Sáng 18/10, Ban Nội chính Trung ương tổ chức Hội thảo góp ý với Báo cáo chuyên đề “Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực qua 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới”.
Hội thảo nhằm lắng nghe ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, lãnh đạo các cấp, các ngành ở Trung ương và địa phương có nhiều kiến thức, kinh nghiệm về công tác Phòng chống tham nhũng tiêu cực (PCTNTC) để làm rõ, sâu sắc hơn những vấn đề lý luận và thực tiễn về công tác PCTNTC qua 40 năm đổi mới.
Từ đó kiến nghị, đề xuất quan điểm, nhiệm vụ, giải pháp, vừa có tính chiến lược, lâu dài, vừa trọng tâm, trước mắt nhằm tiếp tục tạo bước chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong thời gian tới. Đây cũng là một trong những chuyên đề phục vụ cho việc chuẩn bị văn kiện Đại hội XIV của Đảng.
Phát biểu khai mạc và định hướng nội dung thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc - Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC đề nghị các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học dự hội thảo trao đổi, luận giải rõ, sâu sắc, khoa học những vấn đề lý luận về công tác PCTNTC của Đảng qua 40 năm đổi mới, nhất là làm rõ những bước tiến mới, sáng tạo về nhận thức, tư duy lý luận của Đảng đối với công tác này; Những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện lý luận về công tác PCTN của Đảng.
Nhấn mạnh các đại biểu cần tập trung làm rõ những vấn đề đặt ra đối với công tác PCTNTC hiện nay; những vấn đề đặt ra qua xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực phức tạp, nghiêm trọng vừa qua, ông Phan Đình Trạc cũng đặc biệt đề nghị các nhà khoa học, chuyên gia nêu quan điểm cho vấn đề vì sao vừa qua chống tham nhũng quyết liệt, xử lý nghiêm nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm, cả cán bộ cấp cao, cả đương chức và nghỉ hưu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ nhưng vẫn xảy ra nhiều vụ án tham nhũng, tiêu cực lớn, gây bức xúc trong dư luận? Tình trạng một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy, sợ sai không dám làm? Về mô hình cơ quan, đơn vị chuyên trách chống tham nhũng? Về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc? Về kiểm soát tài sản toàn xã hội…
Ông Phan Đình Trạc cũng lưu ý các chuyên gia, nhà khoa học dành thời gian tập trung thảo luận, nêu quan điểm về các giải pháp, nhiệm vụ hình thành cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để không thể tham nhũng, tiêu cực; phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi tham nhũng, tiêu cực để không dám tham nhũng, tiêu cực.
Cùng với đó xây dựng văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trở thành nếp sống văn hóa của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, và trong các tầng lớp nhân dân để không muốn tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trung thực, công tâm, liêm khiết, tận tụy, chuyên nghiệp, được trả lương và đãi ngộ phù hợp với cống hiến, tài năng để không cần tham nhũng, tiêu cực…
Tại nhiệm kỳ Đại hội XII: Xử lý kỷ luật 113 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó 27 cán bộ là Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 cán bộ là Ủy viên, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị.
Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay: Xử lý kỷ luật 95 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 19 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang.