Năm 2023, lốc xoáy, mưa lớn đã gây ngập lụt, sạt lở thiệt hại về cây trồng, vật nuôi, các tài sản khác của người dân ở tỉnh Bình Phước.
Cụ thể, thiên tai đã làm 328 căn nhà bị hư hỏng, hơn 331ha cây trồng bị ngã đổ, ngập lụt hư hại; gần 6.500 con gia cầm, 100 con gia súc bị trôi chết. Ngoài ra, thiên tai còn khiến 1 nhà xưởng, 2 bảng hiệu, 11 trụ điện, 2 cầu dân sinh, gần 1.000km đường giao thông và nhiều công trình công cộng khác bị hư hỏng.
Tổng thiệt hại do thiên tai gây ra trong năm 2023 ở Bình Phước khoảng 44 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với năm 2022. Về người, thiên tai đã khiến cho 4 người bị lũ cuốn trôi, mất tích.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, các lực lượng chức năng đã kịp thời hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, đồng thời hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng giúp người dân khắc phục thiệt hại.
Tại cuộc họp, các thành viên Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh thẳng thắn chỉ ra một số khó khăn, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ. Trong đó, khó khăn nhất là thiếu vật tư, trang thiết bị chuyên dùng để ứng phó với các tình huống thiên tai cấp bách; nguồn lực cho phòng, chống thiên tai còn hạn chế và phân tán...
Do nguồn kinh phí ít nên một số tuyến đường quan trọng bị sạt lở sau mưa lũ không thể khắc phục triệt để. Một số hồ đập xây dựng từ lâu đã xuống cấp cần sớm được đầu tư nâng cấp, sửa chữa để đảm bảo an toàn vào mùa mưa.
Để phòng, chống thiên tai, đảm bảo an toàn cho người dân, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn từng cấp thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, chủ động tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ cần thiết đáp ứng yêu cầu phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân tại khu vực chịu ảnh hưởng…
Các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra an toàn hồ đập trước, trong và sau mùa mưa lũ để kịp thời tham mưu UBND tỉnh có phương án đầu tư, sửa chữa. Tăng cường công tác tập huấn, diễn tập phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thực hiện nghiêm túc công tác kiểm tra chuẩn bị ở mọi cấp theo phương châm “4 tại chỗ”, “3 sẵn sàng” nhằm đảm bảo công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.