Tăng cường tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình trong vùng dân tộc thiểu số

H Xíu/VOV-Tây Nguyên | 09/08/2024, 14:30

Sáng 9/8, Trung ương Hội phụ nữ Việt Nam phối hợp với hội phụ nữ Đắk Lắk tổ chức chương trình tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình trong vùng dân tộc thiểu số tại các huyện Ea Sup và Krông Pắk.

Tại xã Ea Hiu và Ea Yiêng, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk nội dung truyền thông tập trung về phòng chống bạo lực gia đình cho nam, nữ thanh niên và gia đình trẻ. Còn tại xã Ea Rốc, huyện Ea Sup, tập trung tuyên truyền về phát huy vai trò trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng trong phòng chống bạo lực gia đình.

Thông qua tiểu phẩm sân khấu hóa kết hợp chia sẻ kiến thức và giao lưu trực tiếp, nội dung tuyên truyền tập trung về thực trạng tảo hôn, bạo lực gia đình trong xã hội hiện nay; cách cư xử khi xảy ra bạo lực gia đình, vai trò của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình. Thông tin các quy định của pháp luật về phòng chống bạo lực gia đình, các địa chỉ tiếp nhận tin báo, tố giác bạo lực gia đình; nguyên tắc hòa giải trong phòng, chống bạo lực gia đình…

Anh Ai Thanh Noan, dân tộc Bru –Vân Kiều, ở buôn Dăt, xã Ea Hiu, huyện Krông Pắk chia sẻ: "Chương trình rất là sâu sắc và có ý nghĩa cho bà con mình. Mình sẽ áp dụng các kỹ năng này về trong gia đình mình để vợ chồng cùng hòa đồng, giúp nhau mọi việc nặng nhẹ và cùng nuôi dạy con cái”.

Bà Võ Thị Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Đắk Lắk cho biết, chương trình nhằm nâng cao nhận thức về thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình và kỹ năng ứng xử trong gia đình đối với phụ nữ và trẻ em; Nêu cao vai trò, trách nhiệm của hội phụ nữ các cấp, đặc biệt là sự tham gia của già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc thực hiện phòng, chống bạo lực gia đình. Qua đó góp phần triển khai hiệu quả Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” tại địa phương.

“Bên cạnh truyền thông của các báo cáo viên của trung ương và tỉnh hội khuyến khích sự chủ động tìm hiểu và tham gia của cộng đồng thông qua xây dựng các tiểu phẩm, các tình huống. Tại mỗi địa bàn có các tiểu phẩm do chính hội viên phụ nữ và các tổ truyền thông ở cơ sở biểu diễn. Đó cũng là một cách để hội viên phụ nữ và người dân chủ động tìm hiểu, chủ động trang bị kiến thức cơ bản”, bà Võ Thị Ngọc nói.

Bài liên quan
Quốc hội chốt mức phạt hành chính tối đa vi phạm về hôn nhân, bạo lực gia đình
Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua, mức phạt vi phạm hành chính không lập biên bản đối với cá nhân là 500.000 đồng, đối với tổ chức là 1 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV để lại dấu ấn lịch sử
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV đã để lại dấu ấn lịch sử sâu đậm khi đi liền với những quyết sách mang tầm chiến lược, đúng vào thời điểm đất nước bước sang một giai đoạn chuyển mình mạnh mẽ. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn chưa từng có, đồng thời cũng là kỳ họp thể hiện rõ tinh thần đổi mới, trách nhiệm và quyết tâm cao nhất của Quốc hội.
Mới nhất