Tăng mạnh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam

26/05/2023, 22:51

Xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng gia tăng mạnh mẽ ở Việt Nam.

Trong buổi họp báo công bố chuỗi sự kiện hưởng ứng Ngày không tiền mặt năm 2023 do Ngân hàng Nhà nước và Báo Tuổi Trẻ phối hợp tổ chức, các diễn giả đều nhận định, xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng gia tăng mạnh mẽ ở Việt Nam.

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán - Ngân hàng Nhà nước chia sẻ, chưa bao giờ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt phát triển mạnh mẽ như hiện nay. Tất cả những điểm đến của người dân như siêu thị, nhà hàng, cửa hàng, chợ dân sinh hay quán trà đá vỉa hè... đều có dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt.

Trong các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, phương thức sử dụng QR code có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ nhất cả về số lượng và giá trị. Số lượng thanh toán năm sau luôn cao hơn năm trước nhiều lần. Phương thức sử dụng QR code trong năm 2022 tăng tới hơn 225% về số lượng và 244% về giá trị so với năm 2021.

Tăng mạnh xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt ở Việt Nam - 1

Ông Phạm Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Thanh Toán - Ngân hàng Nhà nước.

Trong 3 tháng đầu năm 2023, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 53,5% về số lượng so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, thanh toán qua kênh internet tăng hơn 88% về số lượng và 7,4% về giá trị; qua kênh điện thoại di động tăng 65,5% về số lượng và 13,3% về giá trị.

Đáng chú ý, thanh toán qua phương thức QR code tăng mạnh mẽ nhất với 160,7% về số lượng và 43,8% về giá trị; qua máy POS tăng 37,5% về số lượng và 32% về giá trị. Riêng giao dịch qua ATM giảm 2,73% về số lượng và 4% về giá trị.

"Những con số trên cho thấy các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt từ QR code, thanh toán qua điện thoại, qua internet đã quen thuộc với người tiêu dùng. Tại các cửa hàng, quán cà phê, hủ tiếu, hàng rau, thịt ở chợ dân sinh... người bán hàng đều có QR code để khách hàng có thể thanh toán một cách dễ dàng và thuận lợi", ông Tuấn nhấn mạnh.

Theo ông Tuấn, Ngân hàng Nhà nước và Bộ Công an sẽ tập trung triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Các đơn vị sẽ tập trung vào nhiệm vụ kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để làm sạch dữ liệu khách hàng và phục vụ các hoạt động nghiệp vụ của ngành ngân hàng.

Tính đến tháng 4/2023, Ngân hàng Nhà nước đã phối hợp với Bộ Công an hoàn thành xác thực hơn 25 triệu thông tin tín dụng khách hàng vay với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tại buổi họp báo, ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho hay, thời gian qua, Sở Công Thương TP.HCM cũng không ngừng nỗ lực để gắn kết, có thêm nhiều người tham gia vào xu hướng thanh toán không tiền mặt, trong đó tập trung vào thương mại dịch vụ và dịch vụ công.

Hiện nay, Sở Công Thương có 110 dịch vụ hành chính công nhưng có tới 109 dịch vụ công trực tuyến cấp độ bốn được triển khai. Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng phổ biến với tất cả cán bộ, nhân viên.

Đại Việt

Bài liên quan
Thủ tướng yêu cầu tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024
Thủ tướng Chính phủ vừa có Công điện gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
95 năm Đảng kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội
VOVLIVE - Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 -3/2/2025), sáng 22/1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia: "Đảng Cộng sản Việt Nam - 95 năm kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc".
Mới nhất
user