
Từ các đại lộ sầm uất ở New York đến những con đường tại châu Âu, không gian từng bị chiếm giữ bởi ô tô và xe máy đang dần "hoàn trả" cho người đi bộ. Một mô hình đô thị mới đang hình thành, nơi bước chân được tôn vinh và việc đi bộ trở thành lựa chọn ưu tiên trong cuộc sống hàng ngày.

Tái phân bổ không gian đô thị
Tình trạng kẹt xe tại các thành phố lớn của Mỹ đang là vấn đề nan giải. Đơn cử, tại Los Angeles, một người đi làm trung bình mất gần 5 ngày mỗi năm… chỉ để kẹt xe. Hay ở khu trung tâm Manhattan, thành phố New York, tốc độ di chuyển trung bình của ô tô chỉ là 7,5 km/h, nhỉnh hơn đi bộ một chút.
Để kiểm chứng tốc độ, một thử nghiệm được thực hiện tại New York cho thấy, thời gian đi ô tô nhanh hơn đi bộ vỏn vẹn 3 phút. Nhưng hành trình bằng xe không những tốn kém hơn mà còn thải lượng lớn khí CO₂, đặt ra nghịch lý giữa tiện ích tức thời và hệ lụy môi trường lâu dài.
Ông Paul Stout, chuyên gia quy hoạch đô thị, người sáng lập trang TalkingCities chia sẻ: “Khái niệm khu dân cư hay thành phố không ô tô đang ngày càng được nhiều người ưa chuộng. Xu hướng này cho thấy, người dân muốn ở tại những đô thị đông đúc nhưng có giao thông công cộng hiệu quả và tiện ích gần kề”
Tình trạng kẹt xe ngày càng nghiêm trọng, cùng với những bất tiện và rủi ro khi di chuyển bằng ô tô, đang thúc đẩy xu hướng thiết kế đô thị theo hướng ưu tiên người đi bộ và phương tiện giao thông công cộng. Một báo cáo mới công bố cho thấy, mỗi năm tại Mỹ có hàng nghìn người đi bộ thiệt mạng vì bị xe đâm. Đỉnh điểm là năm 2021, gần 7.500 người đi bộ tử vong do va chạm với ô tô, con số cao nhất trong vòng 40 năm qua.
Trước thực trạng này, nhiều thành phố như New York và San Francisco đang tích cực thúc đẩy các đề xuất biến đường phố thành không gian không có xe cơ giới. Mục tiêu không chỉ là giảm ùn tắc giao thông, mà còn hướng tới xây dựng một đô thị thân thiện hơn với người đi bộ và xe đạp.
Bà Elizabeth Plater Zyberk, kiến trúc sư quy hoạch đô thị từ Đại học Miami cho biết: “Điều quan trọng là chúng ta phải biến tất cả những nơi có mật độ dân số cao thành nơi thân thiện với người đi bộ. Việc khuyến khích mọi người đi bộ qua vài dãy nhà thay vì tìm taxi sẽ tạo nên một môi trường đô thị bền vững hơn”
Thực tế, ngày càng nhiều người nhận ra rằng, để một đô thị phát triển bền vững, con người, chứ không phải phương tiện, phải đặt ở vị trí trung tâm. Năm 2009, sau khi số vụ tai nạn giao thông gia tăng đột biến, thành phố New York quyết định đóng cửa một phần tuyến đường Broadway, đoạn qua Quảng trường Thời đại và Quảng trường Herald.
Quyết định này ban đầu vấp phải không ít lo ngại, rằng ngành du lịch và hoạt động thương mại sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy lưu lượng người qua lại tăng khoảng 15%, và riêng Quảng trường Thời đại vẫn đón tới 360.000 lượt khách mỗi ngày. Đáng chú ý, số vụ tai nạn liên quan đến người đi bộ giảm mạnh: 40% tại Quảng trường Thời đại và 53% tại Quảng trường Herald chỉ sau vài năm triển khai.
Ông Eric McClure, Giám đốc điều hành StreetsPAC, Ủy ban vận động chính sách giao thông đô thị an toàn, hiệu quả tại New York chia sẻ: “Giải pháp này nhiều lần chứng minh được tính hiệu quả. Đây chính là minh chứng rõ nét cho việc chuyển đổi không gian từ xe cá nhân sang dành cho người đi bộ và người đi xe đạp.”
Kiến tạo tương lai di chuyển bền vững
Từng gây tranh cãi dữ dội như tại New York, mô hình “cấm xe” cũng vấp phải phản ứng mạnh ở Đan Mạch. Năm 1962, khi Copenhagen thử nghiệm phố đi bộ Stroget, Giám đốc quy hoạch đô thị của thành phố thậm chí nhận được thư đe dọa và phải đi cùng vệ sĩ.

Thế nhưng, chính tuyến phố này sau đó trở thành biểu tượng thành công của quy hoạch lấy con người làm trung tâm, và là hình mẫu truyền cảm hứng cho nhiều đô thị trên thế giới.
Tại Copenhagen hay Amsterdam, những khu vực “gần như không ô tô” vẫn cho phép xe buýt và xe cấp cứu lưu thông, giúp giao thông công cộng hiệu quả hơn và tăng tốc độ phản ứng trong các tình huống khẩn cấp.
Theo chuyên gia quy hoạch đô thị Paul Stout, thế hệ trẻ ngày nay không còn quá thiết tha với xe riêng, mà muốn sống trong những thành phố có thể đi bộ, sử dụng phương tiện công cộng dễ dàng: “Có một làn sóng mạnh mẽ đang nổi lên từ giới trẻ, họ không hài lòng với diện mạo hiện tại của các đô thị. Chúng ta từng xây những thành phố để phục vụ con người. Và bây giờ, thế hệ mới muốn làm điều đó một lần nữa.”
Theo các chuyên gia, mô hình đô thị lấy phương tiện cơ giới làm trọng tâm đang bộc lộ nhiều hạn chế, từ kẹt xe, ô nhiễm đến những rủi ro an toàn cho người đi bộ. Thử nghiệm thành công ở New York, hay các dự án tại châu Âu như Hà Lan, Đan Mạch đang mở ra một viễn cảnh mới: các thành phố thân thiện với người đi bộ và giao thông công cộng hiệu quả.
Câu chuyện về tái phân bổ không gian, từ đường sá sang quảng trường và làn đường dành riêng cho xe đạp, không chỉ cải thiện chất lượng sống mà còn thúc đẩy kinh tế. Đã đến lúc các nhà quy hoạch đô thị cần lắng nghe tiếng nói của thế hệ trẻ, những người mong muốn một tương lai nơi việc di chuyển không còn là cuộc chiến mà là trải nghiệm dễ chịu, bền vững và nhân văn.
Tại Việt Nam, câu chuyện về ùn tắc giao thông và ô nhiễm không khí cũng không còn xa lạ, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM. Việc mở rộng đường sá, xây cầu vượt hay hầm chui chỉ là giải pháp tình thế, trong khi không gian dành cho người đi bộ, xe đạp và giao thông công cộng vẫn còn hạn chế. Những con phố ngập tràn xe máy, vỉa hè bị lấn chiếm, và hệ thống xe buýt chưa thực sự hiệu quả là những thách thức lớn.
Việc học hỏi kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch đô thị tập trung vào con người, phát triển các khu vực "gần như không có ô tô", và khuyến khích di chuyển bằng phương tiện xanh, thân thiện môi trường, sẽ là hướng đi bền vững để các đô thị Việt Nam không chỉ giảm tải áp lực giao thông mà còn nâng cao chất lượng sống cho cư dân.