Những dấu chân lịch sử trên đèo Pha Đin

Lê Hạnh/VOV Tây Bắc | 14/04/2024, 15:38

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đèo Pha Đin huyền thoại đã in dấu chân của hàng vạn cán bộ, chiến sĩ, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong trên hành trình tiếp vận vũ khí, lương thực, thực phẩm cho bộ đội ta nơi tiền tuyến. 70 năm sau giải phóng, những câu chuyện về một thời hoa lửa vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim những người lính, người dân ở dưới chân con đèo này.

Một thời san lấp hố bom, nuốt thư liên lạc

"Trung đoàn trưởng báo tin là giờ chúng ta giải phóng được Điện Biên rồi, De Castries hàng rồi, thế là chúng tôi hô hào, vỗ tay, vui lắm, trào nước mắt…" - Giọt nước mắt lăn dài trên má, một lần nữa đưa ông Quàng Văn Khỏ, xã Mường É, huyện Thuận Châu, Sơn La trở lại khoảnh khắc của ngày giải phóng và những năm tháng được góp sức mình làm nên chiến thắng "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu".

Ở tuổi 95, sức khỏe đã giảm sút, nhưng ông Khỏ vẫn nhớ từng vị trí của đồn địch, những cung đường chi chít hố bom mà ông từng san lấp trên đèo Pha Đin - tuyến đường huyết mạch, nối hậu phương rộng lớn tới chiến trường Điện Biên Phủ...

Ông Quàng Văn Khỏ kể lại: "Tôi đi san lấp hố bom giúp bộ đội từ 5 - 6h chiều, rồi cùng bà con vào rừng chặt cây cối, người khiêng đất, người khiêng đá, người khiêng cây. Phải đi ban đêm vì ban ngày máy bay nó oanh tạc bắn phá, nó bắn ngay. Mình phải ẩn nấp, máy bay đi xong mới tranh thủ làm. Làm ban đêm vất vả khổ sở lắm, ngủ không được ngủ, cơm thì đói, san lấp xong quay về nhà 5 giờ sáng, ăn cơm sắn thôi..."

Đèo Pha Đin nằm giữa 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên - nơi cửa ngõ của chiến dịch Điện Biên phủ, nên quân Pháp luôn tìm cách để cắt đứt việc tiếp lương, tải đạn của quân và dân ta ra mặt trận. Chúng cho máy bay tuần tiễu khu vực đèo hàng chục lần mỗi ngày, thả hàng trăm quả bom phá, nổ chậm, bom bi... xuống đèo, nên nơi này được ví như "túi bom".

Với ông Lường Văn Hợp ở xã Mường É, huyện Thuận Châu, Sơn La, những chuyến băng rừng, vượt suối tránh mưa bom, bão đạn và cả khoảnh khắc kiên cường đối diện với kẻ địch để hoàn thành nhiệm vụ liên lạc vẫn hằn sâu trong ký ức: "Nếu trên đường gặp địch, tôi phải nhai, phải nuốt tài liệu vào bụng ngay, không để chúng bắt được tài liệu trên tay, vì nếu để chúng biết chúng giết mình ngay."

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, đã có hàng ngàn bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến... anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần thân thể của mình tại con đèo Pha Đin huyền thoại này; để đảm bảo thông xe, thông tuyến, phục vụ kịp thời chuyển quân, chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm ra tiền tuyến.

Theo ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Mường É, huyện Thuận Châu (Sơn La) - xã giáp với đỉnh đèo Pha Đin và giáp ranh với huyện Tuần Giáo (Điện Biên), trong giai đoạn chiến dịch Điện Biên phủ, địa phương có 8 người là bộ đội, 20 người là thanh niên xung phong, hàng trăm người làm dân công hỏa tuyến, cùng những đóng góp không nhỏ về sức người, sức của: "Truyền thống ấy trở thành giá trị lớn tạo ra động lực để thế hệ trẻ noi theo cha ông về tinh thần cách mạng của dân tộc; có được cuộc sống hòa bình hôm nay là công lao của thời xưa. Đến nay chỉ còn 3 cụ còn sống, hằng năm chúng tôi làm tốt chính sách hậu phương quân đội, tình nghĩa, thăm hỏi, động viên; trong các cuộc sinh hoạt, nói chuyện đều ôn lại kỷ niệm thời kháng chiến, để con cháu biết được giá trị lịch sử của Đèo Pha Đin nói riêng, chiến thắng Điện Biên phủ nói chung."

Ngày mới trên Đèo Pha Đin

Là chứng nhân lịch sử của tinh thần, ý chí của bộ đội công binh, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong, năm 2020, Đèo Pha Đin được Bộ Văn hoá, thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia. Tuyến đường đèo dốc chênh vênh, viết nên những trang sử hào hùng của dân tộc, nay tiếp tục là con đường huyết mạch giúp tỉnh Điện Biên nối liền giao thương với Sơn La và các tỉnh miền xuôi.

Đèo Pha Đin còn được mệnh danh là một trong tứ đại đỉnh đèo của vùng Tây Bắc, được thiên nhiên ưu ái với khí hậu trong lành, khung cảnh hùng vĩ, nên thơ. Cách nhau chừng 3 km, khu du lịch "Pha Đin Pass" thuộc sở hữu của người dân tỉnh Điện Biên và khu du lịch "Pha Đin Top" do người dân huyện Thuận Châu (Sơn La) xây dựng đã trở thành những điểm đến hấp dẫn trong vòng cung du lịch Tây Bắc.

Du khách Trần Ngọc Quân, đến từ thành phố Hà Nội chia sẻ: "Hôm nay tôi tình cờ ghé qua đèo Pha Đin và được tận hưởng cảnh sắc cũng như là không khí cực kỳ tuyệt vời. Được tận hưởng chuyến đi này, tôi cảm thấy rất là vui. Tôi sẽ về giới thiệu cho bạn bè người thân cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, tuyệt đẹp của đỉnh đèo Pha Đin."

Những ngày này, trên đỉnh đèo Pha Đin thuộc địa bàn huyện Thuận Châu (Sơn La), công trình Đền thờ Liệt sỹ tại Khu di tích lịch sử - văn hoá đèo Pha Đin đang dần hoàn thiện, phấn đấu đưa vào hoạt động trước ngày 30/4.

Công trình có tổng diện tích 15.300 m2; quy mô đầu tư xây dựng gồm các hạng mục: Đền thờ Liệt sỹ, kỳ đài, am hóa sớ và các hạng mục phụ trợ khác. Nguồn vốn thực hiện từ nguồn huy động xã hội hoá, dự kiến khoảng 20 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Đắc Lực, Bí thư Huyện ủy Thuận Châu, Sơn La, việc triển khai xây dựng và phát động xã hội hóa xây dựng Đền thờ Liệt sỹ trên đèo Pha Đin được tỉnh Sơn La nói chung và huyện Thuận Châu nói riêng đặc biệt quan tâm, để tỏ lòng tưởng nhớ công ơn to lớn của các anh hùng, liệt sỹ đã hi sinh tại đèo Pha Đin, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.

Ông Nguyễn Đắc Lực chia sẻ: "Công trình có ý nghĩa tôn vinh giá trị lịch sử đặc biệt của di tích đèo Pha Đin, Sau khi hoàn thành công trình, chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là điểm nhấn quan trọng của khu di tích đèo Pha Đin, là điểm đến linh thiêng của người dân cũng như du khách thập phương, góp phần thúc đẩy du lịch Sơn La phát triển; qua đó tạo đột phá trong phát triển kinh tế xã hội của huyện nhà."

Chiến tranh đã lùi vào quá khứ, nhưng đèo Pha Đin vẫn mãi là chứng nhân lịch sử của tinh thần quyết chiến, quyết thắng, làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, đồng bào các dân tộc Sơn La nói riêng và Tây Bắc nói chung đã và đang viết tiếp những bản hùng ca của thời bình.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng yêu cầu đẩy nhanh tiến độ Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông
Chiều 29/4, tiếp tục chương trình công tác, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo các Bộ ngành, địa phương nơi có dự án đi qua đã đi kiểm tra các dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông  giai đoạn 2021 - 2025.
  • Những điểm lý tưởng ngắm pháo hoa tối 30/4 ở TP.HCM
    Công viên bờ sông Sài Gòn, Bến Bạch Đằng, các quán cà phê ở tòa nhà cao nhất Việt Nam là địa điểm lý tưởng “bắt trọn” khoảnh khắc pháo hoa rực sáng tối 30/4.
  • Lượng khách đi máy bay qua Nội Bài và Tân Sơn Nhất bất ngờ giảm mạnh
    Thống kê của ngành hàng không cho thấy, sau 2 ngày đầu của kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, lượng hành khách đi, đến Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất đã giảm tương đối nhiều, nhất là lượng khách đi các tuyến nội địa.
  • Thiêng liêng hành trình ra Trường Sa ngày Giải phóng
    Chào mừng 49 năm ngày Giải phóng hoàn toàn Trường Sa (29/4/1975 – 29/4/2024), sáng nay, đoàn công tác số 14 trên tàu Kiểm Ngư 491/CĐKN 4 - Vùng 4 Hải Quân do Đại tá Cao Văn Sơn, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải Quân làm trưởng đoàn đã khởi hành đi thăm động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, nhà giàn DK-1.
Mới nhất