Ngồi nhặt nhạnh những hạt gạo còn rơi rớt lại do một đoàn từ thiện chẳng may làm đổ bên bờ suối, chốc chốc ánh mắt của bà Lương Thị Dung (dân tộc Thái) lại hướng về căn nhà của gia đình vừa bị vùi lấp trong trận lũ quét, lũ ống kinh hoàng vừa qua ở huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.
Như trải qua một cơn ác mộng, bà Dung chưa từng nghĩ ngôi nhà nơi mình sinh sống hơn 60 năm qua ở bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, huyện Kỳ Sơn có một ngày lại vùi sâu trong đống đất đá và 5 thành viên trong gia đình mình phải đi ăn ngủ nhờ làng xóm. Điều may mắn nhất với bà Dung là khi đất đá sụp xuống, tất cả gia đình bà đang ở bên ngoài nhà và thoát được “kiếp nạn” này.
“Lũ về mấy lượt. Nước lên hai lượt đầu, 5 người vẫn ở trong nhà. Khi đó trời cũng đã sáng rồi, mưa to, thấy nhà hàng xóm bị trôi, cả nhà tôi chạy qua đó giúp mỗi người một tay, một chân. Lúc quay về, thấy hòn đá lăn xuống, đè nát cả căn nhà của mình, may mà người không ở đó”, bà Dung kể lại.
Đất đá ào ào sụp xuống bất ngờ, nhà sập ngay trước mắt chẳng kịp trở tay, bao nhiêu tài sản của gia đình cũng bị vùi lấp dưới lớp đất đá. Nhìn căn nhà, với biết bao tài sản cả đời người tích cóp, bà Dung tan nát cõi lòng nhưng cũng tự nhủ mình “còn người, còn của”.
Gia đình bà Dung là một trong số 56 ngôi nhà của đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Kỳ Sơn bị nước lũ cuốn trôi hoặc đất đá vùi lấp hoàn toàn. Ngoài ra, còn 141 nhà bị ngập, sạt lở, lũ quét gây hư hỏng nặng nề và 36 ngôi nhà cần phải di dời khẩn cấp… Đáng chú ý, chính quyền cũng đã chăng dây cảnh báo một dãy nhà dân ở bản Hoà Sơn, xã Tà Cạ trước nguy cơ đất đá trên núi có thể đổ ập bất cứ lúc nào nếu mưa lớn xuất hiện và kéo dài.
Dãy núi tại bản Hòa Sơn, huyện Kỳ Sơn có nguy cơ sạt lở bất cứ lúc nào
Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử VOV, ông Nguyễn Hữu Minh, Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, Nghệ An cho biết, dãy núi hình vòng cung ôm trọn bản Hoà Sơn đã bị nứt gãy, nếu mưa tiếp tục lớn như thời gian vừa qua, toàn bộ quả núi có nguy cơ đổ xuống.
“Trên đỉnh núi sát bản Hoà Sơn đã xuất hiện nhiều vết nứt rộng, có vết nứt kéo dài gần 200m, nguy cơ có thể sạt bất cứ lúc nào. Nếu khối lượng đất đá lớn cùng lúc sạt xuống thì một nửa bản Hoà Sơn sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng”, ông Minh cho hay.
Theo ông Nguyễn Hữu Minh, hiện nay địa điểm cũ mà người dân sinh sống không còn an toàn, vì thế lực lượng chức năng đã tuyên truyền, vận động bà con ở nơi có nguy cơ sạt lở đi sơn tán. Đồng thời, chính quyền địa phương đã cắm biển cảnh báo, cắt cử lực lượng chức năng canh gác để hạn chế người dân qua lại.
Các nhà dân bị hư hỏng nặng cũng đã được lực lượng vũ trang hỗ trợ tiến hành tháo dỡ di dời tài sản. Ngoài ra, địa phương cũng đã thành lập tổ công tác lập danh sách các các hộ dân, nằm trong diện phải di dời, đối với các gia đình nằm sát các vị trí sạt trượt yêu cầu bắt buộc phải tạm lánh không ở lại nhà trong mọi điều kiện.
Theo khảo sát ban đầu có 37 hộ dân nằm trong vùng sạt trượt buộc phải di dời, hiện nay huyện Kỳ Sơn đang tiến hành quy hoạch, lập khu tái định cư rộng khoảng 15ha. Diện tích này dự kiến sẽ là nơi tái định cư cho khoảng 200 hộ của nhiều xã trong đó có 72 gia đình của bản Hòa Sơn, xã Tà Cạ, hiện đang nằm trong vùng có phạm vi sạt trượt và trôi nhà cửa sau cơn lũ.
Trước dự báo của Trung tâm Dự báo KTTV quốc gia việc khu vực miền Trung, trong đó có Nghệ An sẽ tiếp tục có mưa rất lớn trong những ngày tới, ông Minh cho biết sẽ khẩn trương sơ tán các hộ dân của bản Hòa Sơn ra khỏi vùng nguy hiểm, đảm bảo an toàn tính mạng cho mỗi người dân./.