Với du khách Việt Nam, điều đặc biệt nhất ở Nagasaki có lẽ là sự giao lưu giữa thành phố này và phía Việt Nam từ hàng trăm năm trước. Năm 2023 đánh dấu 50 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản, nhưng lịch sử giao lưu giữa Nagasaki và Việt Nam bắt đầu từ 400 năm trước với giao thương Châu Ấn thuyền. Nhờ giao thương Châu Ấn thuyền, nhiều thương nhân Nagasaki như Araki Sotaro đã tới Việt Nam để giao thương. Đến nay, giao lưu giữa Nagasaki và Việt Nam vẫn đang được duy trì.
Nếu may mắn đến Nagasaki vào đầu tháng 10 hàng năm, du khách sẽ có dịp tham dự lễ hội Nagasaki Kunchi vô cùng sôi động và náo nhiệt. Trên Châu Ấn thuyền của phường Motoshikkui-machi, tiết mục tái hiện thương nhân Nagasaki - Araki Sotaro rước công chúa Ngọc Hoa luôn được người dân Nagasaki rất yêu thích và mong đợi. Theo những người dân ở Nagasaki, lễ hội này có từ năm 1634 và đến năm 1965 bắt đầu có tiết mục về thương nhân Araki Sotaro và công chúa Ngọc Hoa.
Chia sẻ với phóng viên VOV.VN, ông Koizuka Kenichiro, 65 tuổi, thành viên ban tổ chức Châu Ấn thuyền phường Motoshikkui-machi cho biết mọi người đang ráo riết tập luyện trong 3 tháng cuối cùng trước khi trình diễn trong lễ hội vào tháng 10. Còn hai nhân vật chính trên thuyền là một bé trai, một bé gái khoảng 9 tuổi thì đã được lựa chọn từ sớm và tập luyện từ tháng 6.
"Thông thường cứ 7 năm thì chiếc thuyền lại được tu sửa 1 lần, nhưng do Covid-19 nên 3 năm qua không làm được. Vì vậy đã 10 năm trôi qua, lần này chúng tôi sửa sang mất nhiều thời gian hơn, tới đầu tháng 7 mới xong để tập luyện cho đến tháng 9. Chiếc thuyền khoảng 5 tấn, cần 18 người đàn ông trẻ khỏe để rước", ông Koizuka Kenichiro hào hứng cho biết.
Theo ông Koizuka Kenichiro, các chủ thuyền Châu Ấn nói chung và thương nhân Araki Sotaro nói riêng đã góp phần thúc đẩy buôn bán, đưa cuộc sống người dân địa phương phát triển đến ngày hôm nay. Vì vậy sự tôn kính dành cho ông Araki Sotaro cũng như vợ ông là công chúa Ngọc Hoa vẫn được người dân duy trì trong lễ hội và trong cuộc sống.
"Năm nay phường chúng tôi có 70 người tham gia tổ chức lễ hội. Có thể khoảng 1 triệu người sẽ có mặt tại lễ hội năm nay, cả người dân địa phương và khách du lịch. Mọi người đều rất mong chờ vì đã 3 năm không tổ chức được, mà lễ hội này cùng với Trung thu là 2 lễ hội quan trọng nhất trong năm", ông Koizuka Kenichiro nói.
Rời khỏi phường Motoshikkui-machi, chúng tôi tìm đến phần mộ của thương nhân Araki Sotaro và công chúa Ngọc Hoa nằm tại hậu viên chùa Daion-ji (Đại Âm Tự), trên một quả đồi rợp bóng mát ở Kajiya-machi, thành phố Nagasaki. Có lịch sử từ năm 1614, Daion-ji là 1 trong 3 ngôi chùa lớn nhất ở Nagasaki, cũng nằm trong tuyến hành hương Phật giáo tại vùng Kyushu.
Đến chùa Daion-ji, người quản lý cho biết ban đầu bà rất bất ngờ vì nhiều người Việt Nam tới tìm hiểu ngôi chùa và khu mộ của Araki Sotaro và vợ ông. Sau này khi được hỏi nhiều lần, một tấm bản đồ với đánh dấu và chỉ dẫn rõ ràng đã được chuẩn bị sẵn, giúp các vị khách từ Việt Nam dễ dàng viếng thăm phần mộ. Tại nơi đặt phần mộ thương nhân Araki Sotaro, một tấm bảng bằng nhiều thứ tiếng, bao gồm tiếng Việt, cho biết khu mộ được coi là di tích lịch sử, với nội dung đề cập về việc thương nhân Araki đã kết hôn với con gái hoàng gia ở Việt Nam và được người dân Nagasaki gọi thân mật là Anio.
Theo hướng dẫn viên địa phương, năm 1674, một khu lăng mộ thờ các vị tướng quân (shogun) được xây dựng trong chùa Daion-ji, tuy nhiên sau đó bị thiêu rụi vào năm 1959 sau một trận hỏa hoạn. Ngoài phần mộ của gia tộc Araki Sotaro, nghĩa trang phía sau chùa Daion-ji là nơi an nghỉ của nhiều danh nhân, nhà văn hóa đã sinh sống tại Nagasaki, ví dụ như Matsudaira Zushonokami. Từ ngọn đồi này, du khách phóng tầm mắt ra xa sẽ thấy toàn cảnh thành phố Nagasaki và khu cảng nổi tiếng.
Điểm đến tiếp theo trong tour khám phá lịch sử giao thương Việt Nam – Nhật Bản là Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá Nagasaki. Nơi này lưu giữ 2 món đồ gắn với công chúa Ngọc Hoa, là chiếc gương mà bà đã mang từ Việt Nam sang Nagasaki và một bản dịch bức thư của chúa Nguyễn. Tuy nhiên vì giá trị và ý nghĩa đặc biệt nên 2 món đồ này có thể được đưa tới các bảo tàng khác để trưng bày, vậy nên nếu không được chứng kiến tận mắt thì du khách có thể tìm hiểu trong hệ thống lưu trữ ở Bảo tàng Lịch sử và Văn hoá Nagasaki.
Ngoài các hiện vật ở về công chúa Ngọc Hoa, bảo tàng này còn nhiều tư liệu về lịch sử của một thời hoàng kim của thương cảng Nagasaki khi Nhật Bản đẩy mạnh giao thương với thế giới, trong đó có Việt Nam. Với đô thị cổ Hội An của Việt Nam, dấu ấn của những thương nhân Nhật Bản vượt biển bằng thuyền đến giao thương cách đây hơn 400 năm vẫn còn hiện diện qua nhiều di tích như cây cầu Nhật Bản, khu mộ người Nhật Bản…
Theo ông Yoshida Kyosuke (Văn phòng Phát triển du lịch quốc tế, tỉnh Nagasaki), năm 2017 chính quyền và người dân Nagasaki đã cùng triển khai "dự án Châu Ấn thuyền", sau đó bản sao cỡ lớn của Châu Ấn thuyền đã được gửi tặng sang Việt Nam. Hiện bản sao Châu Ấn thuyền này đang được trưng bày tại phố cổ Hội An. Tháng 9/2023, vở diễn "Công chúa Anio" lấy bối cảnh câu chuyện của thương nhân Araki Sotaro và công chúa Ngọc Hoa sẽ được công diễn ở cả hai nước, nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản.
Ngoài lịch sử giao lưu với Việt Nam, Nagasaki còn giao thương với nhiều quốc gia khác và nhờ đó sự đa dạng văn hóa đã bén rễ trong cuộc sống tại đây. Ở trung tâm thành phố Nagasaki, du khách có thể bắt gặp sự giao thoa thú vị giữa các nền văn hóa, như các khu phố Trung Quốc sầm uất hay những nhà thờ Công giáo tráng lệ. Một buổi chiều muộn đi dạo ở Nagasaki dễ khiến người ta liên tưởng đến Amsterdam ở Hà Lan, khi cảm nhận cơn gió thổi từ vịnh trong lúc ngắm nhìn tàu điện chạy trên phố, nghe văng vẳng đâu đó một bài hát tiếng Anh sâu lắng... Để có trải nghiệm hoàn hảo tại Nagasaki, hãy chọn bữa tối tại nhà hàng Trung Quốc và nghỉ tại một khách sạn theo phong cách châu Âu.
Ra khỏi thủ phủ, tỉnh Nagasaki còn có nhiều điểm tham quan khác như công viên giải trí lớn nhất Nhật Bản Huis Ten Bosch (thành phố Sasebo), khu vực xung quanh ga Nagasaki nơi có tuyến Nishi Kyushu Shinkansen chạy qua với các công trình thương mại sầm uất mới được cải tạo lại.
"Người Việt Nam còn rất thích hoa, trong tỉnh Nagasaki có nhiều điểm ngắm hoa nổi tiếng có thể kể đến như hoa anh đào ở công viên Omura (thành phố Omura) hoặc hoa Tử đằng ở đền thần đạo Fujiyama (thành phố Sasebo). Du khách có thể trải nghiệm được không chỉ lịch sử, văn hóa mà cả thiên nhiên, cảnh sắc bốn mùa ở Nagasaki", ông Yoshida Kyosuke cho biết.
*Bài viết có sự đồng hành của Cơ quan Xúc tiến Du lịch Nhật Bản (JNTO) tại Việt Nam