PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học (Bộ GD-ĐT), Chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn, Chủ biên sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 - Bộ Cánh Diều đã có cuộc trao đổi với phóng viên VOV liên quan tới việc triển khai chương trình, sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn lớp 6 theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Dạy Ngữ văn theo chương trình mới, không có chuyện giáo viên say sưa, bình tán tác phẩm theo ý của mình.
PV: Thưa PGS.TS Đỗ Ngọc Thống, là chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới môn Ngữ văn đồng thời là tác giả viết sách giáo khoa (SGK) Ngữ văn, vậy, điểm khác biệt lớn nhất giữa SGK Ngữ văn 6 mới với SGK hiện hành là gì?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Điểm khác nhau căn bản nhất giữa chương trình, SGK mới và chương trình, SGK Ngữ văn hiện hành là tập trung vào phát triển năng lực, phẩm chất học sinh. Thực ra “phẩm chất” là sự kế thừa vì từ trước đến nay dạy văn là dạy người, dạy văn góp phần phát triển nhân cách học sinh. Còn mới nhất ở đây là tập trung phát triển năng lực. Năng lực ở môn ngữ văn là gì? Là dạy các em cách đọc, cách viết, cách nghe, nói chứ không chạy theo nội dung, nhồi nhét kiến thức.
Lần đầu tiên chúng ta thực hiện chủ trương Nghị quyết 88 của Quốc hội: Một chương trình nhiều SGK. Do vậy, chương trình được xây dựng theo hướng mở. Phải có chương trình mở thì mới có nhiều SGK. Có nhiều SGK có nghĩa là có nhiều cách tiếp cận chương trình, nhiều cách thể hiện chương trình theo quan niệm, triết lý và tư tưởng sư phạm của mỗi tác giả, mỗi bộ sách.
Tuy nhiên, một nền giáo dục phải có sự thống nhất về chuẩn đầu ra. SGK thể hiện tư tưởng gì? Trình bày theo cách nào? Thiết kế SGK ra sao thì cuối cùng vẫn phải hướng đến mục tiêu mà chương trình đặt ra. Các mục tiêu đó được cụ thể hóa bằng các yêu cầu cần đạt. Nghĩa là cuối cùng học sinh phải viết tốt, nói, nghe rõ ràng, sáng sủa, mạch lạc. Đây là điều quan trọng nhất. Là sự thống nhất trong sự đa dạng.
PV: Dạy học Ngữ văn tập trung phát triển phẩm chất, năng lực học sinh, liệu có mất đi “chất văn” vốn có của môn học này hay không?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Cái gọi là “chất văn” ở đây nghĩa là thế nào? Học văn là giúp học sinh có tâm hồn thoải mái, rộng mở, xúc động, hạnh phúc hay đau khổ… trước một tác phẩm văn học. Giáo viên có thể khơi gợi để giúp học sinh thấy được điều đó. Tôi hiểu “chất văn” là như thế. Nhưng, “chất văn” không có nghĩa là thầy giáo suốt ngày lên bảng bình tán, phân tích bài theo ý mình một cách say sưa và cuối cùng mục đích anh đạt được là gì?
Ở đây, chúng ta phải căn cứ vào mục tiêu dạy học môn Ngữ văn. Đó là tập trung phát triển năng lực để cuối cùng học sinh đọc một văn bản phải hiểu. Thầy giáo “tán” say sưa mà học sinh không hiểu bài, viết một câu văn, đoạn văn vẫn sai cả chính tả, ngữ pháp, diễn đạt lúng túng không ai hiểu mình muốn viết gì, nói gì? Thế thì “chất văn” nhiều để làm gì? Dĩ nhiên, dạy học Ngữ văn ít nhiều cũng phải có “chất văn”– tôi không phủ nhận điều này.
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: "Viết SGK bây giờ khó hơn trước rất nhiều. Áp lực dư luận xã hội, áp lực mạng xã hội rất cao. Trình độ phụ huynh, học sinh, giáo viên cũng ngày càng cao nên họ quan tâm rất nhiều đến chất lượng SGK. Đây là điều rất quý nhưng cũng là áp lực đặt lên vai những người viết sách".
PV: Năm 2020, khi triển khai chương trình, SGK lớp 1, bộ sách tiếng Việt Cánh Diều vấp phải nhiều chỉ trích khi trích dẫn ngữ liệu, sử dụng từ ngữ. Vậy, với SGK Ngữ Văn 6, việc trích dẫn ngữ liệu phải đảm bảo nguyên tắc gì để tránh xảy ra sai sót?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Vì chương trình mở nên ngữ liệu được trích dẫn trong SGK Ngữ văn cũng mở. Mỗi SGK có cách trích dẫn ngữ liệu khác nhau. Vì dụ, cùng dạy truyền thuyết nhưng mỗi sách có thể lựa chọn tác phẩm truyền thuyết khác nhau. Tuy nhiên, phải có những tiêu chí để không lúng túng. Tiêu chí đã được nêu rất rõ trong chương trình. Ngữ liệu phải bảo đảm tính tư tưởng, đạo đức, chức năng giáo dục, ngôn ngữ trong sáng, phù hợp với lứa tuổi và phải là tác phẩm tiêu biểu cho thành tựu Văn học Việt Nam.
Nói thì nhiều thực chất tập trung vào 2 tiêu chí: Văn bản đó phải đảm bảo đặc trưng thể loại và kiểu văn bản để giáo viên dạy học sinh cách đọc. Nếu dạy truyền thuyết mà chọn tác phẩm không tiêu biểu thì giáo viên không dạy được. Thứ hai nội dung phải tiêu biểu cho thành tựu văn học, văn hóa dân tộc. Qua tác phẩm, học sinh được trang bị vốn văn hóa, văn học, thành tựu tiêu biểu của dân tộc trong một thời kỳ lịch sử nào đó.
Trong chương trình quy định rất rõ 3 loại tác phẩm. Loại tác phẩm bắt buộc phải học, tức là bộ sách nào cũng phải đưa vào dạy, ví dụ: Bình Ngô đại cáo, Hịch tướng sĩ, Tuyên ngôn độc lập... Loại thứ hai là tác phẩm/tác giả bắt buộc tự chọn. Ví dụ, bắt buộc chọn dạy tác giả Nam Cao nhưng chọn tác phẩm nào của Nam Cao thì tùy từng tác giả, tùy từng bộ sách. Loại thứ 3 là tự chọn. Chương trình chỉ đưa ra gợi ý còn không bắt buộc tác giả viết sách phải chọn.
PV: Với sự thay đổi căn bản trong chương trình, SGK mới đòi hỏi sự thay đổi trong phương pháp giảng dạy môn Ngữ văn như thế nào, thưa PGS?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Thay đổi căn bản nhất trong phương pháp là từ chỗ các thầy, các cô say sưa lên lớp giảng những điều mà thầy cô hiểu về tác phẩm ấy cho học sinh nghe, phân tích cái hay cái đẹp của tác phẩm nhưng theo cách hiểu của thầy. Còn giờ đây khi chuyển sang phát triển năng lực, giáo viên lên lớp chủ yếu là tổ chức các hoạt động, tạo ra các tình huống, nêu lên những câu hỏi, vấn đề, bài tập để cho học sinh làm việc, tự tìm ra cái hay, cái đẹp theo nhận thức, tình cảm của chính các em.
Nói như vậy không có nghĩa là thủ tiêu vai trò của người thầy. Mà riêng việc nghĩ ra hệ thống hoạt động dẫn dắt học sinh đã là rất khó cho giáo viên. Ngoài ra thầy còn có quyền nêu lên ý kiến, bình giá của mình, cảm nhận của mình để nâng cao trình độ tiếp nhận, tạo ra được “chất văn” trong mỗi bài học.
Viết sách giáo khoa bây giờ khó hơn trước rất nhiều.
PV: Vậy, cách kiểm tra, đánh giá môn Ngữ văn sẽ có sự khác biệt thế nào so với cách kiểm tra, đánh giá mà các nhà trường đang thực hiện?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Kiểm tra, đánh giá là khâu cuối cùng của quá trình dạy học. Chúng ta đã thay đổi mục tiêu, nội dung, phương pháp thì tất yếu phải thay đổi cách đánh giá. Vậy, giờ có nhiều bộ sách thì phải đánh giá kết quả học tập môn ngữ văn như thế nào? Thay đổi lớn nhất trong đánh giá môn Ngữ Văn là giáo viên phải căn cứ vào yêu cầu cần đạt của chương trình. Không căn cứ vào SGK cụ thể nào.
Ví dụ, kiểm tra đọc hiểu một bài thơ lục bát. Trong chương trình đặt ra yêu cầu học sinh nắm được đặc điểm, cách đọc bài thơ lục bát. Như vậy, không thể căn cứ vào bài lục bát của sách A, sách B được mà người ra đề phải chọn một bài thơ lục bát không nằm trong bộ sách nào cả. Như vậy sẽ đo được khả năng vận dụng, cách đọc thơ lục bát của học sinh trong một ngữ liệu mới. Mới ở đây không có nghĩa là khó, đánh đố học sinh mà là tương đương thể loại, tương đương độ khó trong ngữ liệu SGK.
PV: Tham gia viết SGK trong bối cảnh trước đó SGK tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều gặp không ít lùm xùm, cá nhân ông có cảm thấy áp lực?
PGS.TS Đỗ Ngọc Thống: Không có vụ lùm xùm SGK tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều thì người viết SGK vẫn áp lực. Nhưng riêng chuyện vừa viết chương trình vừa viết SGK có áp lực hay không thì tôi khẳng định là không. Ở đây, không phải là mâu thuẫn, không phải “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Những người viết chương trình sẽ là những người hiểu chương trình nhất. Khi viết SGK họ sẽ thể hiện chương trình một cách đúng nhất, có lợi cho giáo viên và học sinh nhất. Do vậy không có áp lực gì.
Nhưng áp lực đối với người viết SGK ở đây là gì? Đó là áp lực lần đầu tiên chúng ta đổi mới chương trình, SGK một cách toàn diện nhất. 30 năm nay tôi đã viết chương trình, viết SGK. Tôi cũng trải qua 3 lần thay đổi chương trình, SGK thì đây là lần thay đổi lớn nhất. Trước sự thay đổi như vậy, lực lượng, kinh nghiệm chúng ta còn đang mỏng. Do vậy, ai cũng vậy thôi, đứng trước nhiệm vụ khó thì đều áp lực.
Thứ hai, tính chất viết SGK rất khác. Tôi viết từ giáo trình Đại học đến SGK lớp 6. Nếu giáo trình Đại học may lắm có vài trăm, vài nghìn sinh viên chuyên ngành đó đọc. Còn một cuốn SGK in ra có đến cả triệu ánh mắt đổ vào. Hàng triệu học sinh, hàng triệu phụ huynh, bạn đọc nhìn vào. Vì SGK liên quan đến mọi nhà, mọi người nên SGK được soi rất kỹ. Những lỗi có trong SGK nếu soi ở những ấn phẩm khác thì rất nhiều. Nhưng SGK thì không được phép sai sót. Cho nên, chính yêu cầu, đặc thù viết SGK tạo ra một áp lực rất lớn
Và đặc biệt là áp lực dư luận xã hội, áp lực mạng xã hội ngày càng cao. Trình độ phụ huynh, học sinh, giáo viên cũng ngày càng phát triển nên họ quan tâm rất nhiều đến chất lượng SGK. Đây là điều rất quý nhưng cũng là áp lực đặt lên vai những người viết sách.
Tôi khẳng định, viết SGK bây giờ khó hơn trước rất nhiều.
PV: Xin cảm ơn ông!./.