Từ ngày 15/8/2023, Thông tư 24/2023 của Bộ Công an có hiệu lực, với nhiều quy định mới liên quan đến đăng ký, cấp biển số xe. Theo quy định, biển số xe được cấp và quản lý theo mã định danh, nghĩa là "biển theo người" chứ không còn "biển theo xe" như trước đây. Khi chuyển quyền sở hữu, biển số được giữ lại và cấp cho chủ cũ khi đăng ký xe khác thuộc quyền sở hữu của mình.
Với quy định mới, khi chuyển quyền sở hữu, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi đăng ký và biển số, trực tiếp nộp đăng ký xe, biển số xe cho cơ quan đăng ký xe… Các tiểu thương buôn bán xe cũ và người mua cho rằng, thủ tục này rất rườm rà, mất nhiều thời gian. Nhiều người tự nhủ, với nhiều thủ tục phức tạp như vậy, thà mua xe mới còn hơn.
Hàng trăm chiếc xe “nằm xó” vì không có người mua
Đã hơn 1 tháng sau khi người dân được cấp biển số xe theo mã định danh, chợ bán xe máy cũ lớn bậc nhất Hà Nội nằm trên phố Chùa Hà (quận Cầu Giấy) trở nên vắng vẻ, đìu hiu. Nhiều chủ cửa hàng lo lắng, “đứng ngồi không yên” vì lượng khách mua xe giảm mạnh do người dân e ngại về các thủ tục định danh biển số khi mua xe cũ.
Anh Lã Văn Hòa, chủ cửa hàng “Hòa xe tốt” trên phố Chùa Hà cho biết, từ ngày có Thông tư 24, tất cả các cửa hàng bán xe cũ luôn trong tình trạng ế ẩm, buôn bán khó khăn. Nếu như trước kia mỗi tháng cửa hàng của anh bán được 10-20 xe thì sau khi thông tư ra đời, chỉ bán được 1-2 xe, có thời điểm không bán được xe nào. Doanh thu sụt giảm tới 70-80%, nhiều tiểu thương lâm vào cảnh lao đao, trên bờ vực phá sản.
Xe thì không bán được trong khi anh vẫn phải trả tiền công cho nhân viên, tiền lãi ngân hàng, tiền thuê người trông xe mỗi đêm, tiền thuê mặt bằng… Thi thoảng cũng có khách đến hỏi mua xe nhưng chỉ là “mua lướt” dòng xe wave, xe phổ thông, rẻ tiền. Khách hàng phần lớn là dân lao động, không quan tâm nhiều đến việc định danh biển số mà chỉ cần có phương tiện đi lại để mưu sinh cuộc sống. Với dòng xe ga nhiều tiền hơn thì hầu như không bán được.
“Thông tư 24 ra đời giúp cho việc quản lý xe của cơ quan chức năng tốt hơn chứ chưa phù hợp với tiểu thương cũng như chưa thuận tiện với người dân trong việc mua, bán xe. Bởi các thủ tục, giấy tờ mua bán rất loằng ngoằng, xe cũ khi bán phải thu hồi biển số, rồi lại mất tới vài tuần để đăng ký lại. Chưa kể đa số xe máy cũ đã qua nhiều đời chủ, rất khó tìm lại chủ cũ để giải quyết giấy tờ, thủ tục. Trong khi trước đây chỉ cần trao tiền, nhận giấy tờ mua - bán là xong. Ngoài ra, mọi quy định cũng chưa rõ ràng, khi khách hỏi mua xe và làm thủ tục, chúng tôi cũng vẫn khá mơ hồ, không biết tư vấn cho khách như thế nào", anh Hòa nói.
Anh Hoàng Kiều Hưng, chủ cửa hàng xe ở Phố Chùa Hà sốt ruột nhìn gần 100 chiếc xe xếp hàng dài chờ khách, than thở: “Thông tư 24 ra đời đang tạm thời “kìm hãm” công việc bán hàng của các tiểu thương, lý do chủ yếu là giấy tờ, thủ tục rắc rối. Hiện giờ cả người bán lẫn người mua vẫn còn hoang mang, chưa biết làm thủ tục bán xe như thế nào, nên cả hai bên đều e ngại trong việc giao thương. Trước đó trung bình mỗi tháng, cửa hàng của tôi bán được 40-50 xe, nhưng từ ngày có Thông tư 24, số lượng xe bán được chỉ đếm trên đầu ngón tay, từ biển số xe đẹp đến biển số bình thường”.
Anh Hưng cũng cho hay, việc thu hồi biển số xe cũ, vấn đề tìm chủ sở hữu rất khó khăn, nhất là đối với những xe đã được gắn biển 5 số. Có người không còn liên lạc được, có người liên hệ được thì họ từ chối vì thấy mất thời gian, công sức.
Đến thời điểm này, khi có khách đến hỏi mua xe, anh Hưng vẫn còn hoang mang, chưa biết phải giải thích cho khách hàng như thế nào. Phía người mua cũng e ngại vì chưa hiểu các thủ tục sang tên, đổi chủ, nên nhiều người đã quyết định mua xe mới thay vì mua xe cũ.
Người dân mơ hồ về Thông tư 24, cơ quan chức năng nói gì?
Trước những phản ánh và thắc mắc của người dân, Trung tá Vũ Thị Thanh Thảo - Đội phó Đội CSGT trật tự - Công an quận Hoàn Kiếm cho biết, sau hơn 1 tháng thực hiện Thông tư 24 về đăng ký, thu hồi biển số đối với xe cơ giới, nhờ sự tuyên truyền rộng rãi của Bộ Công an cũng như các kênh truyền thông và sự tìm hiểu của người dân, đến thời điểm này, việc thực hiện đăng ký biển số theo thông tư mới không gặp quá nhiều khó khăn. Cơ bản người dân đã chấp hành tốt về quy trình, thủ tục.
Tuy nhiên, trong quá trình làm cũng phát sinh một số khó khăn. Hiện nay, việc thực hiện đăng ký xe trên cổng dịch vụ công của với người dân còn khá lúng túng. Bên cạnh đó, thủ tục đăng ký, sang tên, đổi chủ cho một chiếc xe chặt chẽ hơn, nhiều bước hơn nên sẽ mất nhiều thời gian hơn trước đây.
Cũng theo Trung tá Vũ Thị Thanh Thảo, người dân khi thực hiện sang tên đổi chủ phải thực hiện theo 2 bước. Trước đó, người sử dụng xe chỉ cần đến cơ quan đăng ký xe để làm thủ tục là xong, còn bây giờ người dân phải đến cơ quan quản lý hồ sơ của chiếc xe đó để làm thủ tục thu hồi, sau đó mới đến nơi đăng ký thường trú, tạm trú để làm thủ tục sang tên.
Với xe đã qua nhiều đời chủ, khi sang tên thì cơ quan chức năng phải xác minh trên hệ thống xe tang vật. Nếu như xe bị mất và được trình báo nằm trên hệ thống thì cơ quan đăng ký xe sẽ chuyển toàn bộ hồ sơ cũng như xe đó đến cơ quan điều tra để được điều tra, giải quyết.
Đối với trường hợp xe không nằm trên hệ thống của xe tang vật thì cơ quan công an sẽ xác minh, gửi thông báo đến chủ xe đứng trong đăng ký xe và thông báo niêm yết tại trụ sở cơ quan trong vòng 30 ngày, nếu không có phản hồi và khiếu kiện gì thì cơ quan công an sẽ làm thủ tục sang tên đăng ký xe cho người đang sử dụng như bình thường theo thông tư quy định.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục CSGT nhận định, sau hơn 1 tháng Thông tư 24 ra đời, qua theo dõi thì thấy, bước đầu nhiều người dân đã nắm bắt và thực hiện theo quy định của thông tư. Đặc biệt, việc quy định về biển số định danh đã nhận được nhiều sự ủng hộ của người dân, của các cơ quan, tổ chức để làm minh bạch hơn, tránh tình trạng sử dụng phương tiện mua, bán nhiều lần mà không thực hiện sang tên, đổi chủ. Nói cách khác là tránh tình trạng sử dụng xe không chính chủ, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân khi mua - bán phương tiện, đồng thời, giúp cho hoạt động quản lý nhà nước của lực lượng chức năng chặt chẽ hơn, sát sao hơn và đúng với thực tiễn hoạt động của giao thông hiện nay.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho rằng, việc nhiều người dân thắc mắc về việc mua, bán, sang tên phương tiện, xuất phát từ việc họ chưa nắm rõ trình tự, thủ tục trong mua, bán phương tiện cơ giới, xe mô tô, ôtô cũng như chưa biết bảo vệ tài sản, quyền tài sản.
Theo quy định của pháp luật, việc mua xe phải có hóa đơn, hợp đồng và ký giấy bán xe phải được công chứng chứng thực theo quy định. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tình trạng mua, bán xe trao tay mà không có chứng từ chuyển quyền sở hữu theo quy định, nên người mua không thể làm thủ tục đăng ký xe mang tên mình và Nhà nước thì thất thu thuế, cơ quan chức năng thì không quản lý được xe.
Cũng theo ông Nhật, mọi hoạt động kinh doanh mua, bán xe nói nói chung và phương tiện cơ giới nói riêng phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của pháp luật; Cần phải có những quy định để đảm bảo được quyền, tài sản của người dân, của người mua.
“Chúng ta phải nhận thức rằng, mọi hoạt động kinh doanh mua, bán xe, kể cả ô tô, mô tô thì đều phải tuân thủ theo quy định pháp luật, những quy định đó nhằm đảm bảo quyền, tài sản của cá nhân, tổ chức trong việc sở hữu tài sản của mình. Thông tư 24 tạo điều kiện cho xe đã sang tên, đổi chủ nhiều lần mà không xác định được chủ cũ thì cũng được đăng ký, được cấp biển để chuyển cho người đang sở hữu phương tiện đó. Đảm bảo cho người dân không phải tranh chấp, khiếu kiện”, Đại tá Nguyễn Quang Nhật cho hay.