Ngày 25/8, tại Hà Nội, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petro Vietnam) tổ chức Hội nghị Dịch vụ dầu khí năm 2023. Phát biểu khai mạc hội nghị, Tổng giám đốc Petro Vietnam Lê Mạnh Hùng cho biết, lĩnh vực dịch vụ là 1 trong 5 lĩnh vực chính của tập đoàn, có vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh cũng như hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của tập đoàn.
Thời gian qua, lĩnh vực dịch vụ tuy đạt được nhiều kết quả nhưng còn 1 số nhóm vấn đề cần tháo gỡ như chưa có kế hoạch tổng thể, sự tập trung, nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết, chia sẻ, phối hợp… trong các lĩnh vực dịch vụ còn hạn chế. Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng đề nghị các đại biểu tham dự hội nghị tập trung trao đổi, thảo luận, cùng đưa ra các giải pháp nhằm thúc đẩy lĩnh vực dịch vụ trong tập đoàn.
Các báo cáo tham luận, trao đổi tại hội nghị cũng chỉ rõ những khó khăn, thuận lợi. Các đơn vị dịch vụ tập đoàn tiếp tục phát huy thế mạnh, vai trò trong việc cung cấp dịch vụ. Bên cạnh đó, các đơn vị thành viên trong toàn tập đoàn cũng luôn có trách nhiệm, ý thức tận dụng tối đa nhằm sử dụng tốt các dịch vụ do các đơn vị trong ngành cung cấp.
Chất lượng cung cấp dịch vụ của các đơn vị trong ngành ngày càng được cải thiện, đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu của các đơn vị sử dụng dịch vụ. Chỉ tính riêng trong năm 2022, doanh thu lĩnh vực dịch vụ tập đoàn đạt 199,8 nghìn tỷ đồng vượt 78% kế hoạch năm, chiếm 34% tỷ trọng doanh thu hợp nhất của tập đoàn và tăng 39% so với cùng kỳ năm 2021.
Hoạt động dịch vụ dầu khí có những bước chuyển mình và ngày càng khẳng định được vai trò trong chuỗi giá trị của Petro Vietnam.
Đối với những thách thức phía trước, theo dự báo của các tổ chức kinh tế tài chính uy tín, năm 2023 có nhiều biến động, khó khăn hơn năm 2022, nguy cơ suy thoái kinh tế luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi các yếu tố kinh tế luôn biến động nhanh và bất ngờ.
Tình hình chính trị, kinh tế vĩ mô trên thế giới còn nhiều bất ổn, biến động của thị trường, chỉ số giá, tỷ giá… ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và kế hoạch đầu tư của đơn vị tại tất cả các lĩnh vực của Petro Vietnam.
Để giảm thiểu tác động tiêu cực từ xu hướng này, tại hội nghị, lãnh đạo các đơn vị đều chia sẻ về sự cần thiết phải thúc đẩy, mở rộng các chuỗi liên kết nhằm tối ưu các nguồn lực vật chất, gia tăng hiệu quả đầu tư trong việc cung ứng dịch vụ dầu khí không chỉ cả trong và ngoài Petro Vietnam.
Đây cũng là động lực, đòn bẩy để các đơn vị dịch vụ chủ động, tìm các phương án hợp tác liên kết phù hợp với năng lực, tăng khả năng cạnh tranh cung cấp dịch vụ cho các dự án có quy mô lớn tới đây của Tập đoàn thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Chủ tịch HĐTV Petro Vietnam Hoàng Quốc Vượng ghi nhận, đánh giá cao các ý kiến tham luận. Chủ tịch HĐTV Petro Vietnam Hoàng Quốc Vượng cũng đề nghị tăng cường phân cấp tại các đơn vị trong lĩnh vực dịch vụ để tăng tính chủ động, đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích, tạo sự liên kết phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các đơn vị trong tập đoàn.
Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đón đầu xu thế chuyển dịch năng lượng, cung cấp được dịch vụ kỹ thuật liên quan đến sự chuyển dịch này không chỉ trong nước, mà còn mở rộng cung cấp dịch vụ kỹ thuật ra nước ngoài, khẩn trương đẩy mạnh tiến trình áp dụng chuyển đổi số trong công tác quản trị, điều hành và xây dựng hệ thống dữ liệu, thông tin chung trong toàn tập đoàn.
Kết luận Hội nghị, Tổng giám đốc Petro Vietnam Lê Mạnh Hùng nhấn mạnh, lĩnh vực dịch vụ dầu khí của Petro Vietnam trong những năm qua không những đáp ứng tối đa thị trường ngành dầu khí, các ngành công nghiệp trong nước, mà còn mở rộng cung cấp dịch vụ kỹ thuật dầu khí của Việt Nam ra nước ngoài, đảm bảo đúng mục tiêu phát triển đã được Bộ Chính trị định hướng, Thủ tướng phê duyệt.
Các đơn vị dịch vụ từng bước khẳng định vị thế của mình về khả năng cũng như năng lực không chỉ ở trong nước mà còn vươn ra khu vực và thế giới. Điều này cho thấy, mặc dù tỷ lệ tăng chưa cao song các đơn vị dịch vụ trong Petro Vietnam có sự nỗ lực, dần định hướng ổn định để phát triển và gia tăng quy mô, có thể kể đến một số đơn vị điển hình như PTSC, PVOIL...
Tuy nhiên, công tác dịch vụ của các đơn vị vẫn còn rất nhiều khó khăn vướng mắc và tồn tại, đó là một số loại hình dịch vụ còn có sự chồng chéo do nhiều đơn vị thành viên trong tập đoàn cùng thực hiện. Sự phối hợp, hỗ trợ cùng phát triển giữa các đơn vị còn chậm, việc liên kết giữa các đơn vị trong cùng tập đoàn để đáp ứng các dịch vụ dầu khí còn hạn chế, chưa phát huy được sức mạnh tổng hợp của tập đoàn và mới chỉ dừng ở mức tạo điều kiện thực hiện...
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng nhìn nhận trong giai đoạn vừa qua, những định hướng chiến lược của Petro Vietnam đối với lĩnh vực dịch vụ đã đem lại những kết quả nhất định.
Tuy nhiên, trước tốc độ chuyển dịch năng lượng trên toàn cầu hiện nay, đòi hỏi cần phải có những định hướng triển khai cụ thể để thích nghi, đồng thời tận dụng cơ hội gia tăng doanh thu của các đơn vị dịch vụ dầu khí thông qua khai thác năng lực và công nghệ dầu khí trong một số lĩnh vực có lợi thế với dịch chuyển năng lượng như: gia công chế tạo; lắp đặt các công trình khai thác dầu khí và hệ thống khai thác/vận chuyển dầu khí (EPCI); O&M và khoan...
Nhu cầu dịch vụ cho lĩnh vực E&P sẽ tăng đột biến từ nay đến 2030 trước áp lực của xu hướng chuyển dịch năng lượng. Tốc độ đầu tư trong lĩnh vực tái tạo, đặc biệt là điện gió ngoài khơi, đã vượt năng lượng hóa thạch và sẽ tạo nhu cầu lớn cho dịch vụ kỹ thuật. Đây là cơ hội nhưng đồng thời cũng là thách thức đối với sự tăng trưởng, phát triển của các đơn vị dịch vụ của Petro Vietnam.
Petro Vietnam đang hướng tới trở thành tập đoàn công nghiệp năng lượng, để tương xứng với tầm vóc và quy mô của Petro Vietnam, lĩnh vực dịch vụ dầu khí cần trở thành “lĩnh vực dịch vụ năng lượng và công nghiệp”.
Để làm được điều đó đòi hỏi Petro Vietnam cần điều chỉnh, tạo ra các mô hình kinh doanh để sử dụng tài sản đầu tư một cách hiệu quả hơn và tăng tính kết nối giữa các nguồn lực tại các đơn vị. Trong đó mục tiêu chính cần tiếp tục giữ vững thị phần các dịch vụ dầu khí truyền thống, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao; nâng cao chất lượng dịch vụ dầu khí.
Với tinh thần và quyết tâm đó, Tổng giám đốc yêu cầu người đại diện tổ chức hoàn thành phương án tái cơ cấu, sắp xếp lại các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ dầu khí, đảm bảo vai trò là lĩnh vực kết nối các hoạt động của tập đoàn; khẩn trương hoàn thành danh mục sản phẩm dịch vụ chủ lực của tập đoàn theo từng giai đoạn; hoàn thiện hệ thống quản trị nội bộ thông qua đầu tư vốn và người đại diện; nâng cao mô hình quản trị phân cấp, phân quyền linh hoạt cho người đại diện của Petro Vietnam tại các đơn vị; đồng thời đề nghị các Phó Tổng giám đốc phụ trách đơn vị, người đại diện của Petro Vietnam tại các đơn vị thường xuyên đánh giá và đề xuất triển khai các chuỗi liên kết giá trị.
Tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cũng yêu cầu các Ban chuyên môn, đơn vị khẩn trương nghiên cứu, xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển cơ sở vật chất để hướng tới hình thành các đơn vị dịch vụ chủ lực, có năng lực cạnh tranh mạnh, làm đầu tàu, đủ sức gánh vác những dự án có quy mô lớn của Tập đoàn cũng như trên thị trường quốc tế thời gian tới.
Trong khuôn khổ hội nghị, các đơn vị tiến hành ký kết 7 biên bản, thỏa thuận ghi nhớ nhằm mở rộng triển khai và tăng cường tính hiệu quả của các chuỗi liên kết trong toàn tập đoàn.