Sức mạnh vũ khí siêu thanh bị 'thổi phồng', Mỹ đang rơi vào bẫy Nga-Trung Quốc?

Trà Khánh | 19/10/2021, 18:30

Tên lửa siêu thanh có thể tạo ra bước đột phá về mặt công nghệ quân sự nhưng nó không đủ nguy hiểm như những gì Nga hay Trung Quốc tuyên bố.

Trong một bài phân tích mới đây trên Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), chuyên gia quân sự Dominika Kunertova cho rằng vũ khí siêu thanh sẽ không thể tạo ra một cuộc cách mạng lớn về công nghệ quân sự nhưng chúng nó tác động tiêu cực đến sự ổn định an ninh quốc tế.

Theo như phân tích của Kunertova, tên lửa hành trình và phương tiện lượn siêu vượt âm (HGV) có thể di chuyển với vận tốc hơn Mach 5 (hơn 6.000km/h), có quỹ đạo bay phức tạp và không thể đoán trước cho đến khi nó ở pha cuối không còn là ý tưởng nằm trên giấy, chúng đã và đang được nhiều quốc gia phát triển, chế tạo cũng như thử nghiệm thành công. Tuy nhiên, vũ khí siêu thanh sẽ không dẫn đến một cuộc cách mạng về mặt công nghệ quân sự.

Thế nhưng khi Nga và Trung Quốc liên tục tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí siêu thanh hoặc các phương tiện bay siêu vượt âm lại dẫn đến một tâm lý e sợ chung đến từ các nước phương Tây. Điều này thấy rõ qua việc Bộ Quốc phòng Mỹ tăng ngân sách cho việc phát triển vũ khí siêu thanh từ 800 triệu USD (2017) lên đến 3,8 tỷ USD trong năm nay.

Sức mạnh vũ khí siêu thanh bị 'thổi phồng', Mỹ đang rơi vào bẫy Nga-Trung Quốc?  - 1

Cuộc đua vũ khí siêu thanh đang trở nên nóng hơn bao giờ hết, thành công của Nga và Trung Quốc đang khiến Mỹ cảm thấy "nóng mặt". (Ảnh: The Drive)

Tuy nhiên không thể phủ nhận việc vũ khí siêu thanh là “đại diện” cho những tiến bộ quan trọng nhất trong công nghệ chế tạo tên lửa kể từ khi tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) xuất hiện. Do có tốc độ và khả năng cơ động cơ cao, vũ khí siêu thanh được đánh giá có thể làm suy yếu khả năng răn đe hạt nhân và gây mất sự ổn định chiến lược vốn có giữa các siêu cường.

Ông Kunertova tin rằng việc Nga, Trung Quốc và Mỹ theo đuổi vũ khí siêu thanh không thể chỉ lý giải bằng một số đột phá về công nghệ tên lửa mà nó còn thể hiện cả quan điểm chính trị giữa các nước này.

"Việc Nga, Trung Quốc và Mỹ tham gia vào cuộc đua vũ khí siêu thanh phần lớn là vì lòng tự tôn và thể diện quốc gia”, ông Kunertova nhấn mạnh.

Kunertova phân tích rằng tác động của vũ khí siêu thanh đối với sự ổn định chiến lược hạt nhân sẽ ở mức tối thiểu, giá trị thực chiến chỉ thể hiện ở cấp chiến thuật do khả năng tấn công hạn chế của loại vũ khí này, nó chỉ phù hợp để tập kích vào các sở chỉ huy, nhóm tàu sân bay hoặc hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Nga-Trung che giấu nhược điểm của vũ khí siêu thanh

Dù vũ khí siêu thanh có nhiều ưu điểm nổi bật so với tên lửa ICBM và tên lửa hành trình nhưng khả năng tác chiến của nó không hề quá ấn tượng ở khoảng cách liên lục địa, không quá khác biệt so với các dòng tên lửa đạn đạo thông thường.

Thứ nhất, vũ khí siêu thanh được “ca ngợi” như một cách mạng của công nghệ chế tạo tên lửa khi nó có thể đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa, nhưng có một thực tế rằng ngay cả các hệ thống phòng thủ tên lửa tiên tiến nhất cũng không có khả năng ngăn chặn nhiều tên lửa ICBM tấn công đồng thời.

Do đó, không cần tới vũ khí siêu thanh Nga và Trung Quốc vẫn có thể dễ dàng vượt hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ.

Sức mạnh vũ khí siêu thanh bị 'thổi phồng', Mỹ đang rơi vào bẫy Nga-Trung Quốc?  - 2

Kho tên lửa ICBM của Nga thừa sức mạnh để đánh bại hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ nhưng Moskva vẫn muốn có vũ khí siêu thanh để tạo thế "chiếu trên" trước Washington. (Ảnh: UNILAD)

Thứ hai, khó có thể đạt được sự cân bằng giữa các yếu tố tốc độ, tầm bắn, khả năng cơ động và độ chính xác trên một phương tiện bay siêu vượt âm, hạn chế này sẽ làm giảm đi sức mạnh tấn công của vũ khí.

Có thể hiểu đơn giản rằng “tốc độ cực đại” của vũ khí siêu thanh sẽ hạn chế đáng kể thời gian ra quyết định đối với trung tâm chỉ huy, nó khác cách vận hành một tên lửa ICBM. Ngoài ra việc phương tiện di chuyển với tốc độ quá nhanh sẽ ảnh hưởng sự ổn định của đường truyền dữ liệu giữa vũ khí và trung tâm chỉ huy, điều này sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến độ chính xác. Mức tiêu hao nhiên liệu lớn của phương tiện bay siêu vượt âm cũng sẽ khiến nó phải giảm dần tốc độ ở pha cuối (xuống dưới 6.000km/h).

Từ những suy luận trên, Kunertova nghi ngờ rằng sức mạnh của vũ khí siêu thanh đang bị Nga và Trung Quốc “thổi phồng”. Đối với Moskva, đây chỉ là phương tiện bù đắp cho sự thay đổi trong ổn định chiến lược kể từ khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo ABM (2002), trong khi đó ICBM vẫn đang đảm nhận tốt vai trò của nó.

Không giống như Nga, Trung Quốc phát triển vũ khí siêu thanh để duy trì lợi thế ở các vùng biển xung quanh quốc gia này, nó được coi như phương tiện giúp Bắc Kinh đánh bại các hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Á – Thái Bình Dương. Cuối cùng Washington buộc phải tham gia cuộc đua vũ khí siêu thanh trong bối cảnh họ chịu sức ép lớn từ thành công của Nga và Trung Quốc.

Trà Khánh
Bài liên quan
Cấm xuất cảnh đối với Chủ tịch Hội đồng trường quốc tế Mỹ Việt Nam
Cơ quan chức năng đang thực hiện biện pháp cấm xuất cảnh đối với bà Nguyễn Thị Út Em, Chủ tịch Hội đồng trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) do nợ thuế thu nhập cá nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất