![quốc hội tập trung các giải pháp về mục tiêu tăng trưởng đạt 8 trở lên năm 2025 hình ảnh 1 quoc hoi tap trung cac giai phap ve muc tieu tang truong dat 8 tro len nam 2025 hinh anh 1](https://cdn.vovlive.vn/2025/02/14/media.vov.vn-sites-default-files-styles-large-public-2025-02-_a82db28fd8f366ad3fe2.jpg)
Chiều 14/2, thảo luận ở tổ về về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên, các đại biểu đề nghị tập trung vào các giải pháp ngắn hạn và dài hạn để tháo gỡ thể chế, thúc đẩy hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Các đại biểu khẳng định, nền kinh tế của nước ta trong năm 2024 tiếp tục phục hồi mạnh mẽ và là một điểm sáng về tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô. Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, khó lường nhưng chúng ta đã hoàn thành 15/15 chỉ tiêu; tăng trưởng GDP đạt 7,09% cao hơn mục tiêu đề ra của Quốc hội. Với kết quả đạt được trong năm 2024 là tiền đề quan trọng để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025.
![quốc hội tập trung các giải pháp về mục tiêu tăng trưởng đạt 8 trở lên năm 2025 hình ảnh 1 quoc hoi tap trung cac giai phap ve muc tieu tang truong dat 8 tro len nam 2025 hinh anh 1](https://cdn.vovlive.vn/2025/02/14/media.vov.vn-sites-default-files-styles-large-public-2025-02-_a82db28fd8f366ad3fe2.jpg)
Theo các đại biểu, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng 2025 đạt từ 8% trở lên và từ năm 2026 là ở mức 2 con số thì cần có giải pháp và nhiệm vụ trọng tâm. Về các giải pháp ngắn hạn, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng cần tập trung triển khai ngay và khẩn trương, đối với các bộ, ngành, địa phương cần phát huy chủ động đổi mới sáng tạo, đột phá và quyết tâm cao để triển khai kịp thời hiệu quả.
"Cần hoàn thành công tác sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả, hiệu lực phải đảm bảo không gây gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh; thu nhận được những người có năng lực vào trong bộ máy và tiếp tục giảm thiểu những khâu của cuộc cải cách thủ tục hành chính để những bộ máy đạt được hiệu quả", đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai cho biết.
Các đại biểu nhấn mạnh tăng trưởng của các địa phương tiềm năng, các thành phố lớn, đầu tàu sẽ là tiền đề quan trọng để GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên. Đại biểu Đỗ Tiến Sỹ (đoàn Hưng Yên) nêu ý kiến: "Để đạt được trên 8%, chia ra cho 63 tỉnh, thành thì phần lớn là 8-9%, số ít là trên 10% . Đây là những yếu tố mang tính chất cơ sở thực tiễn. Bởi vì, những tỉnh, thành có tốc độ phát triển trong rất nhiều năm qua, có những tỉnh, thành tốc độ tăng trưởng rất cao. Để đạt được con số trên 8%, cần có tính toán, cân nhắc sẽ tiếp tục nắm chắc. Trên cơ sở những kịch bản này phát hiện thực tế để đề xuất chính sách phù hợp kịp thời”.
![quốc hội tập trung các giải pháp về mục tiêu tăng trưởng đạt 8 trở lên năm 2025 hình ảnh 2 quoc hoi tap trung cac giai phap ve muc tieu tang truong dat 8 tro len nam 2025 hinh anh 2](https://cdn.vovlive.vn/2025/02/14/media.vov.vn-sites-default-files-styles-large_watermark-public-2025-02-_tgd.jpg)
Nhiều đại biểu đề nghị tập trung vào cắt giảm thực chất các thủ tục đầu tư kinh doanh; đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Đây là nội dung rất quan trọng để đảm bảo cho phát triển nhanh, mạnh bền vững.
Đại biểu Trần Anh Tuấn (đoàn TP.HCM) kiến nghị, cần phải có chính sách miễn, giảm thuế, tiếp tục miễn giảm thuế mạnh để thu hút đầu tư, đồng thời khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi đầu tư mạnh dạn đầu tư ngay ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số; để một mặt thực hiện nhanh những công đoạn sản xuất, đồng thời tăng năng suất lao động. Khoa học công nghệ rất quan trọng là nền của năm 2025 tăng trưởng và thúc đẩy cho những năm sau có thể đạt được 2 con số.
Một số ý kiến đặc biệt nhấn mạnh phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, sớm đưa vào khai thác công trình trọng điểm, mở ra không gian phát triển mới.
Đại biểu Tạ Đình Thi (đoàn thành phố Hà Nội) đề nghị bổ sung thêm giải pháp phát triển các thị trường để tạo nguồn lực phát triển kinh tế.
“Vấn đề mà chúng ta tạo lập niềm tin của thị trường, là một trong những vấn đề rất cơ bản, khi doanh nghiệp, người dân có niềm tin vào chính sách, niềm tin vào thị trường thì họ sẽ đầu tư mua sắm, thúc đẩy phát triển các thị trường. Kiến nghị bổ sung thêm một giải pháp về phát triển toàn diện và đồng bộ các thị trường, trong đó có thị trường hàng hóa dịch vụ, đặc biệt là thị trường vốn, thị trường khoa học công nghệ, thị trường bất động sản và thị trường lao động", đại biểu nêu.
Trong các nhiệm vụ giải pháp dài hạn, theo các đại biểu, để tạo nền tảng không chỉ năm 2025 đạt 8% mà những năm sau đó có thể tăng trưởng 2 con số thì những giải pháp dài hạn là phải tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng bứt phá như: hoàn thiện thể chế phân cấp, phân quyền, phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phải bám sát các nghị quyết của Trung ương, Quốc hội để chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2025 một cách linh hoạt và hiệu quả.
Với 2 mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đặt ra khi kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030 và 100 năm thành lập nước năm 2045, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, đây là 2 mục tiêu rất lớn phải thực hiện, trước bối cảnh tình hình trong nước và thế giới nhiều biến động như hiện nay, trước mong mỏi của nhân dân, yêu cầu của sự phát triển, khó khăn mấy cũng phải làm và làm phải thực chất hiệu quả.
![quốc hội tập trung các giải pháp về mục tiêu tăng trưởng đạt 8 trở lên năm 2025 hình ảnh 3 quoc hoi tap trung cac giai phap ve muc tieu tang truong dat 8 tro len nam 2025 hinh anh 3](https://cdn.vovlive.vn/2025/02/14/media.vov.vn-sites-default-files-styles-large-public-2025-02-_fc0d103480493e176758.jpg)
Thủ tướng khẳng định, vì mục tiêu dân giàu nước mạnh, hạnh phúc nhân dân, nên càng khó khăn, áp lực càng phải nỗ lực, đoàn kết thống nhất để thực hiện. Do đó, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị, Trung ương năm 2025 này với các mục tiêu phát triển cao hơn, cụ thể tăng trưởng 8% trở lên. Đây là mục tiêu rất lớn và thách thức khi bình quân thế giới dự báo chỉ trên 3%, ASEAN phấn đấu 4-4,5%. Do đó, để thực hiện được mục tiêu này phải tập trung vào nhiều giải pháp.
Theo Thủ tướng: "Giải pháp là phải để không gian sáng tạo cho các chủ thể có liên quan, sáng tạo thực hiện mục tiêu tăng trưởng, tất cả phải vào cuộc, cả hệ thống chính trị; Tăng trưởng phải đưa tín dụng cao, kết hợp với chính sách tài khóa; giải pháp quan trọng nhất là hiệu quả đầu tư. Tiếp đó là giải pháp thúc đẩy đầu tư công. Đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, tháo gỡ thể chế, thúc đẩy hạ tầng, nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, đổi mới sáng tạo để tăng năng suất lao động, phát triển nhanh bền vững”.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cho rằng, khâu thực hiện phải nhanh, kịp thời, tư tưởng thông, làm việc tập trung, không dàn trải, phân công rõ người, rõ việc, tăng cường giám sát kiểm tra, thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.
Theo Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, điều then chốt là phải có cơ chế thúc đẩy kinh tế tư nhân, trong đó đẩy mạnh cải cách thể chế, thủ tục hành chính tạo niềm tin của nhà đầu tư. Chính phủ cần xác định không nên đặt mục tiêu thu ngân sách ngắn hạn, mà phải nhìn mục tiêu dài hạn hơn; quan tâm, bồi dưỡng nguồn thu, thu đúng, thu đủ.
Đánh giá cao 6 nhiệm vụ giải pháp của Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng 8%, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, Chính phủ rất quan tâm đến việc ưu tiên giải quyết các nguồn lực bị lãng phí như quy hoạch treo, dự án vướng thủ tục đất công không sử dụng tài sản, tranh chấp các vụ án kéo dài, Quốc hội cũng đã cho cơ chế giải quyết thí điểm ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Khánh Hòa, một số địa phương khác.
"Tập trung tháo gỡ điểm nghẽn đối với thị trường bất động sản để tăng nhanh nguồn cung. Đây là chủ trương rất đúng, song để biến thành hiện thực còn rất nhiều việc phải làm. Hiện nay, trong nhiều dự án đang làm thì có những dự án bị vướng quy hoạch, có những dự án vướng thủ tục, thậm chí vướng về tên do Luật đấu thầu quy định thì phải là liên danh, nhưng sau khi thắng thầu thì trên cơ sở liên doanh họ lập ra công ty lại không được chấp nhận. Bản chất ở đây không phải vướng mắc về pháp lý mà là về thủ tục cần phải được tháo gỡ”, Chủ tịch Quốc hội cho biết.
![quốc hội tập trung các giải pháp về mục tiêu tăng trưởng đạt 8 trở lên năm 2025 hình ảnh 4 quoc hoi tap trung cac giai phap ve muc tieu tang truong dat 8 tro len nam 2025 hinh anh 4](https://cdn.vovlive.vn/2025/02/14/media.vov.vn-sites-default-files-styles-large_watermark-public-2025-02-_chu_tich_qh.jpg)
*Cũng trong chiều nay, thảo luận ở tổ về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, cần làm rõ các nhóm cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền của Quốc hội và nhóm cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của Chính phủ để rõ trách nhiệm và chủ động hơn trong thực hiện.
Theo đại biểu Trần Thị Hoa Ry, dự án cần lưu tâm thêm nhóm chính sách về bảo đảm an sinh xã hội. "Nhóm cơ chế, chính sách về bảo đảm an sinh xã hội cần phải đưa vào trong nhóm về cơ chế, chính sách đặc thù. Trong nghị quyết, chúng ta vẫn tập trung nhiều cho khâu tổ chức thực hiện các chính sách huy động vốn và lựa chọn nhà thầu. Còn liên quan đến nội dung này, tôi đề nghị quan tâm rà soát lại vùng có ảnh hưởng đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đối với hộ trong đối tượng phải di dời”, đại biểu nêu rõ.
Theo các đại biểu, việc áp dụng chỉ định thầu gói thầu "chìa khóa trao tay" là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện.
Đại biểu Vũ Hồng Thanh (đoàn Quảng Ninh) đề nghị: "Công khai, minh bạch, giám sát tổ chức thực hiện; tránh những tiêu cực. Dự án đầu tư tiền khả thi, khả thi, khả thi xong thiết kế kỹ thuật. Dự án lập đồng thời như thế có gì đó chênh vênh, mâu thuẫn sau này xử lý rất tốn kém. Tất cả các dự án, công trình quan trọng trước đây đều không có cơ chế chính sách này. Điện hạt nhân Ninh Thuận đang đề nghị có cơ chế miễn trừ trách nhiệm, chỗ này phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền. Chúng ta cho thực hiện cơ chế chính sách này sẽ không công bằng với những cán bộ, công chức. Ở những dự án kia thì xử lý, nhưng dự án này thì lại không xử lý thì thiếu công bằng”.
*Cũng hôm nay, thảo luận ở tổ về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, đại biểu Trần Đức Thuận (đoàn Nghệ An) bày tỏ nhất trí cao với chủ trương án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng. Đây là dự án phù hợp với quy hoạch đáp ứng hạ tầng cho mục tiêu phát triển đất nước trước mắt và lâu dài. Tuy nhiên đại biểu đề nghị cần nghiên cứu để đảm bảo đủ điều kiện kết nối liên thông với đường sắt Trung Quốc sau này.
"Dự án này, đường sắt tốc độ tối đa là 160 km và khổ rộng. Nhưng tôi băn khoăn là khi kết nối đường sắt này với Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc hiện nay toàn tốc độ cao cả, vậy sau này giả sử như khi đường sắt của Trung Quốc và đường sắt Việt Nam có thể liên thông với nhau được không. Đây là một vấn đề cần tính toán. Bởi vì chúng ta mở đường sắt này là vừa phục vụ nhu cầu của Việt Nam, nhưng cũng sẵn sàng kết nối với bạn, đảm bảo lưu thông hàng hóa, đảm bảo vận chuyển hành khách từ Việt Nam sang Trung Quốc và từ Trung Quốc về Việt Nam".
Vị đại biểu đồng thời đề nghị nghiên cứu để làm sao khi dự án đường sắt này có sự kết nối liên thông với đường sắt của nước bạn, để tạo điều kiện chúng ta phát triển kinh tế sau này.