Số ca sốt xuất huyết gia tăng nhanh, gánh nặng y tế không nhỏ

Kim Dung/VOV-TP.HCM | 30/09/2023, 07:46

Từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 87.719 trường hợp mắc, 24 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Số ca bệnh tiếp tục gia tăng mỗi năm và còn nhiều nguy cơ bùng phát ca mắc và số tử vong, tạo nên gánh nặng y tế lớn đối với cộng đồng.

Tỉ lệ tử vong cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm

PGS.TS. Nguyễn Thị Liên Hương, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, riêng năm 2022, số mắc sốt xuất huyết trên cả nước là 372.696 ca, 151 trường hợp tử vong. Đây là số ca sốt xuất huyết ghi nhận cao nhất tại Việt Nam trong 36 năm qua.

Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh, hiện nay, tại Việt Nam bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu; trong khi đó do sự biến đổi khí hậu, đô thị hoá nhanh của các địa phương, tập quán trữ nước trong các lu, khạp của người dân, cùng với việc loại bỏ các vật dụng chứa nước phế thải chưa được thực hiện triệt để nên tạo điều kiện cho muỗi phát triển và truyền bệnh, nguy cơ bùng phát số trường hợp mắc và tử vong là rất lớn.

Tại TP.HCM, Bà Lê Hồng Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) cho hay, từ năm 2018-2022, sốt xuất huyết chiếm tỉ lệ cao nhất trong các bệnh truyền nhiễm, với khoảng 48%, sau đó là tay chân miệng, chiếm 25%. Năm ngoái, TP.HCM ghi nhận 29 trường hợp tử vong, cao nhất từ trước đến nay.

Số ca mắc và tử vong do sốt xuất huyết tăng nhanh là gánh nặng y tế công cộng tại TP.HCM, nhất là trong bối cảnh nơi này trải qua nhiều đợt dịch Covid-19 với tổn thất nặng nề, nhiều bệnh truyền nhiễm bùng phát cùng lúc như tay chân miệng, đau mắt đỏ...

Mặc dù đã có nhiều biện pháp đa chiều được triển khai nhưng sự tham gia của cộng đồng chưa mạnh mẽ, chưa có can thiệp kỹ thuật duy trì kiểm soát vector.

 “Thực sự chúng ta cảm nhận rằng, vẫn chưa có một biện pháp hiệu quả, quyết liệt để kiểm soát dịch sốt xuất huyết, vì nó phụ thuộc quá nhiều vào ý thức và nhận thức của mọi người. Chúng ta vẫn cần, rất cần những giải pháp can thiệp về kỹ thuật, về vector, về miễn dịch cộng đồng để có thể chủ động phòng, chống sốt xuất huyết một cách bền vững”. Bà Lê Hồng Nga nói

Cần giải pháp hiệu quả, lâu dài

Theo PGS.TS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM, sốt xuất huyết Dengue là mối đe dọa lớn do những hậu quả sức khỏe nghiêm trọng. Bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nặng, diễn tiến rất nhanh và nguy cơ dẫn đến gây tử vong nếu không được chẩn đoán kịp thời và điều trị tích cực.

Sốt xuất huyết Dengue còn đặt gánh nặng kinh tế lên cá nhân và cộng đồng. Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng lâu dài đến tâm lý của bệnh nhân, và tác động không nhỏ tới an sinh xã hội. Ở góc độ y tế, số bệnh nhân sốt xuất huyết Dengue gia tăng qua các năm đã gây ra áp lực đối với các bệnh viện, dẫn đến quá tải hệ thống y tế, thiếu nguồn nhân lực chăm sóc và điều trị cho bệnh nhân.

Để duy trì năng lực điều trị trong các cơ sở y tế trước tình trạng ca bệnh sốt xuất huyết gia tăng, nhiều năm qua, các cơ sở y tế tại TP.HCM cũng như cả nước đã triển khai hiệu quả hướng dẫn chẩn đoán - điều trị xuất huyết Dengue của Bộ Y tế, cứu sống nhiều bệnh nhân, giảm đáng kể tỉ lệ tử vong.

PGS Nguyễn Thanh Hùng cho rằng, cần có một loại vaccine hiệu quả và an toàn để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết cho người dân. Đồng thời, cần sự phối hợp chặt chẽ giữa hệ thống điều trị và dự phòng.

 “Có giảm số lượng bệnh thì hệ điều trị mới không quá tải mới giảm tử vong được. Đó là điều căn cơ. Do đó việc phòng bệnh bằng cách tuyên truyền diệt muỗi, diệt lăng quăng tưởng chừng đơn giản nhưng hơn 50 năm qua cả thế giới và Việt Nam vẫn làm chưa thành công. Thành ra ca bệnh sốt xuất huyết vẫn gia tăng rồi cứ vài năm là thành dịch”, PGS Nguyễn Thanh Hùng nói.

 GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, sốt xuất huyết là một bệnh lưu hành quanh năm, do đó việc phòng, chống đòi hỏi liên tục, thường xuyên triển khai một cách đồng bộ trong toàn xã hội.

Để có những biện pháp dự phòng hiệu quả lâu dài, cần tập trung loại bỏ được những ổ muỗi, ngăn chặn vector, đó là nhiệm vụ, chính sách cụ thể của từng địa phương, đặc biệt là những địa phương có sự đô thị hóa lớn. Bên cạnh đó, thực hiện quản lý tốt các ca bệnh. Đồng thời, ứng dụng các biện pháp mà khoa học mang lại, ví dụ như vaccine.

 “Nếu có vaccine thì chúng ta sẽ đỡ hơn rất nhiều trong biện pháp phòng, chống. Nhưng trong phòng, chống sốt xuất huyết đòi hỏi vai trò của mỗi người dân, bởi hiện nay biện pháp cơ bản, kể cả sau này có vaccine đi chăng nữa thì vấn đề kiểm soát các ổ bọ gậy, nguồn muỗi là căn cơ và nằm trong từng ngôi nhà, từng khu phố”, GS Phan Trọng Lân nói.

Trên toàn cầu, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê tỷ lệ mắc mới sốt xuất huyết tăng trên 30 lần trong 50 năm qua. Ước tính mỗi năm có khoảng 50 triệu trường hợp mắc bệnh và 500.000 trường hợp phải nhập viện. Tỷ lệ tử vong trung bình khoảng 1%, có một số quốc gia tỷ lệ tử vong từ 3-5%.

Đầu năm nay, WHO đã cảnh báo sốt xuất huyết là bệnh nhiệt đới lây lan nhanh nhất và là “mối đe dọa đại dịch”. Biến đổi khí hậu, hiện tượng El Nino, tốc độ đô thị hóa gia tăng cùng với sự giao thương đi lại giữa các quốc gia có thể khiến bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt tại khu vực lưu hành nặng, trong đó có Việt Nam.

Chuyên gia WHO nhấn mạnh, cần làm mọi thứ để tăng cường năng lực phòng, chống sốt xuất huyết, sẵn sàng để đáp ứng hiệu quả khi có dịch bùng phát. Cụ thể, phải kiểm soát vector, muỗi, loăng quăng, điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cộng đồng. Đặc biệt, phải theo dõi đặc điểm bệnh, đặc điểm lan tràn của muỗi. Khi dịch xảy ra phải có năng lực y tế tốt, đảm bảo đầy đủ nhân lực, thuốc, sản phẩm y tế điều trị cho bệnh nhân.

Bài liên quan
Người phụ nữ 33 tuổi nhiễm vi khuẩn 'ăn thịt người' nguy kịch
Bệnh viện Nhân dân Gia Định ở TP.HCM vừa cứu sống nữ bệnh nhân bị nhiễm vi khuẩn "ăn thịt người".

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Chủ tịch nước Lương Cường phát biểu nhậm chức: Giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết trong Đảng
Phát biểu nhậm chức trước Quốc hội, Chủ tịch nước Lương Cường nhấn mạnh tiếp tục giữ gìn và tăng cường sự đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục chăm lo xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.
  • Kinh tế Việt Nam tiếp tục được dự báo tăng trưởng cao trong 2024 và 2025
    Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, bức tranh kinh tế Việt Nam năm 2024 được đánh giá tiếp tục phục hồi. Xuất nhập khẩu và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã trở thành điểm sáng nổi bật, phản ánh niềm tin của các nhà đầu tư quốc tế đối với môi trường đầu tư tại Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đã nâng dự đoán tăng trưởng GDP 2024 của Việt Nam so với trước đó.
  • Đề xuất Nhà nước độc quyền đầu tư và phát triển điện hạt nhân
    Theo dự án Luật Điện lực (sửa đổi), Chính phủ đề xuất Nhà nước độc quyền trong đầu tư xây dựng và vận hành các dự án nhà máy điện hạt nhân vì mục đích bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
  • Tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường
    Chủ tịch nước Lương Cường sinh năm 1957, quê ở thành phố Việt Trì, Phú Thọ. Ông có trình độ chuyên môn là Cử nhân Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước. VOV xin trân trọng giới thiệu tiểu sử Chủ tịch nước Lương Cường.
Mới nhất