Phạt 6.000 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm hơn 24 tỷ đồng

Lê Hoàng/VOV.VN | 08/09/2023, 23:09

Trong 6 tháng đầu năm, ngành y tế đã kiểm tra 250.938 cơ sở, phát hiện 40.403 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm, trong đó, phạt 6.052 điểm với số tiền 24,73 tỷ đồng.

Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm (ATTP), và đánh giá hoạt động của mô hình Ban Quản lý ATTP tại TP.HCM, TP. Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế, cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, tiếp tục cập nhật diễn biến, tình hình về ATTP từ đầu năm đến nay, có so sánh vói cùng kỳ về số người bị ngộ độc, thực trạng quản lý các mặt hàng có nguy cơ cao về ATTP, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ người dân. Từ đó chỉ ra những vấn đề mới xuất hiện, cần tập trung chỉ đạo, ưu tiên hành động để bảo đảm sức khoẻ cho người dân.

“Theo lĩnh vực được giao, các bộ, ngành phải rà soát toàn bộ hệ thống quản lý ATTP từ khâu sản xuất đến tiêu dùng, hài hoà hoá với tiêu chuẩn, quy chuẩn của các nước phát triển; nghiên cứu hoàn thiện thể chế quản lý ATTP, nâng cao chế tài xử phạt... Nâng cao năng lực hệ thống phòng kiểm nghiệm ATTP; tăng cường công tác hậu kiểm, thanh tra, giám sát; quản lý chặt chẽ việc quảng cáo và xử lý nghiêm các vi phạm quy định quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe…”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng gợi mở xem xét phương án thực hiện tiền kiểm đối với một số loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm có nguy cơ cao về ATTP; siết chặt kiểm soát việc nhập khẩu, nhập lậu các mặt hàng thực phẩm, đồ uống; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan truyền thông, báo chí khi quảng cáo thực phẩm, nhất là thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.

Báo cáo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, trong 6 tháng đầu năm, ngành y tế đã kiểm tra 250.938 cơ sở, phát hiện 40.403 cơ sở vi phạm về ATTP; đã xử lý 6.324 cơ sở (chiếm 15,65% số cơ sở vi phạm), tăng so với cùng kỳ năm 2022 (10,32%). Trong đó, phạt 6.052 cơ sở với số tiền 24,73 tỷ đồng.

Từ đầu năm đến hết ngày 21/6, toàn quốc ghi nhận 57 vụ ngộ độc thực phẩm làm 864 người mắc và 13 trường hợp tử vong, đáng chú ý xuất hiện ngộ độc do Clostridium Botulinum là loại độc tố rất hiếm gặp trước đây.

Một bộ phận doanh nghiệp đã lợi dụng cơ chế hậu kiểm để thực hiện không đúng quy định tự công bố chất lượng sản phẩm như không gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý địa phương; công bố không đúng, không đầy đủ, thậm chí không công bố sản phẩm mình sản xuất. Điều này dẫn đến nhiều sản phẩm không được hậu kiểm. Một số phụ gia thực phẩm nhập khẩu bị lạm dụng, sử dụng sai mục đích công bố ban đầu. Nhiều doanh nhiệp không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, gây khó khăn cho công tác quản lý, kiếm tra, hậu kiểm (tỷ lệ có nơi lên đến 80%).

Ngành nông nghiệp đã thanh tra 6.879 cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nông lâm thủy sản, xử phạt hành chính 743 cơ sở (chiếm 10,8%), tăng so với cùng kỳ năm 2022 (10,17%) với số tiền phạt 6,8 tỷ đồng (tăng so với năm 2022 (5,05 tỷ đồng).

Bộ Công thương đã kiểm tra 3.156 vụ, xử lý 2.594 vụ việc vi phạm về ATTP, xử phạt12,458 tỷ đồng, trị giá hàng vi phạm: 15,486 tỷ đồng.

Lực lượng Cảnh sát môi trường đã phát hiện 4.192 vụ với 3.852 cá nhân và 345 tổ chức vi phạm; khởi tố 13 vụ và 07 bị can; xử phạt vi phạm hành chính 3.828 vụ 3.527 cá nhân và 321 tổ chức, tổng tiền phạt vi phạm hành chính là 24,825 tỷ đồng.

Đối với thực phẩm nhập khẩu thuộc quản lý của Bộ Y tế có 12.382 lô hàng đăng ký kiểm tra, 100% kết quả kiểm tra đạt; 100% lô hàng thực phẩm nhập khẩu thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ Công Thương được kiểm tra về ATTP.

Đánh giá về hiệu quả hoạt động của mô hình Ban Quản lý ATTP ở địa phương, lãnh đạo UBND TPHCM, TP. Đà Nẵng, tỉnh Bắc Ninh cho biết cơ quan này được thí điểm thành lập trên cơ sở sát nhập các cơ quan quản lý ATTP tuyến tỉnh thuộc Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương.

Về cơ bản, việc thành lập thống nhất một đầu mối đã tổng hợp được nguồn lực quản lý, thuận tiện trong quá trình chỉ đạo triển khai, giảm  thời gian trong kết hợp thanh tra, kiểm tra, bước đầu có hiệu quả trong hoạt động xử lý vi phạm, tăng cường giáo dục truyền thông thuận lợi trong chỉ đạo điều hành.

Bên cạnh đó, do Ban Quản lý ATTP là mô hình thí điểm nên các hoạt động về đầu tư, chỉ đạo điều hành, phối hợp quản lý với các sở, ban, ngành còn vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Đặc biệt, sau khi có Luật Thanh tra sửa đổi chức năng xử phạt vi phạm hành chính không giao cho các Ban Quản lý ATTP nên còn khó khăn trong xử lý vi phạm. 

Bài liên quan
15 học sinh tiểu học ở Quảng Nam nhập viện cấp cứu sau khi ăn sữa chua
Sau khi ăn sữa chua, 15 học sinh tiểu học ở Quảng Nam xuất hiện các triệu chứng của ngộ độc thực phẩm như đau bụng, nôn ói.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm hội đàm với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim
VOVLIVE - Trưa ngày 21/11, ngay sau Lễ đón trọng thể tại Phủ Thủ tướng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc hội đàm chính thức với Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim.
Mới nhất