Sản xuất kit test COVID-19, Việt Á được Học viện Quân y 'trả công' 1 tỷ đồng

04/01/2024, 07:21

Học viện Quân y chuyển cho Công ty Việt Á một số tài liệu, quy trình liên quan đến kit test, Việt Á dựa vào đó để tối ưu, nghiên cứu ra sản phẩm của mình.

Sáng 4/1, HĐXX TAND Hà Nội tiếp tục phần xét hỏi các bị cáo trong đại án Việt Á.

Trước đó, trả lời thẩm vấn trong phiên toà chiều 3/1, bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) cho hay, công ty này thành lập năm 2007, hoạt động trong lĩnh vực mua bán sinh phẩm y tế. Ngoài ra, Việt còn điều hành nhiều công ty khác cùng lĩnh vực.

Việt khai quen Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) khoảng năm 2012, 2013 khi Công ty Việt Á tham gia đề tài cùng Học viện Quân y. 

Khoảng cuối tháng 1, đầu tháng 2/2020, bị cáo Hùng gọi điện cho Việt tham gia phối hợp với Học viện Quân y để nghiên cứu kit test COVID-19.

"Ông Hùng thuyết phục bị cáo tham gia vì lúc đó chỉ Việt Á đủ điều kiện được yêu cầu. Mặt khác, thời điểm cấp bách, trong vòng một tháng phải có kit test và phải được Bộ Y tế cấp phép", bị cáo Việt khai và cho biết sau đó nhận lời Hùng.

Phan Quốc Việt bị dẫn giải tới toà.

Phan Quốc Việt bị dẫn giải tới toà.

Đầu tháng 2/2020, Việt và cấp dưới ra Hà Nội họp về đề tài nghiên cứu sản xuất kit test COVID-19 do ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ) chủ trì. 

Sau cuộc họp này, Việt Á tham gia vào việc nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm 20.000 kit test COVID-19 trong vòng một tháng. 

Tại tòa, Phan Quốc Việt khai, khi đó Học viện Quân y chuyển cho Công ty Việt Á một số tài liệu, quy trình liên quan đến kit test. Việt Á sau đó dựa vào tài liệu, quy trình này để tối ưu, nghiên cứu ra kit test COVID-19. 

"Việt Á nhận tiền công 1 tỷ đồng từ Học viện Quân y, phần còn lại là nguyên vât liệu trị giá khoảng 8-9 tỷ đồng", bị cáo Việt khai.

Giữa tháng 2/2020, Việt Á nghiên cứu ra kit test. Sau đó, Phan Quốc Việt cùng cấp dưới mang sản phẩm ra Hà Nội, đến Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương để kiểm nghiệm, kết quả "đạt".

Cùng thời điểm này, Học viện Quân y cũng nghiên cứu kit test nhưng sản phẩm không tối ưu bằng Việt Á. 

Sau khi nhận kết quả "đạt" từ Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Việt Á đã trình để được Bộ Y tế cấp số lưu hành tạm thời. Song Bộ này đã yêu cầu phải có nghiệm thu đề tài.

Lúc này, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức thực hiện nghiệm thu giai đoạn 1 là "đạt", sau đó hoàn thiện hồ sơ để trình Bộ Y tế ký cấp phép.

Ngày 4/3/2020, kit test của Việt Á được cấp phép lưu hành tạm thời, đến ngày 4/12/2020 thì được cấp phép lưu hành chính thức.

- "Khi được Bộ Y tế cấp phép thì đó là sản phẩm của Việt Á hay Học viện Quân y?", chủ toạ hỏi.

- "Đều ghi của Việt Á", Việt trả lời.

Chủ toạ hỏi Việt về quá trình từ khi hợp tác đến khi cấp phép lưu hành kit test có khó khăn gì, bị cáo cho hay, giai đoạn cấp số lưu hành tạm thời hồ sơ bị trả đi trả lại.

"Bị cáo có nhờ ông Huỳnh gửi gắm Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương", Việt cho biết. Đến giai đoạn cấp phép chính thức, bị cáo tiếp tục nhờ Nguyễn Huỳnh (cựu Phó phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) giúp, để hồ sơ được thông qua nhanh, kịp thời có kit test.

Ngoài ra, Việt còn nhờ Trịnh Thanh Hùng tác động bên Bộ Y tế, "ông Hùng tác động như thế nào thì bị cáo không rõ", Phan Quốc Việt khai.

Video: Dẫn giải 2 cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Chu Ngọc Anh và 36 bị cáo ra tòa vụ Việt Á

Tại toà, Chủ tịch Việt Á thừa nhận đã đưa cho Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD, hơn 2 triệu USD và 4 tỷ đồng cho Nguyễn Huỳnh để ông này đưa lại hơn 2 triệu USD cho cựu Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long.

Ngoài ra, bị cáo Nguyễn Minh Tuấn (cựu Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị công trình) nhận 300.000 USD, Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Vụ Tài chính, kế hoạch) nhận 100.000 USD.

Bị can Nguyễn Văn Trịnh (cựu Trợ lý Phó Thủ tướng) và cựu Bộ trưởng Khoa học và Công nghệ cũng được Phan Quốc Việt "cảm ơn" 200.000 USD.

Trường hợp ông Phạm Công Tạc (cựu Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ), Việt khẳng định đưa 50.000 USD nhưng ông Tạc khai chỉ nhận 100 triệu đồng.

Minh Tuệ

Bài liên quan
Tiền Giang: Truy tố nhiều cựu cán bộ CDC nhận tiền "lại quả" từ công ty Việt Á
Theo cáo trạng, ông Nguyễn Ngọc Chơn khi làm Giám đốc CDC Tiền Giang đã chỉ đạo việc ứng trước test xét nghiệm để sử dụng và hợp thức hóa hồ sơ thầu nhằm cho Công ty Việt Á trúng thầu sai quy định và được nhận "lại quả" với số tiền 450 triệu đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông tại đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải
Sáng nay (30/4), tại Di tích Quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ Thống nhất non sông, tôn vinh những chiến công bất tử, tri ân sâu sắc đối với sự hy sinh to lớn của thế hệ cha anh để bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc.
  • Đèo Pha Đin ngày ấy, bây giờ
    Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin huyền thoại đã in dấu chân của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong trên hành trình tiếp vận vũ khí, lương thực, thực phẩm cho bộ đội ta nơi tiền tuyến.
  • Mít tinh kỷ niệm 49 năm giải phóng quần đảo Trường Sa
    Cách đây 49 năm, trong không khí hào hùng tiến về Sài Gòn, với phương châm “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ”, các chiến sỹ quân chủng Hải quân đã tranh thủ thời cơ, bất ngờ tấn công giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
  • Cận cảnh trận địa pháo hoa ở TP.HCM sẵn sàng khai hỏa mừng ngày 30/4
    Tại công viên hầm vượt sông Sài Gòn, lực lượng chức năng lắp đặt xong 1.500 quả pháo tầm cao cùng 30 giàn pháo hoa tầm thấp sẵn sàng khai hỏa vào 21h hôm nay.
Mới nhất