Nhiều địa phương còn lúng túng trong xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại

Văn Ngân/VOV.VN | 05/07/2025, 14:32

VOVLIVE - Thời gian qua nhiều địa phương tập trung vào công tác sáp nhập tỉnh, thay đổi từ chính quyền 3 cấp thành 2 cấp nên chưa tập trung nguồn lực thực hiện việc phân loại rác tại nguồn.

Tại hội thảo "Triển khai công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt và thực hiện trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, nhập khẩu - EPR”, ông Nguyễn Hữu Tiến, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco) nêu ra vấn đề "tại sao chính sách phân loại rác chưa đi vào cuộc sống, có phải người dân không phân loại rác hay chính quyền chưa quan tâm hay kỹ thuật phân loại khó khăn. Chính sách phân loại rác tại nguồn đã ban hành 3 năm, thời hạn phân loại rác tại nguồn cũng qua 6 tháng. Khi thực hiện chính quyền hai cấp việc quản lý rác thải sẽ đưa về cấp nào vì hiện có nơi đưa về tỉnh, có nơi lại đưa về cấp xã. Cần có thống nhất đưa về cấp tỉnh quản lý để tránh manh mún. Vì mỗi tỉnh có trên dưới 100 xã thì làm sao cung cấp dịch vụ cho từng xã được, riêng thủ tục phải làm 100 hợp đồng với 100 xã, thu gom liên xã như thế nào cũng không hiệu quả".

Liên quan đến thực trạng, bà Dương Thị Thanh Xuyến, Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải (Cục Môi trường) cho biết, trước khi Luật Bảo vệ Môi trường có hiệu lực, một số địa phương cũng đã thí điểm phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, do chưa có sự đồng bộ về hạ tầng thu gom, vận chuyển, việc phân loại rác mới thực hiện ở hộ gia đình, dẫn đến các mô hình phân loại rác không bền vững. Sau khi Luật có hiệu lực với các quy định mang tính bắt buộc, các địa phương đã bắt đầu triển khai thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên việc này có rất nhiều khó khăn, thách thức.

Theo bà Dương Thị Thanh Xuyến, tính đến trước ngày sáp nhập các tỉnh/thành phố, chỉ có 34/63 địa phương thực hiện phân loại, chủ yếu ở quy mô nhỏ, mang tính thí điểm, chưa được nhân rộng. Chỉ có 5 tỉnh, thành ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 4 tỉnh thành ban hành định mức kinh tế kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt. 

Theo Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải, vấn đề cốt lõi là điều kiện hạ tầng kỹ thuật chưa đảm bảo đồng bộ từ phân loại, thu gom và xử lý. Mỗi loại chất thải có một phương pháp xử lý khác nhau theo thứ tự ưu tiên, nếu không có hạ tầng thì không thể phân loại được. Nếu không đồng bộ hạ tầng, chúng ta chỉ phân loại được rác tái chế. Một nguyên nhân khác là do các địa phương chưa ban hành định mức kinh tế, kỹ thuật và đơn giá thu gom, vận chuyển, xử lý. Nguyên nhân của vấn đề này, theo đại diện Cục Môi trường, là do thời gian qua, các địa phương tập trung vào sáp nhập tỉnh, thành phố và thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp. Do vậy, có tâm lý chờ sáp nhập xong mới ban hành vì nếu ban hành trước thì sau sáp nhập cũng sẽ phải điều chỉnh vì không thể để tình trạng một tỉnh có 2-3 đơn giá khác nhau.

Cùng quan điểm trên, ông Hồ Kiên Trung, Cục phó Cục Môi trường bày tỏ lo lắng việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt trong bối cảnh sáp nhập, chuyển đổi chính quyền hai cấp. Thời gian tới, cơ quan môi trường trung ương sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến cũng như những vấn đề phát sinh từ công tác quản lý địa phương để có phương án tháo gỡ.

"Chúng ta đang trong quá trình vận hành bộ máy mới sau sáp nhập các tỉnh, thành phố và vận hành theo mô hình chính quyền 2 cấp ở địa phương. Vì vậy, nhiều nội dung quản lý môi trường cũng sẽ bị tác động và ảnh hưởng, nhưng cần phải sớm có giải pháp giải quyết nhanh chóng.  Một trong những nội dung cần phải quan tâm, thúc đẩy và liên tục thực hiện để không xảy ra tình trạng ùn ứ chất thải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống người dân đó là công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt tại các tỉnh thành", ông Hồ Kiên Trung khẳng định.

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các địa phương phải triển khai phân loại rác tại nguồn, chậm nhất là 31/12/2024. Mỗi ngày cả nước phát sinh hơn 6.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại 1.548 cơ sở. Trong đó, phương pháp chôn lấp vẫn chiếm chủ yếu với 1.178 cơ sở, hơn 687 cơ sở không hợp vệ sinh, 330 cơ sở đốt không phát điện, 30 cơ sở sản xuất phân Compost.

Theo ông Hồ Kiên Trung, để phân loại rác tại nguồn thành công, biến chất thải thành tài nguyên thì điều kiện tiên quyết phải suy nghĩ đến đầu ra cho chất thải sau khi được phân loại. Chính vì vậy, cần sớm có cơ chế khuyến khích, ưu đãi để hình thành các doanh nghiệp tái chế ngay chính tại địa phương mình, cần sớm hình thành ngành công nghiệp tái chế. Những địa phương, cơ quan có những mô hình hay, kinh nghiệm tốt trong công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt sẽ chia sẻ, góp ý để từ đó nhân rộng, áp dụng cho các tỉnh, thành phố có tính chất tương đồng.

Bài liên quan
Giải pháp nào giúp phân loại rác tại nguồn hiệu quả trên cả nước?
VOVLIVE - Cần có cơ chế, sự đồng bộ, vận hành nhịp nhàng từ khâu rác thải phát sinh rồi thu gom, vận chuyển, chung chuyển xử lý tái chế tới chôn lấp và tiêu hủy.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Kết luận của Bộ Chính trị về tổ chức chính quyền 2 cấp
Tại phiên họp ngày 4/7, sau khi nghe báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương về tình hình, tiến độ thực hiện các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị về sắp xếp tổ chức bộ máy và đơn vị hành chính từ ngày 28/6 đến 3/7/2025 (Báo cáo số 418-BC/BTCTW, ngày 2/7/2025), Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết luận như sau:
Mới nhất