Sai lầm tai hại của cha mẹ khiến con gặp nguy hiểm khi trẻ bị tiêu chảy

Bs. Đặng Xuân Thắng | 18/04/2022, 06:45

Cha mẹ cần tránh những sai lầm này khi con bị tiêu chảy, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho con.

Hàng năm, trên thế giới có khoảng 1,5 - 2 triệu trẻ em dưới 5 tuổi tử vong do tiêu chảy. Đây là nguyên nhân thứ hai gây tử vong ở trẻ sau nhiễm trùng đường hô hấp. Do đó, việc chăm sóc đúng cách và phòng ngừa cho trẻ bị tiêu chảy tại nhà rất quan trọng.

Bình thường, trẻ sơ sinh đi ngoài từ 3 đến 10 lần mỗi ngày là bình thường, thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn của trẻ. Trẻ nhũ nhi, trẻ mới biết đi và trẻ em thường đi tiêu một đến hai lần mỗi ngày. Tiêu chảy xảy ra khi trẻ đi ngoài ra phân lỏng hoặc toé nước ít nhất 3 lần/ 24 giờ.

Nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy cấp là nhiễm virus. Các nguyên nhân khác bao gồm vi khuẩn, tác dụng phụ của thuốc kháng sinh và nhiễm trùng ngoài hệ tiêu hóa. Bệnh thường xảy ra quanh năm.

Sai lầm tai hại của cha mẹ khiến con gặp nguy hiểm khi trẻ bị tiêu chảy  - 1

Nguyên nhân phổ biến nhất của tiêu chảy cấp là nhiễm virus. (Ảnh minh họa)

Một trong những sai lầm rất tai hại của bậc phụ huynh khi thấy con nhỏ đi ngoài phân lỏng hoặc tóe nước nhiều là không bù đủ lượng nước đã mất cho trẻ vì sợ con sẽ đi ngoài nhiều hơn. Chẳng hạn như hạn chế cho trẻ uống thêm nước, cho ăn thức ăn khô… Điều này là cực kỳ nguy hiểm vì có thể dẫn đến tình trạng mất nước, mất cân bằng các chất điện giải (natri, kali, clorua, bicarbonat) nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sức khoẻ và tính mạng của trẻ.

Trẻ bị mất nước cần được bù lại lượng nước đã mất bằng cách uống Oresol - là dung dịch chứa glucose và chất điện giải theo tỷ lệ thích hợp cho nước mất do ói, đi tiêu. Hầu như phụ huynh nào cũng biết điều này, tuy nhiên không hẳn mọi người biết cách sử dụng đúng oresol.

Phụ huynh cho trẻ uống chậm, uống thay nước, thường uống từ 50 - 100ml (tương đương khoảng 10 - 20 muỗng cà phê) sau mỗi lần trẻ tiêu chảy. Trẻ trên 6 tháng tuổi có thể thay Oresol bằng nước dừa, nước cơm, nước súp. Nếu trẻ từ chối uống hoặc bị ói ngay sau khi uống thì cần phải theo dõi sát tình trạng mất nước của trẻ.

Ngoài ra, cha mẹ có thể cho trẻ uống thêm các loại thuốc như kháng sinh (nếu nguyên nhân là vi khuẩn), thuốc giảm tiêu chảy, men vi sinh, viên uống bổ sung kẽm,...và chỉ uống khi được bác sĩ tư vấn.

Cha mẹ cần đưa trẻ đến khám ngay khi có các dấu hiệu như tiêu chảy có máu; từ chối ăn hoặc uống bất cứ thứ gì trong hơn vài giờ ở trẻ sơ sinh và hơn tám giờ ở trẻ nhỏ; môi khô, mắt trũng, môi nhợt; đau bụng từng cơn hoặc dữ dội; thay đổi hành vi, thờ ơ hoặc giảm phản ứng; nôn dữ dội, lặp đi lặp lại.

Bs. Đặng Xuân Thắng
Bài liên quan
Sai lầm khiến trẻ bị vẹo cổ cha mẹ cần tránh
Bệnh viện Trẻ em Hải Phòng tiếp nhận các trường hợp trẻ bị vẹo cổ do cha mẹ chăm sóc sai cách.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ những lợi thế và tiềm năng của Đồng Tháp
Tổng Bí thư nêu rõ những lợi thế của Đồng Tháp để phát triển như tiềm năng nông nghiệp to lớn, phát triển ngành du lịch, đặc biệt là lợi thế vị trí địa lý và khả năng kết nối giao thông khi nằm tiếp giáp với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL.
Mới nhất