Theo đó, chiều 23/11, 421/423 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 87,89 % tổng số đại biểu Quốc hội. Đây là một bước quan trọng nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của thị trường bất động sản và đáp ứng nhu cầu nhà ở xã hội cho người dân.
Nghị quyết của Quốc hội đã quyết nghị giao Chính phủ thực hiện ngay các nhiệm vụ và giải pháp để góp phần phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể, khẩn trương ban hành đầy đủ các văn bản quy định chi tiết và tổ chức thi hành các luật, nghị quyết có liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội sau khi được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 như: Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Địa chất và khoáng sản, Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Luật Công chứng (sửa đổi), Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu, Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất và Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TP.HCM, Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.
Đối với các dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 có liên quan đến quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội như: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9 như: Luật Quản lý phát triển đô thị, Quốc hội yêu cầu Chính phủ nghiên cứu để có cơ chế giải quyết vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn trên cơ sở đánh giá khách quan quá trình triển khai thi hành các quy định của pháp luật qua các thời kỳ; phân định rõ nguyên nhân vướng mắc để có đề xuất giải pháp phù hợp, khả thi.
Có phương án giải quyết phù hợp, xử lý dứt điểm các dự án bất động sản gặp khó khăn, vướng mắc pháp lý, đình trệ do quá trình triển khai thực hiện kéo dài và pháp luật qua các thời kỳ có sự thay đổi trên cơ sở xem xét toàn diện các yếu tố thực tiễn khách quan, hoàn cảnh lịch sử cụ thể đánh giá đầy đủ lợi ích - chi phí và tính khả thi của phương án giải quyết để bảo đảm quyền lợi chính đáng của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp, vì lợi ích chung, tổng thể, giải phóng nguồn lực cho thị trường bất động sản, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội; không “hình sự hóa” các quan hệ kinh tế - dân sự; làm rõ nội hàm “không hợp thức hóa các vi phạm”.
Quốc hội cũng yêu cầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, địa phương hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo thẩm quyền được giao. Tiếp tục rà soát, bảo đảm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong giai đoạn 2015 - 2023, tạo hành lang pháp lý an toàn, đầy đủ, thuận lợi, ổn định, khả thi cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân.
Chỉ đạo công tác hướng dẫn và tổ chức thực hiện pháp luật về tài chính đất đai, trong đó chú trọng việc định giá đất, xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất để bảo đảm duy trì mặt bằng hợp lý chi phí liên quan đến đất đai là chi phí đầu vào của nền kinh tế, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.