Thiếu kháng sinh hiếm cho bệnh nhân ngộ độc cá chép ủ muối nặng nhất

Kim Dung/VOV - TP HCM | 20/03/2023, 21:30

Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vừa báo cáo Bộ Y tế về chùm ca ngộ độc Botulinum tại Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam. Theo đánh giá, có 1 bệnh nhân nặng, tiên lượng vẫn dè dặt.

Cụ thể, bệnh nhân H.V.Đ, 57 tuổi được truyền thuốc giải độc từ tối 18/3. Trước khi truyền thuốc, người bệnh lơ mơ, tiếp xúc kém, liệt hoàn toàn, thở máy, không tự thở, có nhịp tự thở rất yếu. Đến sáng 19/3, bệnh nhân tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện được y lệnh chậm, sức cơ tứ chi 2/5, có nhịp tự thở yếu.

Đến nay 20/3, người bệnh lơ mơ, vẫn còn phải dùng thuốc an thần, nhiệt độ cao, vẫn thở máy, cơ lực 2 bên cải thiện hơn, sức cơ 3/5, tiên lượng dè dặt.

Đây là bệnh nhân bị ngộ độc nặng nhất hiện tại. Mặc dù tình trạng có cải thiện sau hơn 20 giờ truyền thuốc giải độc, song bệnh nhân còn phụ thuộc máy thở. Hiện tại bệnh nhân còn bị viêm phổi liên quan máy thở. Các bác sĩ đã chuyển đổi kháng sinh hướng viêm phổi cho bệnh nhân. Tuy nhiên, kháng sinh hướng điều trị nhiễm khuẩn đa kháng tại bệnh viện địa phương này hiện không đủ. Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi Bắc Quảng Nam cũng đã báo cáo tình hình này đến Sở Y tế tỉnh Quảng Nam.

Còn 2 bệnh nhân H.V.Đ, 27 tuổi và bà H.T.T 37 tuổi có sự phục hồi tốt. Trước đó tỉnh đừ, tiếp xúc chậm, yếu tứ chi, suy hô hấp, phải thở máy, có nhịp tự thở rất yếu. Sau khi được truyền thuốc giải độc, 2 người này đều tỉnh, tiếp xúc tốt, thực hiện được y lệnh. Mạch và huyết áp, nhiệt độ của cả 2 cũng ổn định, tiên lượng khá. Có thể trong 1-2 ngày tới, bệnh nhân H.V.Đ sẽ được cai máy thở. Đây cũng là bệnh nhân bị ngộ độc nặng có cải thiện tốt sau truyền thuốc giải độc.

Ngoài ra, 2 bệnh nhân khác trong chùm ca bệnh ở xã Phước Kim, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam bị ngộ độc mức độ nhẹ, tỉnh, sinh hiệu ổn, có thể cải thiện không cần dùng thuốc giải. Đến nay cả 2 người đều có tiến triển tốt, ổn định, hiện sức cơ bình thường, ngưng oxy, ăn qua miệng.

Như VOV đã đưa tin, Bệnh viện đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam đã tiếp nhận liên tiếp 10 ca ngộ độc Botalinum, một người trong đó đã tử vong. Kết quả xét nghiệm cho thấy, trong món cá chép muối ủ chua các bệnh nhân ăn có độc chất Botalinum type E. Món cá này là thức ăn truyền thống của đồng bào dân tộc địa phương.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã cử các chuyên gia hồi sức, chống độc mang theo 5 lọ thuốc giải ra Quảng Nam. Đây là các lọ thuốc hiếm cuối cùng của bệnh viện, trị giá khoảng 8.000 USD/lọ./.

Bài liên quan
Thức ăn đường phố nhiều nguy cơ, vì sao nhiều người thích dùng?
TP.HCM có khoảng 15.400 điểm bán thức ăn đường phố. Trong đó, các điểm bán ở xung quanh trường học, bệnh viện, khu dân cư… ẩn giấu rất nhiều nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm cho người dùng. Dù vậy nhiều người vẫn mua thức ăn đường phố, vì sao?

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Bế mạc Phiên họp 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Phát biểu bế mạc Phiên họp 32, chiều 23/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, sau 4,5 ngày làm việc, UBTVQH đã thảo luận, cho ý kiến với 19 nội dung và cho ý kiến bằng văn bản về 3 báo cáo của Chính phủ.
Mới nhất