Tăng giờ làm thêm cần đảm bảo sức khỏe và chất lượng nguồn nhân lực

Hà Nam/VOV1 | 25/03/2022, 07:57

Làm thêm giờ không phải vấn đề mới nhưng luôn luôn thời sự. Việc điều chỉnh như thế cũng đáp ứng được một phần nhu cầu của doanh nghiệp, đóng góp vào quá trình phục hồi nền kinh tế, nhưng mặt khác phải chú ý đến vấn đề sức khỏe rồi chất lượng cuộc sống của người lao động.

Ngày 23/3, tại phiên họp thứ 9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua dự thảo Nghị quyết điều chỉnh giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động trong bối cảnh phòng, chống dịch Covid-19. Theo đó, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng. Quyết đinh nâng giờ làm thêm được đánh giá là chính sách kịp thời, góp phần phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, khi triển khai trong thực tiễn, nhiều ý kiến cho rằng cần sự giám sát của cơ quan chức và tổ chức của người lao động nhằm đảm bảo sức khỏe và chất lượng nguồn nhân lực.

Chị Trần Thị Lan, quê ở Quảng Bình, công nhân may tại Tổng công ty May 10 chia sẻ: "Hiện nay em cũng phải thuê nhà để ở. Em có 3 con nhỏ, em làm ở đây gần 10 năm rồi. Thực sự là con nhỏ, nhưng em phải cố gắng sắp xếp và muốn làm thêm để kiếm thêm thu nhập trang trải, là công nhân trực tiếp sản xuất nếu làm ít giờ, ít sản phẩm thì thu nhập sẽ thấp. Thời điểm hiện tại đang làm thêm em vẫn thấy được. Nếu được làm thêm nửa tiếng hay 1 tiếng nữa chắc em vẫn cố gắng được".

Bà Hoàng Thị Hiền, Trưởng phòng Hành chính nhân sự, Công ty Công ty cổ phần TLC Việt Nam- đơn vị chuyên sản xuất đèn Led ở Hà Nội cũng cho biết: "Quan điểm của chúng tôi là sức khỏe của người lao động vẫn là quan trọng nhất. Nhà nước cho thêm tăng ca như nhưng chúng tôi khi tính số lượng thời gian tăng ca cho nhân sự vẫn sẽ phải tính rất khắt khe. Nếu nhân sự không đảm bảo sức khỏe và không có nhu cầu tăng ca thì chúng tôi không ép nhân sự phải tăng ca, mà sẽ cân đối và thêm phương án là tuyển dự phòng. Vì phương án tuyển dự phòng bao giờ chúng tôi cũng có để đảm bảo sản xuất cho công ty, không có việc không đồng nhất giữa người lao động và doanh nghiệp".

Theo đó, về số giờ làm thêm trong 1 năm, người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ các trường hợp như: người lao động từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi; người lao động là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc làm nghề, công việc có ảnh hưởng xấu tới chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai. Về giờ làm thêm trong tháng, theo dự thảo Nghị quyết, trường hợp người sử dụng lao động được sử dụng người lao động làm thêm tối đa 300 giờ trong 1 năm khi có nhu cầu và được sự đồng ý của người lao động thì được sử dụng người lao động làm thêm trên 40 giờ nhưng không quá 60 giờ trong 1 tháng.

Tăng số giờ làm thêm trong tháng, trong năm trong bối cảnh hiện nay là chính sách quan trọng của Đảng, Nhà nước. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh mà còn giúp người lao động có thêm thu nhập, ổn định cuộc sống do dịch Covid-19 gây ra. Qua đó, giữ được vai trò, vị thế của Việt Nam trong chuỗi sản xuất, kinh doanh toàn cầu.

Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội thì, khi Nghị quyết có hiệu lực trong cuộc sống, công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan chức năng và tổ chức đại diện cho người lao động cần phải thường xuyên và sát hơn, tránh tình trạng doanh nghiệp lách luật, ép người lao động làm thêm quá nhiều: "Làm thêm giờ không phải vấn đề mới nhưng luôn luôn thời sự. Việc điều chỉnh như thế cũng đáp ứng được một phần nhu cầu của doanh nghiệp, đóng góp vào quá trình phục hồi nền kinh tế, nhưng mặt khác phải chú ý đến vấn đề sức khỏe rồi chất lượng cuộc sống của người lao động. Trước hết Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, sau đó căn cứ theo Luật, hai bên phải thỏa thuận với nhau. Đặc biệt tổ chức công đoàn phải giám sát tình hình cụ thể của doanh nghiệp, rồi các cơ quan quản lý cũng phải tăng cường giám sát chặt chẽ việc đó, tránh việc doanh nghiệp lợi dụng".

Về phía Tổng liên đoàn lao động Việt Nam- Tổ chức đại diện của người lao động, ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Chính sách pháp Luật, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: "Chúng tôi thì Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam có vai trò rất lớn. Bên cạnh việc chúng tôi tham gia để hoàn thiện Nghị quyết này, thì chúng tôi có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn nâng cao vai trò cửa các cấp công đoàn, đặc biệt là các cấp công đoàn cơ sở trong việc giám sát, thực hiện Nghị quyết này. Muốn vậy thì chúng tôi phải tập trung tuyên truyền để người lao động nắm rõ được nội dung Nghị quyết".

Nghị quyết điều chỉnh giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022, còn với quy định làm thêm giờ trong 1 năm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022./.

Bài liên quan
Nam Định kiến tạo tương lai từ sức mạnh công nghệ
Với hơn 96% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý trực tuyến, trên 1,3 triệu tài khoản định danh điện tử đã được kích hoạt, cùng tỷ lệ thanh toán trực tuyến đạt tới 90%, Nam Định đang trở thành điểm sáng cả nước trong việc đưa công nghệ phục vụ người dân và doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Ổn định chính trị: Nền tảng cho cải cách toàn diện của Việt Nam
Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, Việt Nam tiếp tục duy trì được ổn định chính trị bền vững, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy các cải cách sâu rộng trên nhiều lĩnh vực. Nhiều chuyên gia, tổ chức quốc tế ghi nhận sự ổn định này là một lợi thế chiến lược, giúp Việt Nam phát triển.
  • Thanh tra NHNN phát hiện nhiều sai phạm tại 3 chi nhánh Vietcombank
    VOVLIVE - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Khu vực 12 mới đây đã công bố kết luận thanh tra tại ba chi nhánh của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) gồm: Bình Dương, Vũng Tàu và Tây Ninh.
  • Những thách thức khi triển khai chính quyền 2 cấp
    VOVLIVE - Mô hình chính quyền địa phương 2 cấp tác động tích cực đến việc tinh giản bộ máy, nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công, hỗ trợ phát triển bền vững... Tuy nhiên khi triển khai cũng đối mặt nhiều thách thức.
  • VOVLive Đọc Truyện chính thức đạt Nút Vàng YouTube với 1 triệu người đăng ký
    VOVLIVE- Hôm nay (3/7/2025), kênh VOVLive Đọc Truyện của Đài Tiếng nói Việt Nam đã chính thức đạt cột mốc ấn tượng: 1 triệu lượt đăng ký trên YouTube, vinh dự nhận Nút Vàng từ nền tảng này. Đây là dấu mốc quan trọng, khẳng định sự lan tỏa mạnh mẽ của những giá trị văn hóa, tri thức mà Đài Tiếng nói Việt Nam kiên trì gìn giữ và phát triển suốt nhiều thập kỷ.
Mới nhất