Sử dụng CCCD gắn chip và ứng dụng BHXH số trong khám chữa bệnh - Tiện ích nhân đôi

14/05/2024, 20:21

Việc ứng dụng công nghệ thông tin, cho phép người dân sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chíp thay cho thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) để khám, chữa bệnh (KCB) không chỉ giúp các cơ sở y tế tiết kiệm thời gian từ khâu ghi chép thông tin, hoàn thiện hồ sơ bệnh án mà còn giúp người bệnh thực hiện các thủ tục nhanh và thuận tiện.

Đến khám bệnh tại Trung tâm Y tế huyện K.rông Pắc, tỉnh Đắc Lắc, anh Nguyễn Văn Nam, ở xã Ea K’Ly lần đầu sử dụng thẻ căn cước công dân (CCCD) để làm thủ tục và rất bất ngờ khi chỉ trong vài giây, anh đã nhận phiếu khám chữa bệnh chờ tới lượt vào khám bệnh: “Tôi ít đi khám thôi nhưng tôi thấy thủ tục thì tiện lợi, nhanh hơn cho việc khám chữa bệnh, người dân đăng kí thì nhanh hơn, thủ tục gọn hơn. Bắt đầu khi đưa CCCD vào làm thủ tục đăng kí khám chữa bệnh thì chỉ mất khoảng 2 giây, người bệnh lấy phiếu và có thể đi đến các phòng tiếp theo để khám chữa bệnh”.

 Theo chị H’Phương K Pơ, Phòng Tổ chức hành chính, Trung tâm Y tế huyện K.rông Pắc, tỉnh Đắc Lắc, trước đây, khi đến khám, chữa bệnh người dân phải xuất trình nhiều giấy tờ, chờ đợi khá lâu để nhân viên y tế xác minh và nhập thông tin. Một số trường hợp thông tin không khớp giữa thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân, hoặc mất thẻ BHYT khiến việc đăng ký KCB bằng thẻ BHYT gặp không ít khó khăn. Thời gian gần đây, nhờ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám chữa bệnh, người dân đến khám chữa bệnh không phải mang theo thẻ BHYT giấy, thay vào đó, có thể sử dụng ứng dụng “VssID-Bảo hiểm xã hội số”, căn cước công dân (CCCD) gắn chíp hoặc ứng dụng VNeID mức 2 để khám chữa bệnh. Chỉ cần đưa thẻ vào máy quét, toàn bộ lịch sử thông tin KCB của người dân sẽ được hiển thị trên máy trong vòng vài giây.

“Khi dùng thẻ BHYT, đôi lúc mình quét mã vạch mà thẻ bị trầy xước thì không quét được, nhưng từ khi mình có CCCD thì nó nhanh hơn, tiện lợi cho nhân viên y tế và cho cả người dân khám chữa bệnh. Trừ trường hợp bệnh nhân họ cũng cấp cho mình chậm còn khi họ cung cấp giấy tờ nhanh thì làm rất nhanh, quét một cái là hiển thị thông tin bệnh nhân, nhưng với điều kiện là người dân phải bọc CCCD vào sẽ không bị trầy xước” - chị H’Phương K Pơ cho biết thêm.

 Từ khi áp dụng dùng thẻ CCCD, ứng dụng BHXH số vào KCB BHYT, không chỉ người dân mà cả nhân viên y tế đã tiết kiệm được nhiều thời gian, giảm nhiều giấy tờ thủ tục nên quá trình thực hiện các thủ tục nhanh chóng, thuận tiện, góp phần giúp chất lượng khám, chữa bệnh được nâng cao.

Bà Nguyễn Thị Thu Ba, 63 tuổi và ông Lê Thành Nam, 71 tuổi ở huyện K.rông Pắc, bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Phổi Đắc Lắc cho biết: “Tôi có thể dùng thẻ BHYT, dùng CCCD cũng có. Tôi đưa cái thẻ BHYT ra, nói ngày tháng năm sinh là nhân viên họ làm nhanh lắm, nhập viện luôn, bác sĩ khám bệnh, cho thuốc rồi mới tính đóng tiền viện phí".

“Mình nằm viện mà không có thẻ BHYT thì mất nhiều tiền lắm. Đây là quyền lợi thực tế của người dân tham gia BHYT, cũng là vấn đề xã hội mà trước mắt cho bản thân, không sợ mất chi phí”.

Mặc dù tích hợp nhiều tiện ích trong quá trình KCB, song vẫn còn nhiều bệnh nhân chưa biết đến việc có thể dùng CCCD gắn chip để thay thế BHYT và các giấy tờ khác khi đăng ký khám bệnh. Số lượng người dân dùng CCCD gắn chip để thay BHYT trong KCB còn chưa nhiều. Do đó, các cơ sở y tế đã đẩy mạnh công tác truyền thông bằng cách treo các pa nô, áp phích và hình ảnh nhằm cung cấp thông tin sử dụng CCCD gắn chip để thay thế BHYT và các giấy tờ khác đến với người dân. Cùng với đó, khi thực hiện thủ tục khám bệnh, nhập viện, nhân viên y tế cũng sẽ thông tin tới người dân về việc này.

Ông Bùi Khắc Hùng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện K.rông Pắc, tỉnh Đắc Lắc cho biết: “Trước đây chúng tôi có máy quét thẻ BHYT nhưng bây giờ đã trang bị rất nhiều máy quét CCCD. Ở nơi tiếp đón bệnh nhân đã có 2 máy quét, tại khoa cấp cứu, khoa trực tiếp bệnh nhân vào thẳng cũng đều có máy quét CCCD rất dễ dàng. Thẻ BHYT người dân dùng nhiều khi rách, nát, rất khó quét mã, tra vào không ra thông tin. Thực tế thì cũng còn có những người dân đi khám chữa bệnh không mang giấy tờ gì, chỉ đọc ngày tháng năm sinh để nhân viên y tế tìm cũng mất khá nhiều thời gian”.

Cùng với sự ra đời của ứng dụng BHXH số (VssID), sử dụng CCCD gắn chip trong khám chữa bện BHYT được xem là bước tiến lớn trong việc cải cách thủ tục hành chính của ngành y tế và BHXH. Đến nay, 100% cơ sở khám, chữa bệnh BHYT triển khai khám, chữa bệnh BHYT bằng căn cước công dân gắn chíp, đã có hơn 60 triệu lượt tra cứu thành công thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chíp phục vụ làm thủ tục khám, chữa bệnh BHYT.

Ông Lê Nguyên Bồng, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, BHXH Việt Nam cho biết, việc tích hợp các loại giấy tờ trong ứng dụng BHXH số-VSSID hay tích hợp trong thẻ CCCD gắn chíp giúp thuận tiện trong mọi giao dịch, không chỉ khám chữa bệnh BHYT mà cả khi sử dụng dịch vụ công khác. Nhờ đó, đem lại tiện ích “kép” không chỉ với người dùng mà còn tạo thuận lợi cho ngành BHXH trong việc quản lý, sử dụng và ngăn chặn trục lợi quỹ BHYT.

“Hiện nay chúng tôi đang có rất nhiều các loại giấy tờ mà người dân khi tham gia BHXH sẽ có. Ví dụ như sổ BHXH, thẻ BHYT, giấy chứng nhận không cùng chi trả, quyết định hưởng chế độ, phiếu lĩnh lương hưu, giấy chứng nhận hưởng chế độ BHXH, giấy chứng sinh, giấy khám sức khỏe…những hồ sơ mà khi giao dịch điện tử người dân được có và được sử dụng cái này để phục vụ giao dịch điện tử khác. Chúng tôi sẽ tạo gần như cái ví, file hồ sơ điện tử của một người dân được tích hợp trong VSSID để khi người dân thực hiện bất kỳ một giao dịch nào khác mà cần các giấy tờ này thì người dân chỉ cần VSSID   , xuất trình các giấy tờ điện tử này thì sẽ được thực hiện các dịch vụ công trực tuyến khác có liên quan”.

Với nhiều tiện ích mang lại, hình thức này đã được triển khai tại tất cả các đơn vị KCB BHYT trên cả nước, từ tuyến cơ sở đến Trung ương. Không chỉ thay thế trong trường hợp người bệnh quên mang theo thẻ BHYT, nếu làm mất hoặc thẻ bị hư hỏng, chủ thẻ BHYT cũng không cần phải xin cấp lại. Việc sử dụng CCCD gắn chíp và ứng dụng BHXH số hay VNEID còn giúp người bệnh và cả đơn vị y tế tiết kiệm được nhiều thời gian hoàn thiện hồ sơ bệnh án, giúp việc quyết toán với cơ quan BHXH và đảm bảo thông tin nhanh chóng, chính xác.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu nhậm chức: Giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong Đảng
Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh tiếp tục giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
  • Kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao trong 2024 và 2025
    Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 được đánh giá tiếp tục phục hồi. Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng dự đoán tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam so với trước đó.
  • Đề xuất Nhà nước độc quyền đầu tư và phát triển điện hạt nhân
    Theo dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
  • Tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường
    Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ông có trình độ chuyên môn là Cử nhân Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước. VOV xin trân trọng giới thiệu tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường.
Mới nhất