó 10 lồng đã có sản phẩm xuất bán ra thị trường với sản lượng 10 tấn cá lăng, chép giòn, rồng xanh, cá trắm, cá bỗng…
Anh Lương Văn Hùng (SN 1981) - cán bộ văn hoá xã Khâu Vai - một trong những người đầu tiên tham gia nuôi cá lồng nhớ lại những khó khăn, thất bại ban đầu. "Mới đầu, do thiếu kinh nghiệm, mình đã không nhập cá bột giống mà nhập loại chép khoảng 7-8 lạng/con về thả. Một tháng sau, cá bắt đầu chết do không quen nước, hay mùa nước đục cá bỏ ăn rồi chết. Giờ mình có kinh nghiệm rồi, con cá lỡ bị bệnh mình cũng không sợ vì biết chữa rồi", anh Hùng kể.
Anh Hùng chia sẻ thêm, là một người máu kinh doanh hết buôn bán nên đứng trước thất bại cá chết càng khiến anh quyết tâm học hỏi, rút kinh nghiệm và đi vay vốn ngân hàng để tiếp tục nuôi cá lồng.
Theo anh Hùng, thời gian đầu lập nghiệp do chỉ xem trên ti vi rồi sau đó tự đi học hỏi mô hình ở Hà Giang, Tuyên Quang, có chỗ chỉ đứng ngoài nhìn từ xa không được vào xem tận nơi nên kiến thức cũng không có nhiều. Sau này huyện có chương trình cho đi học hỏi mới có thể chụp thực tế các khung lồng để về bảo thợ làm.
Riêng tiền đầu tư lồng bè để khởi nghiệp chưa tính giống đã gần 500 triệu đồng, dần dần đầu tư thêm, đến nay mỗi lồng là gần 1 tỷ đồng. Anh Hùng đã vay mượn bạn bè, người thân và đầu tư mua cả thuyền để chở khách tham quan lòng hồ nhằm có thêm thu nhập.
Anh Hùng cùng nhân viên kiểm tra một lồng bè cá chuẩn bị bán tết.
Theo anh Hùng, nuôi cá trên sông Nho Quế phải đầu tư vào lồng bè hơn ở những nơi khác. Do ở đây mùa lũ, nước sông chảy mạnh nên phải làm sắt to, chịu được va đập lồng mới kiên cố, nhiều năm không xô lệch.
Ngoài mô hình nuôi cá lồng, cảnh sắc lòng hồ thuỷ điện Bảo Lâm 3 trên sông Nho Quế cũng là một điểm hấp dẫn du khách.
Theo anh Hùng, khi có đề án quy hoạch du lịch anh sẽ cố gắng tiếp tục đầu tư để phục vụ khách tham quan, góp phần đưa nơi đây thành một điểm du lịch hấp dẫn./.
Bình luận của bạn đã được gửi và sẽ hiển thị sau khi được duyệt bởi ban biên tập.
Ban biên tập giữ quyền biên tập nội dung bình luận để phù hợp với qui định nội dung của Báo.