Sáp nhập tỉnh, huyện, xã thì có phải sửa sổ đỏ theo tên địa chỉ mới?

22/04/2025, 12:35

Việc thay đổi địa giới hành chính không làm mất hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sổ đỏ đã cấp vẫn có giá trị pháp lý đầy đủ và không bắt buộc phải đổi lại nếu không có nhu cầu.

Thay đổi địa giới hành chính không làm mất hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Liên quan đến việc sáp nhập các xã, huyện, tỉnh để tinh gọn bộ máy đang làm thay đổi tên gọi của nhiều địa phương. Một câu hỏi lớn được người dân quan tâm là: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) ghi tên xã, huyện, tỉnh thành cũ liệu có còn giá trị? Có bắt buộc phải đổi theo địa danh mới? Phóng viên Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Luật sư Mai Thảo – Phó Giám đốc Công ty Luật TAT Law Firm, chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản – đất đai để làm rõ vấn đề này.

Theo Luật sư Mai Thảo, việc sáp nhập đơn vị hành chính là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách, cải thiện hiệu quả điều hành. Tuy nhiên, với người dân, những thay đổi này lại khiến họ lo ngại về tính pháp lý của các loại giấy tờ như sổ hộ khẩu, giấy khai sinh, hay đặc biệt là sổ đỏ – tài sản có giá trị lớn.

Trả lời câu hỏi liệu người dân có bắt buộc phải làm lại sổ đỏ ghi tên địa danh cũ hay không, Luật sư Mai Thảo – TAT Law Firm khẳng định: “Việc thay đổi địa giới hành chính không làm mất hiệu lực của Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sổ đỏ đã cấp vẫn có giá trị pháp lý đầy đủ và không bắt buộc phải đổi lại nếu không có nhu cầu. Cơ sở pháp lý của sổ đỏ rất rõ ràng, không nên nghe tin đồn”.

Luật sư Mai Thảo viện dẫn quy định tại khoản 2 Điều 133 Luật đất đai 2024 như sau: Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại khoản 1 Điều này được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp hoặc cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu. Đối với trường hợp đăng ký biến động quy định tại điểm p khoản 1 Điều này thì được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trên giấy chứng nhận đã cấp.

Mà khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai 2024 quy định: Đăng ký biến động được thực hiện đối với trường hợp đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở hoặc Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà có thay đổi sau đây: Thay đổi ranh giới, mốc giới, kích thước các cạnh, diện tích, số hiệu và địa chỉ của thửa đất.

"Như vậy có thể hiểu, khi tỉnh, thành nơi có đất sắp xếp lại đơn vị hành chính, nếu muốn được cấp Giấy chứng nhận mới thì người dân cần phải thực hiện đăng ký biến động. Tuy nhiên, việc đăng ký biến động để được cấp Sổ mới là không bắt buộc và chỉ thực hiện khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu mà thôi. Việc hướng dẫn đổi sang mẫu mới theo qui định tại khoản 21 Điều 13 Thông tư 10/2024/TT-BTNMT ngày 31/7/2024 của Bộ tài nguyên Môi trường qui định về hồ sơ địa chính, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất. Không có quy định nào yêu cầu người dân phải đổi lại sổ đỏ chỉ vì tên xã, huyện, tỉnh trên giấy chứng nhận đã thay đổi. Việc lan truyền thông tin yêu cầu đổi sổ đỏ hàng loạt sau sáp nhập là không đúng quy định pháp luật, có thể dẫn đến tâm lý hoang mang và phát sinh chi phí không cần thiết cho người dân”, Luật sư Thảo lưu ý.

Khi nào nên cập nhật Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất?

Theo Luật sư Mai Thảo – Phó Giám đốc Công ty Luật TAT Law Firm, tuy không bắt buộc, nhưng trong một số trường hợp cụ thể, người dân có thể cân nhắc cập nhật lại thông tin trong sổ đỏ: "Khi thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai như chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, đăng ký biến động mà muốn ghi địa chỉ theo đơn vị hành chính mới cho đồng bộ với giấy tờ khác. Khi sổ đỏ bị rách, mờ, hư hỏng, cần cấp đổi lại. Khi có thay đổi thông tin người sử dụng đất: đổi tên, số CCCD, địa chỉ thường trú, tình trạng pháp lý thửa đất… Việc cấp đổi sổ đỏ trong các trường hợp nêu trên sẽ được thực hiện theo thủ tục chuẩn tại Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc Trung tâm phục vụ hành chính công. Lệ phí đổi dao động từ 50.000 – 100.000 đồng tùy địa phương, không tính phí đo vẽ lại nếu không có thay đổi diện tích".

Quy trình cập nhật thông tin hành chính trên sổ đỏ (nếu có nhu cầu)

Theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường (cũ) nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường, khi người dân có nhu cầu cập nhật thông tin địa giới hành chính mới trên sổ đỏ, thủ tục khá đơn giản:

1. Chuẩn bị hồ sơ gồm: Đơn đề nghị cập nhật thông tin sổ đỏ; Bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Giấy tờ tùy thân của người sử dụng đất.

2. Nộp hồ sơ tại Văn phòng Đăng ký đất đai hoặc UBND cấp xã (nơi tiếp nhận hồ sơ theo cơ chế một cửa).

3. Nhận thông báo, đóng lệ phí và nhận lại sổ đỏ được điều chỉnh phần địa danh (nếu cần).

"Việc cập nhật thông tin này hoàn toàn không làm thay đổi bản chất quyền sử dụng đất, và không bị hạn chế thời gian. Người dân nên bình tĩnh tiếp cận thông tin từ nguồn chính thống. Nếu không có nhu cầu chuyển nhượng hay thực hiện các giao dịch liên quan đến đất đai, thì không cần thiết phải cấp đổi sổ đỏ. Những thay đổi về tên gọi hành chính đã được các cơ quan nhà nước thống nhất quản lý trên dữ liệu điện tử. Khi cần, thông tin mới sẽ được cập nhật qua mã số thửa đất và cơ sở dữ liệu đất đai quốc gia", Luật sư Mai Thảo nhấn mạnh.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc miễn học phí cho học sinh công lập
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2025-2026.
Mới nhất