Nhiều điểm nghẽn trong xử lý rác thải ở TP.HCM

Tỷ Huỳnh/VOV-TP.HCM | 03/07/2022, 16:39

Lượng rác thải phát sinh ngày càng nhiều, thiếu nhân lực thu gom, xử lý, đơn giá dịch vụ thu gom rác giữa các địa phương thiếu đồng bộ, người dân đổ trộm rác thải cồng kềnh ra nơi công cộng vẫn còn phổ biến,…

Đây là những ý kiến, kiến nghị của cử tri và doanh nghiệp, hợp tác xã vệ sinh môi trường trên địa bàn TP.HCM trong chương trình “Dân hỏi - Chính quyền trả lời”, do HĐND TP phối hợp với Đài Truyền hình TP.HCM thực hiện, sáng nay (3/7).

Tại chương trình, các cử tri, đại diện các doanh nghiệp, HTX vệ sinh môi trường, cùng đại diện các sở, ngành của TP.HCM và nhà khoa học đã tập trung trao đổi về giá thu gom, vận chuyển rác thải, chính sách hỗ trợ chuyển đổi mô hình hoạt động, phương tiện và công nghệ thu gom, xử lý rác.

Theo các ý kiến, bên cạnh mặt tích cực như tỷ lệ lực lượng thu gom rác dân lập tham gia hợp tác xã hoặc doanh nghiệp tăng cao; nhiều phương tiện thu gom, vận chuyển rác đạt chuẩn được bổ sung… công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn TP.HCM vẫn còn tồn tại nhiều vướng mắc, đòi hỏi các cấp lãnh đạo thành phố có những biện pháp tháo gỡ.

Đại diện một số doanh nghiệp, HTX vệ sinh môi trường cho biết họ đang gặp nhiều khó khăn về công tác quản lý và thiếu nguồn nhân lực lái xe, thu gom rác. Ông Nguyễn Thành Trung, Phó Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ môi trường sạch và xanh toàn cầu (TP.Thủ Đức) cho biết từ sau dịch COVID-19, công ty không tuyển được nhân sự.

“Khi chuyển đổi phương tiện, ngoài khó khăn về giá công tác tuyển tài xế và công nhân thu gom rác cũng rất khó khăn. Bởi hầu hết người lao động trong lĩnh vực này không biết chữ nên việc đi học bằng lái xe cũng là thách thức. Giống như đơn vị chúng tôi có 15 xe mà chỉ có 5 tài xế thôi, tuyển từ đầu năm đến giờ vẫn không được”.

Việc thay thế, chuyển đổi từ phương thức thu gom rác thủ công bằng xe ba gác, xe lôi như trước đây sang thu gom bằng phương tiện cơ giới đạt chuẩn cũng khiến công tác thu gom rác gặp nhiều bất cập. Ông Thái Văn Điện, Giám đốc Công ty TNHH TM và DV Bảo vệ môi trường Trương Trung Tín cho biết, phương tiện “chuẩn” không thể vào sâu bên trong các con hẻm, đồng thời người công nhân thu gom rác cũng mất đi một khoản thu nhập từ việc thu lượm phế liệu trong quá trình thu gom rác.

Từ đó, ông Thái Văn Điện kiến nghị: “Phần lớn các xã viên của chúng tôi chủ yếu họ lượm ve chai để sống và trang trải cho gia đình. Bây giờ chuyển đổi sang xe ô tô chở rác khiến họ mất một nguồn thu, không đảm bảo cuộc sống của gia đình. Tôi xin đề nghị UBND TP.HCM có chính sách hỗ trợ nào để anh em chúng tôi được làm bằng xe lôi hoặc phương tiện nhỏ tương tự để vào sâu các hẻm. Bởi các phương tiện này chi phí thấp, hiệu quả sẽ cao hơn”.

Ngoài ra, người dân cũng kiến nghị TP.HCM cần sớm có quy định, cơ chế để chấm dứt tình trạng đổ trộm rác thải cồng kềnh như: bàn, ghế, tủ, nệm,… Các nhà khoa học thì đặt câu hỏi, khi nào TP chấm dứt biện pháp xử lý rác thải theo phương thức chôn lấp lạc hậu; một số doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ các thủ tục pháp lý để xây dựng nhà máy xử lý rác tích hợp tái chế và đốt rác phát điện.

Tại chương trình, các câu hỏi, ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, hợp tác xã đã được đại diện các sở, ngành của TP.HCM tiếp thu và trả lời, giải đáp trực tiếp. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết TP.HCM cũng đang hướng đến công nghệ xử lý vì môi trường và không ràng buộc theo một công nghệ nào nhất định. Mục tiêu đến năm 2025, 80% lượng rác thải của TP sẽ được chuyển đổi xử lý bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết thêm: “Đến thời điểm này TP đã nhận được đề xuất của 6 dự án. Dự kiến đến năm 2025, lượng rác thải phát sinh của TP mỗi ngày là 12.500 tấn, mà 80% lượng rác này xử lý bằng phương pháp đốt và tái chế tương ứng là 9.600 tấn rác. Trong khi đó, 6 đơn vị đề xuất với khối lượng khoảng 10.500 tấn”./.

Bài liên quan
Hình thành thói quen phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn cho người dân
Theo các chuyên gia, việc thay đổi thói quen, nâng cao ý thức của người dân là yếu tố quyết định đến việc phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
"Việt Nam là địa điểm vô cùng quan trọng để doanh nghiệp đặt trung tâm sản xuất"
Đồng Chủ tịch Ủy ban kinh tế Nhật - Việt và các thành viên, doanh nghiệp chia sẻ điều này khi gặp Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.
Mới nhất