Thiếu chuyên nghiệp, chồng chéo trong cứu trợ do quy định "lỗi thời"?

Nguyễn Trang/VOV.VN | 30/03/2021, 17:11

Hiện nay một số quy định về vận động, tiếp nhận và phân phối các nguồn đóng góp từ thiện, hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn, thiên tai, dịch bệnh đã tạo ra hành lang pháp lý cho việc cứu trợ, thiện nguyện, song quá trình triển khai còn rất nhiều bất cập, vướng mắc.

Đây là thông tin được đưa ra thảo luận tại hội thảo “Đóng góp ý kiến cho Dự thảo sửa đổi Nghị định 64/2008/NĐ-CP của Chính phủ về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” diễn ra hôm nay (30/3).

Ông Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Quốc gia Oxfam Việt Nam cho rằng, truyền thống “lá lành, đùm lá rách” của Việt Nam đã góp phần hỗ trợ được nhiều cá nhân và cộng đồng mỗi khi gặp khó khăn, thiên tai và dịch bệnh. 

Đơn cử như mùa bão lũ năm 2020 đã gây ra nhiều thiệt hại cho các tỉnh miền Trung với 130 người bị chết, gần 300.000 hộ dân bị ngập; 30.000 ha đất nông nghiệp bị thiệt hại. Ảnh hưởng tới 7 triệu người, trong đó có 1,3 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp, ước tính thiệt hại lên đến 30.000 tỷ đồng. Chính phủ đã khẩn trương chi 670 tỷ đồng từ ngân sách để hỗ trợ các tỉnh và đã có một làn sóng thiện nguyện và cứu trợ từ các tổ chức, cá nhân khắp cả nước hỗ trợ người dân miền Trung. Đặc biệt như cá nhân ca sỹ Thủy Tiên đã kêu gọi được gần 200 tỷ đồng để hỗ trợ người dân.  

Ông Phạm Quang Tú cho rằng, hơn 10 năm qua, Nghị định số 64/2008/NĐ-CP ngày 14/5/2008 của Chính phủ về “Vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” đã tạo ra khuôn khổ pháp lý, qua đó giúp Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan huy động, phân phối và sử dụng các nguồn lực để hỗ trợ cho người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống sau thiên tai, sự cố; đồng thời khuyến khích sự chung tay đóng góp của cộng đồng cho các hoạt động thiện nguyện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cho thấy Nghị định này theo đánh giá của các cơ quan chức năng cũng đã bộc lộ một số bất cập cần sửa đổi.

Cụ thể, theo ông Phạm Quang Tú, Nghị định này chưa cho phép cá nhân và các tổ chức tham gia công tác cứu trợ. Thời gian thực hiện cứu trợ ngắn, không đủ để giúp người dân phục hồi.

“Công tác phê duyệt dự án cứu trợ của nước ngoài còn chậm, chồng chéo trong việc thực hiện giữa Nghị định 64, Nghị định 50 và Nghị định 80 của Chính phủ. Việc tham gia cứu trợ của các cá nhân, tổ chức thiếu chuyên nghiệp nên dẫn đến chồng chéo, lãng phí, chưa công bằng nên gây mất đoàn kết trong dân, người làm cứu trợ bị dèm pha. Ngoài ra, cũng có những trường hợp lợi dụng cứu trợ để trục lợi...”, ông Tú nói.

Ngày 23/10, Văn phòng Chính phủ có văn bản số 8876/VPCP-QHĐP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64 nhằm đảm bảo việc tổ chức vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện bảo đảm hiệu quả, kịp thời. Đồng thời khuyến khích, tôn vinh và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân phát huy tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, nhanh chóng hỗ trợ nhằm ổn định cuộc sống, khôi phục và phát triển sản xuất, sinh hoạt của người dân. Đây là chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ. 

Ông Tú cho rằng, khi xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 64 cần mở rộng đối tượng tham gia cứu trợ, thiện nguyện đến mọi tổ chức, cá nhân, tăng cường sự chuyên nghiệp và phối hợp trong công tác cứu trợ để đảm bảo hiệu quả và an toàn, thay đổi tư duy của chính quyền và đoàn thể trong công tác cứu trợ từ “quản lý” cứu trợ đến “điều phối và hỗ trợ” nhằm đảm bảo hoạt động cứu trợ hiệu quả. 

Ông Nguyễn Quang Huy,  Phó Chủ tịch UBND xã Cao Quảng, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình cho biết, công tác cứu trợ, từ thiện về các địa phương hiện nay đang gặp những khó khăn. Ông Huy cho biết, trong đợt lũ lịch sử năm 2020, có xã thuộc huyện Tuyên Hóa có 150 hộ, thì có đủ 150 đoàn cứu trợ về ủng hộ, nhưng nếu đoàn nào cũng ủng hộ mỳ tôm, sau đợt lũ, mỗi gia đình thành môt “đại lý mỳ”.

“Hàng hóa thực phẩm đều có hạn sử dụng, nhiều khi được ủng hộ nhiều, người dân không biết phải làm gì. Thực tế có nhiều đoàn cứu trợ, từ thiện không qua Mặt trận xã hay huyện mà về trực tiếp các xóm làng để cứu trợ. Nhưng nếu phối hợp với địa phương, chúng tôi có thể dễ dàng điều phối gửi hàng cứu trợ đến đúng những địa điểm nào đang cần gì. Hoặc nhiều đoàn cứu trợ trước khi thực hiện thường gọi cho địa phương để biết nhu cầu của người dân là gì”, ông Huy cho biết.

TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, cần tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động từ thiện, cứu trợ, xóa bỏ những hạn chế về pháp lý không cần thiết hoặc cản trở những hoạt động này. Bên cạnh đó, cần có những hình thức phù hợp để tôn vinh những cá nhân và tổ chức có thành tích trong hoạt động từ thiện, cứu trợ. Đặc biệt, có thể tính đến việc giảm thuế cho những cá nhân, đơn vị làm từ thiện, cứu trợ.

Ông Dũng cũng cho rằng, cần có các giải pháp thiết thực để bảo vệ các tổ chức, cá nhân thiện tâm và tích cực làm từ thiện, lựa chọn các tổ chức có năng lực chuyên môn để điều phối, hỗ trợ hoạt động cứu trợ. Đặc biệt, cần giao trách nhiệm cho chính quyền cơ sở trợ giúp và điều phối hoạt động từ thiện và cứu trợ ở địa phương. Bên cạnh đó cũng cần có những biện pháp nghiêm cấm, xử lý nhanh chóng các hành vi lợi dụng hoạt động cứu trợ, từ thiện để trục lợi./.

Bài liên quan
Nhà ăn 0 đồng cho bệnh nhân Bệnh viện Bạch Mai
Đều đặn từ thứ 2 đến thứ 6 hàng tuần bệnh nhân cùng người thân đang chữa trị tại Bệnh viện Bạch Mai lại tìm đến ngõ 15 Phương Mai nhận suất ăn miễn phí.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Phân công ông Trần Thanh Mẫn điều hành hoạt động của Quốc hội
VOVLIVE - Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định phân công ông Trần Thanh Mẫn – Phó Chủ tịch thường trực Quốc hội điều hành hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
Mới nhất