Theo thông tin từ Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhằm thúc đẩy quá trình tái chế, xử lý chất thải, hướng tới nền kinh tế xanh theo các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP ngày 10/1/2022 của Chính phủ, Bộ này đang triển khai lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp về Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng đóng góp tài chính của nhà sản xuất, nhập khẩu vào Quỹ Bảo vệ môi trường Việt Nam để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải. Dự kiến, Dự thảo Thông tư trên sẽ được cơ quan này ban hành trong tháng 12/2022.
Ông Phan Tuấn Hùng, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 quy định các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu một số loại sản phẩm, bao bì phải có trách nhiệm xử lý chất thải.
Những doanh nghiệp không trực tiếp xử lý chất thải phải có trách nhiệm đóng góp tài chính để hỗ trợ xử lý chất thải. Về tái chế, doanh nghiệp phải tự mình làm hoặc đóng góp tài chính để hỗ trợ hoạt động tái chế nếu không tự làm.
Ông Phan Tuấn Hùng khẳng định nguồn tài chính do các doanh nghiệp đóng góp sẽ tuân thủ nguyên tắc quản lý, sử dụng minh bạch, hiệu quả và đúng mục đích; tuyệt đối không sử dụng cho mục đích khác ngoài tái chế, xử lý chất thải.
"Nguồn tài chính này không chỉ tạo ra cơ hội, động lực phát triển ngành công nghiệp tái chế của Việt Nam mà còn giải quyết vấn đề rác thải, nhất là ở các địa phương khó khăn. Nghĩa là nguồn tài chính này do doanh nghiệp đóng góp và sẽ quay vòng, vừa đảm bảo có lợi cho doanh nghiệp vừa xanh hóa môi trường," ông Phan Tuấn Hùng cho hay.
Đây cũng là điểm khác biệt giữa khoản đóng góp tài chính để hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải trực tiếp so với các loại thuế, phí môi trường vào ngân sách hiện nay. Với ý nghĩa đó, Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng Dự thảo Thông tư ban hành quy chế trên và đang lấy ý kiến cộng đồng doanh nghiệp để có hướng điều chỉnh phù hợp, đảm bảo công khai, minh bạch và phù hợp thực tiễn.
Hiện tại, Dự thảo Thông tư trên quy định 2 cơ chế hỗ trợ tài chính gồm: Hỗ trợ các hoạt động tái chế và hỗ trợ các hoạt động xử lý rác thải.
Trong số đó, hỗ trợ hoạt động tái chế chất thải là hỗ trợ chi phí tái chế gồm chi phí phân loại, thu gom, vận chuyển, tái chế sản phẩm, bao bì. Hỗ trợ hoạt động tái chế là hình thức hỗ trợ không hoàn lại thông qua hợp đồng hỗ trợ chi phí tái chế. Đối tượng được hỗ trợ là các doanh nghiệp tái chế tuân thủ pháp luật bảo vệ môi trường.
Mức hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp tái chế được xác định theo khối lượng sản phẩm, bao bì được tái chế. Để được hỗ trợ tài chính, doanh nghiệp tái chế được hỗ trợ phải được đơn vị kiểm toán độc lập xác nhận khối lượng sản phẩm, bao bì tái chế; không hỗ trợ cho khối lượng sản phẩm, bao bì tái chế từ phế liệu nhập khẩu. Cơ chế hỗ trợ hoạt động xử lý chất thải gồm hỗ trợ ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện thực hiện các dự án, hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.
Các hoạt động được hỗ trợ tài chính xử lý chất thải bao gồm: Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo các bãi lưu trữ, chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt tập trung từ quy mô liên xã; dự án mua sắm phương tiện, thiết bị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt từ quy mô liên xã; hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các khu vực công cộng bị ô nhiễm môi trường; thu gom, vận chuyển, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật; hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
Để đảm bảo minh bạch, việc lựa chọn sẽ dựa vào các tiêu chí như tính cấp thiết của dự án, hoạt động; phạm vi hưởng lợi từ dự án, hoạt động; điều kiện kinh tế-xã hội nơi thực hiện dự án, hoạt động; hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường của dự án, hoạt động. Ngoài ra, Dự thảo thông tư trên cũng quy định cụ thể nguyên tắc, điều kiện, hồ sơ, quy trình hỗ trợ tài chính cho các hoạt động tái chế, xử lý chất thải, kèm theo các cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng nguồn tài chính do nhà sản xuất, nhập khẩu đóng góp hỗ trợ tái chế, xử lý chất thải./.