Tàu Cát Linh-Hà Đông đã vận chuyển hơn 4,3 triệu khách sau 8 tháng

Phi Long/VOV.VN | 28/07/2022, 12:34

Tính đến ngày 17/7/2022, tuyến metro Cát Linh-Hà Đông đã vận hành được 254 ngày an toàn, đã vận chuyển hơn 4,3 triệu khách trên các chuyến tàu.

Sáng 28/7, Báo Giao thông tổ chức Hội thảo “Giải pháp phát triển vận tải hành khách công cộng”. Tại đây, các chuyên gia, đơn vị vận tải sẽ cùng bàn một số nội dung chính: Giải pháp thúc đẩy vận tải khách công cộng (những vướng mắc về thể chế, quy hoạch, cơ chế tài chính, cách gì để huy động nguồn lực, phát triển VTKCC); Bỏ trợ giá xe buýt được không? (Trợ giá có phải yếu tố quyết định để xe buýt phát triển, cần thay đổi gì về chính sách trợ giá xe buýt, đề xuất phương thức mới trong tổ chức vận hành mạng lưới xe buýt ở đô thị lớn).

Tại Hội thảo, ông Vũ Hồng Trường-Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Metro Hà Nội (Hanoi Metro), đơn vị đang quản lý, vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cho hay tính đến ngày 17/7/2022, tuyến metro Cát Linh - Hà Đông đã vận hành được 254 ngày an toàn.

“Khối lượng hành khách đã vận chuyển lên tới hơn 4,3 triệu khách. Thời gian đầu, khách đi trải nghiệm nên lượng khách ở hai ga đầu cuối Cát Linh và Yên Nghĩa chiếm trên 50%, 10 ga còn lại chỉ chiếm gần 50%. Hiện tại, chủ yếu là khách có nhu cầu thực sự nên lượng khách phân bổ ở Cát Linh và Yên Nghĩa chỉ còn trên dưới 30%, còn 70% là khách trải đều 10 nhà ga còn lại’, ông Trường cho biết.

Theo ông Trường, từ tháng 4/2022 đến nay, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, lượng khách đi tàu đã tăng trên 2,5 lần so với trong thời gian giãn cách xã hội; Bình quân vận chuyển ngày thường 22.000-24.000 khách, cuối tuần 25.000-30.000 khách.

Tỷ lệ khách đi vé tháng bình quân trong ngày trên 50%, giờ cao điểm khách sử dụng vé tháng chiếm 75-80%.

Về kinh nghiệm nâng cao hiệu quả khai thác, ông Trường nhấn mạnh có một số việc cần phải lưu ý để thu hút người dân tham gia đi lại bằng phương tiện vạn tải hành khách công cộng. Trong đó, trước hết cần nghiên cứu đặc tính nhu cầu, quy luật đi lại và mong muốn của khách.

Thứ hai, cần tạo điều kiện tiếp cận tốt nhất cho khách đến các nhà ga đường sắt đô thị, bao gồm tiếp cận đối với người đi bộ; Tiếp cận đối với người đi lại bằng phương tiện công cộng để di chuyển đến nhà ga (như: xe bus, grab…); Tiếp cận đối với người khuyết tật; Tiếp cận đối với người sử dụng phương tiện cá nhân trong giai đoạn đầu để tạo thói quen cho hành khách (ví dụ như: Trong bán kính 500m xung quanh nhà ga đường sắt đô thị có tổ chức điểm trông giữ xe đạp, xe máy cho hành khách).

Thứ ba, cần xây dựng chính sách giá vé hợp lý, đa dạng hóa hình thức thanh toán và với các loại vé phù hợp.

Thứ tư, tăng cường tính kết nối của hệ thống VTHKCC, tạo thuận lợi tối đa cho hành khách di chuyển bằng phương tiện công cộng.

Thứ năm, khai thác tiềm năng thương mại, tăng cường tính hấp dẫn của đường sắt đô thị đối với khách du lịch.

Thứ sáu, tạo dựng văn hoá sử dụng dịch vụ của hành khách cũng như văn hoá, chất lượng phục vụ hành khách của đơn vị vận hành đường sắt đô thị theo hướng văn minh, lịch sự ngay từ đầu. Cuối cùng, ông Trường cho rằng phải làm tốt công tác tuyên truyền để người dân không quay lưng với loại hình vận tải này./.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, quá trình đô thị hóa đang tạo áp lực rất lớn với giao thông. Phương tiện giao thông cá nhân bùng nổ, ùn tắc, mất an toàn... đang là những bài toán cần lời giải và là bức xúc lớn của người dân. Trong bối cảnh đó, việc phát triển vận tải hành khách công cộng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức.

Tại các đô thị ở Việt Nam, phương thức VTHKCC chủ yếu là bằng xe buýt. Tại Hà Nội, đã có thêm hai phương thức vận tải khối lượng lớn là xe buýt nhanh BRT và đường sắt đô thị.

Tại TP.HCM, theo kế hoạch cuối năm 2023 sẽ đưa vào khai thác tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Tuy vậy, cho đến khi hệ thống tàu điện trên cao, metro được đầu tư đồng bộ, thì xe buýt vẫn luôn là giải pháp quan trọng nhất để giải bài toán giao thông công cộng tại các đô thị.

Toàn quốc hiện có 56/63 tỉnh thành đã tổ chức khai thác trên 700 tuyến buýt, trên 11.000 phương tiện buýt các loại với tổng chiều dài các tuyến vận tải hành khách công cộng lên đến trên 23.000km.

Ở Hà Nội và TP.HCM, mỗi năm ngân sách chi ra hơn 1.000 tỷ đồng để trợ giá cho xe buýt bằng hình thức trợ giá từ nhà nước trực tiếp (tại Hà Nội là 114 tuyến và tại TP.HCM có 101 tuyến có trợ giá).

Các tỉnh thành phố còn lại hoạt động trợ giá mới chỉ dừng lại ở mức hỗ trợ một phần kinh phí và cho một số tuyến. Mặc dù Trung tâm VTHKCC tại hai thành phố lớn đều có những giải pháp để cải thiện chất lượng, đổi mới phương tiện, thay đổi cung cách phục vụ của nhân viên…Tuy vậy, sản lượng hành khách đi lại bằng xe buýt trong những năm gần đây liên tục sụt giảm.

Dịch Covid - 19 bùng phát trong hai năm 2020, 2021 khiến hoạt động VTHKCC tại hai thành phố lớn bị ảnh hưởng nặng nề. Có doanh nghiệp hoạt động tại Hà Nội không cầm cự được phải ngừng 5 tuyến xe buýt.

Bài liên quan
Metro Nhổn-ga Hà Nội tuyển dụng gần 450 nhân sự để vận hành tuyến vào cuối năm
Hanoi Metro-đơn vị quản lý, vận hành đường sắt đô thị tại Hà Nội đang tuyển dụng 450 nhân sự vào các vị trí nhằm sẵn sàng tiếp nhận, vận hành đoạn Nhổn-ga Hà Nội dự kiến vào cuối năm 2022.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Giá chung cư Hà Nội cao ngất: Nguy cơ xuất hiện 'bong bóng'?
Thời gian gần đây, giá chung cư Hà Nội liên tục tăng mạnh khiến nhiều chuyên gia e ngại nguy cơ "bong bóng" sẽ xảy ra.
Mới nhất