Theo nghiên cứu của nhóm khảo cổ Tây Ban Nha, con tàu tồn tại từ nền văn minh cổ đại Phoenicia trong thời kỳ từ năm 1.550 TCN đến năm 300 TCN với trung tâm nằm dọc vùng eo biển Liban, Syria, và bắc Israel ngày nay.
Con tàu đắm Mazarron II dài 8 mét, được đặt tên theo thành phố ở vùng Murcia, phía đông nam Tây Ban Nha. Nó được tìm thấy ngoài khơi cách bờ biển Playa de la Isla của thành phố Mazarron 60 mét. Phát hiện về sự tồn tại của con tàu dưới đáy đại dương là mảnh ghép độc đáo cho lĩnh vực kỹ thuật hàng hải cổ đại.
Tháng 6 vừa qua, 9 kỹ thuật viên từ Đại học Valencia, Tây Ban Nha trải qua 560 giờ lặn biển kéo dài hơn hai tuần để ghi lại tất cả các vết nứt trên thân tàu nhằm phác thảo sơ đồ chi tiết về nó.
Theo hãng tin Reuters, các chuyên gia đề xuất cách bảo vệ và trục vớt xác tàu vào cuối năm nay. Nếu kế hoạch diễn ra đúng như dự kiến, quá trình trục vớt sẽ được thực hiện sớm nhất vào mùa hè năm sau.
Carlos de Juan, nhà khảo cổ học từ Đại học Valencia thuộc Viện Khảo cổ Hàng hải và là người điều phối dự án cho biết, con tàu có thể được trục vớt bằng cách kéo rời từng mảnh theo các vết nứt hiện có và lắp ráp lại trên cạn sau khi hoàn tất như trò chơi ghép hình.
"Chúng tôi muốn giải cứu con tàu, xử lý nó và trưng bày trong bảo tàng để mọi người cùng chiêm ngưỡng thay vì lo lắng mỗi khi bão lớn ập đến", ông nói với Reuters.
Con tàu được cho là đã đóng vào khoảng năm 580 TCN. Hiện nó nằm dưới khoảng 1,7 mét nước Địa Trung Hải, được bao quanh bởi các bao cát và một cấu trúc kim loại bảo vệ.
Xác tàu bị chôn vùi trong lớp trầm tích hơn 2 thiên niên kỷ và chỉ được lộ ra khi những thay đổi của dòng hải lưu, do hoạt động xây dựng trên bờ làm trôi lớp trầm tích này vào khoảng 30 năm trước.
Ngay sau khi phát hiện ra xác tàu cổ, các nhà sử học vận chuyển nhiều khối kim loại như chì từ Bán đảo Iberia xuống đáy đại dương để xây dựng một cấu trúc vững chắc bảo vệ Mazarron II.
Tuy nhiên, cấu trúc kim loại này đang có dấu hiệu sạt lún mạnh dưới lớp cát với tốc độ nhanh hơn so với xác tàu, nguy cơ nghiền nát con tàu. Đây chính là lý do khiến việc trục vớt Mazarron II trở nên cấp bách.