Tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” diễn ra ở hội trường lớn tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), chật kín các nhà thơ và người yêu thơ. Nhiều tham luận của các thi nhân đã đi sâu phân tích giá trị cốt lõi cũng như những vấn đề mà không ít nhà thơ gặp phải, đó là về phong cách sáng tác, bút pháp, hệ thẩm mỹ và quan điểm tư tưởng. Trong đời sống văn học hiện nay, nhiều người cho rằng thơ đang mất dần vị thế và bị công chúng quay lưng lại.
Trong vai trò người chủ tọa cuộc tọa đàm, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn cho rằng dù ở thời kỳ nào thì nhiều bài thơ, câu thơ vẫn luôn có một giá trị đặt biệt trong đời sống tinh thần của con người. Nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ: "Thơ là để duy trì thế đứng của con người trong thế giới này. Một thế giới đẹp thì cũng đẹp, lộng lẫy thì cũng rất lộng lẫy, nhưng chông gai và suồng sã thì cũng không kém và đôi khi ở đâu đó trên thế giới máu của đồng loại chúng ta vẫn đổ. Thơ tồn tại trong tình thế như vậy. Chỉ có điều do thơ ủng hộ sự sống, sự tồn tại của con người nên nghiêng về phía ánh sáng, nghiêng về cái thiện. Đối với người Việt thì thơ đã trở thành lời ăn tiếng nói, góp phần quan trọng vào sự hình thành, tồn tại và phát triển của dân tộc ta. Mỗi bài thơ là một tiểu định nghĩa về thơ và chức phận của thơ. Và mỗi giai đoạn, mỗi thời đại thơ có thể coi là đại định nghĩa về thơ. Vì thế tôi nghĩ câu hỏi thơ là gì? Thơ có giá trị gì trong đời sống đương đại vẫn tiếp tục vang lên từng giờ, từng ngày, từng nhà thơ, và từng người yêu thơ".
Trong bối cảnh cuộc sống hiện nay khi con người phải đối mặt với quá nhiều thách thức cùng nỗi bất trắc, âu lo thì vai trò và trách nhiệm của người cầm bút càng phát huy hơn bao giờ hết. Người yêu thơ luôn mong chờ những tác phẩm đi sâu vào thân phận con người, mang hơi thở của thời đại. Điều này được nhà thơ Nguyễn Việt Chiến - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đặt ra trong tham luận.
"Thơ hiện nay, hôm nay điều đầu tiên là đánh thức tính công dân của chúng ta đối với xã hội và vận mệnh đất nước. Thơ của chúng ta sau thời kỳ bao cấp, đến thời kỳ mở cửa thì tràn ra những dòng thơ mang tính tâm trạng, cá nhân, đời sống tâm linh của con người hiện đại… đó cũng là nét mới. Thế nhưng sự sao nhãng của dòng thơ công dân hướng đến đời sống hôm nay, nói lên nỗi khổ, niềm vui, khát vọng và suy nghĩ con người thời hiện đại đối với tổ quốc, với cuộc sống đương đại thì đặt ra nhiều vấn đề. Đồng thời để nhà thơ thấy rằng họ có thể là lăng kính phản chiếu tất cả đời sống hôm nay theo góc nhìn của nhà thơ và tính công dân cũng mang nét đặc biệt, chứ không phải giống như trước đây" - nhà thơ Nguyễn Việt Chiến nhận định.
Cùng chung quan điểm đó, nhà thơ Nguyễn Quang Hưng cho rằng, các nhà thơ có trách nhiệm không thể bỏ qua những vấn đề thời cuộc đang diễn ra, ngay cả khi viết về cái xấu, viết về cuộc đấu tranh gay gắt, giằng co giữa cái thiện và cái ác, người cầm bút nên đề cao tính nhân văn, nhân bản chứ không nên tạo cảm giác tới người đọc xúc cảm sợ hãi, âu lo và bất trắc.
Nhà văn Nguyễn Quang Hưng phát biểu: "Những vấn đề nóng, mới và thời sự của đời sống đều được các nhà thơ quan tâm, như là về dịch bệnh, rộng hơn là vấn đề kinh tế, chính trị liên quan tới việc chống tham nhũng cũng như địa hạt rất thiêng liêng và chân quý đó là bảo vệ phần hải đảo và biên cương Tổ quốc… được các thi nhân quan tâm và phần nào truyền tải được trong sáng tác. Tuy nhiên mối quan tâm đó thường mang tính chất thời vụ, cách thể hiện có phần chưa được thỏa mãn, sự liên tưởng, so sánh và nghệ thuật của nhà thơ trong việc vận dụng ngôn ngữ dân tộc hay văn hóa truyền thống để đưa vào, thì tôi luôn mong mỏi được đọc những câu thơ như thế, hơn là tôi lại đọc lại nhiều câu thơ quen thuộc, cũ mòn. Tôi mong các nhà thơ đặc biệt là người viết trẻ quan tâm thường xuyên hơn tới những vấn đề đó, nhưng trong tâm thế của một người đổi mới, sáng tạo, chứ không phải là những người đi lại dấu chân của những người đi trước và lặp lại chính mình".
“Nhà thơ trí thức” là cụm từ tương đối mới mẻ đối với đội ngũ người cầm bút hôm nay. Nếu như thời Lý - Trần có các nhà thơ thiền sư; thời Lê - Nguyễn có thơ nhà nho, nhà nho hành đạo, nhà nho ẩn dật. Trong kháng chiến chống quân xâm lược có mô hình nhà thơ chiến sĩ. Vấn đề là các nhà thơ đương đại sẽ vượt thoát khỏi các mô hình ấy để thiết lập mô hình nhà thơ trí thức như thế nào. Nhà phê bình văn học Ngô Văn Giá cho rằng đời sống đương đại rất cần đội ngũ nhà thơ tri thức với quan điểm tư tưởng thẩm mỹ có sức lan tỏa rộng tới công chúng.
"Nhà thơ trí thức trước hết phải là một nhà thơ với tất cả tài năng và những thao thức quan tâm của mình về vấn đề nhân sinh. Một vài điểm quan trọng của một nhà thơ tri thức, đó là người phải có phông văn hóa thơ hay rộng ra là văn hóa văn chương, nền tảng triết học và mỹ học chắc chắn, phải có mối gắn bó với con người, tha nhân với cuộc đời và đặc biệt phải có ý thức cách tân, tự vượt thoát và không ngừng đổi mới… Hiện nay chúng ta thấy nổi lên một số nhà thơ như Nguyễn Quang Thiều, Mai Văn Phấn, Nguyễn Bình Phương, Trương Đăng Dung cùng một số nhà thơ khác. Họ có một khát vọng và luôn đặt ra những vấn đề sâu, rộng về con người, rộng hơn là về đất nước, thời cuộc nói chung. Nhà thơ trí thức sẽ giúp thơ ca đi cùng với thời đại và nâng tầm thơ ca so với những gì đang có hiện nay" - nhà phê bình Ngô Văn Giá nhận định.
Khuynh hướng làm thơ cách tân cho đến thời điểm hiện tại vẫn vấp phải khó khăn khi tiếp cận với công chúng yêu thơ ngày một khó tính, luôn cho rằng đó là thứ thơ xa lạ, rắc rối và trúc trắc. Nhưng trong cái trúc trắc gập ghềnh ấy thì vẫn nổi lên một số nhà thơ dần khẳng định phong cách sáng tác của mình. Thậm chí một số nhạc sĩ lại tìm thấy điều thú vị khi phổ nhạc cho những bài thơ này.
Nhạc sĩ Đức Trịnh chia sẻ: "Thơ mới, thơ hiện đại bây giờ mang nét riêng. Nếu như những áng thơ của ngày trước rất mượt mà, trau chuốt như những tấm lụa, như những dòng sông và áng mây bồng bềnh… thì bây giờ thơ đi thẳng vào trái tim người đọc một cách trực diện gây cảm xúc mạnh mẽ chỉ bẳng vài ba câu từ. Ví dụ thơ của tác giả Phan Huyền Thư cũng không phải mượt mà, nhưng tôi vẫn đưa vào âm nhạc và chuyển tải được. Ngay cả tác giả Vi Thùy Linh tôi cũng phổ nhạc. Ví dụ như bài “Em bí mật” có những câu thơ như: "Có cô gái tìm anh khi vui khi đau khổ/ Khóc cười như đàn bà như đứa trẻ/ Trong thân hình mảnh mai là cô đơn/ Khát sống và yếu đuối/ Em muốn nổ tung khối chữ trong mình/ thành lời…"
Trong các khuynh hướng cách tân thơ đương đại, có thể thấy sự đổi mới rõ nhất là ở phương diện hình thức. Thơ đương đại ít sử dụng vần, thường nương vào nhịp điệu để tạo tính đa dạng, tự do, linh hoạt, giúp mối liên hệ giữa thi ảnh, thi ý, thi từ trong thơ được gợi mở. Tuy nhiên nếu đổi mới và cách tân thơ mà không lan tỏa tới được độc giả thì chưa phải là thành công.
Đại tá Phạm Văn Trường - Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Quân đội nêu ý kiến: "Tôi quan tâm tới sự tìm tòi đổi mới của thơ hôm nay. Nhưng đổi mới gì thì đổi mới, đều phải trên cơ sở của truyền thống và giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Sáng tạo, thăng hoa và trong sáng và các giá trị tốt đẹp của một người làm thơ. Nên đổi mới thơ để phù hợp với nhịp điệu quốc tế và công cuộc cách mạng lần thứ Tư. Nhưng vẫn phải giữ được hồn cốt, tâm hồn người Việt và văn hóa Việt. Dù đổi mới và hiện đại thế nào đi nữa thì vẫn phải thể hiện được cảm xúc, tạo ấn tượng tới người yêu thơ. Bạn đọc phải nhớ được và lan tỏa được trong cộng đồng thì thơ mới có giá trị".
Xã hội đương đại với đầy ắp vấn đề nhân sinh thì mỗi nhà thơ và người cầm bút rất cần tìm cho mình một con đường ngắn nhất để đến gần hơn với công chúng. Để thơ ca luôn là món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống xã hội hôm nay./.