Nhiều ĐBQH đề nghị tử hình những kẻ sản xuất, buôn bán thuốc giả

Hà Cường | 27/05/2025, 16:30

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, hành vi sản xuất, buôn bán thuốc giả "không khác gì giết người" nên phải nghiêm trị, giữ nguyên án tử.

Ý kiến trên được đại biểu Vũ Huy Khánh (Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại) nêu tại buổi thảo luận hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự diễn ra hôm nay (27/5).

Theo đó, ông Khánh ủng hộ bỏ hình phạt tử hình với một số tội danh và thay thế bằng hình phạt chung thân không giảm án, bởi việc áp dụng hình phạt này không tước đi quyền được sống của người phạm tội. Ông cũng đề nghị, điều chỉnh chính sách hình sự theo hướng tăng nặng với một số tội phạm về môi trường; sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh...

Cùng đó, tăng mức hình phạt tù khởi điểm; tăng hình phạt tiền và chủ yếu là tăng gấp đôi; hạ định lượng trong cấu thành tội phạm ở một số tội, trong đó đặc biệt là tội gây ô nhiễm môi trường để kịp thời sử dụng công cụ pháp lý hình sự để xử lý những hành vi gây ô nhiễm môi trường gây bức xúc...

Đại biểu Vũ Huy Khánh phát biểu tại hội trường.
Đại biểu Vũ Huy Khánh phát biểu tại hội trường.

Đại biểu Nguyễn Thanh Sang (TP.HCM) đề nghị nghiêm trị hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh. "Dù từ trước đến nay chưa có hình phạt tử hình nào với tội danh này, nhưng trong tình hình hiện nay hết sức phức tạp, nền kinh tế thị trường lợi nhuận chi phối nên các đối tượng sản xuất, buôn bán thuốc giả là thuốc chữa bệnh, phòng bệnh diễn biến hết sức phức tạp", ông Sang nói.

Đại biểu dẫn chứng, nếu nói tội giết người bằng một nhát dao là côn đồ, mất hết nhân tính, thì tội sản xuất thuốc chữa bệnh, phòng bệnh cũng mất nhân tính không kém, bởi đó là hành vi táng tận lương tâm, biết rồi mà vẫn làm, gây ra hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng của người dân.

Do vậy, không nên nhân đạo với những trường hợp này, bởi họ gây ra ảnh hưởng quá lớn. Bây giờ chúng ta đấu tranh với sản xuất hàng gian, hàng giả thì đối với tội này phải nghiêm trị để giữ kỷ cương phép nước.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành (Đoàn Thái Nguyên) đồng ý tăng hình thức xử phạt, kể cả về mặt hành chính, về hình sự với những vấn đề ma túy, an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là sức khỏe. Một số vấn đề liên quan đến thực phẩm đặc biệt là vấn đề sữa giả, thuốc chữa bệnh giả, thực phẩm chức năng giả cũng cần phải được bổ sung cụ thể hóa và tăng hình phạt.

Các đại biểu thảo luận tại hội trường.
Các đại biểu thảo luận tại hội trường.

Ông nhắc việc, vừa qua Bộ Công an triệt phá vụ 100 tấn thực phẩm chức năng giả với lợi nhuận thu được rất lớn, từ đại lý cấp 1 giá 177.000 đồng, bán ra cho nhà thuốc là 777.000 đồng và đến tay người tiêu dùng là gần 2 triệu đồng. Với sự phù phép thu lợi nhuận rất lớn như vậy, ông Thành đề nghị tăng nặng hình phạt với tội này.

Hơn nữa, đại biểu đề nghị nâng trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đặc biệt ngay cả trách nhiệm của các bệnh viện khi để thực phẩm chức năng giả, các loại thuốc chữa bệnh giả lọt vào bên. "Phải tăng cường trách nhiệm trong xử phạt cả hành chính và hình sự với các đối tượng, các cán bộ quản lý có liên quan", Đại biểu tỉnh Thái Nguyên nói.

Cùng quan điểm, đại biểu Lê Tất Hiếu (Vĩnh Phúc) ủng hộ quan điểm bỏ tử hình với một số tội, nhưng phải duy trì án tử hình với tội sản xuất, buôn bán hàng giả, thuốc chữa bệnh và phòng bệnh nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của cộng đồng, của toàn xã hội.

Phát biểu giải trình, Phó Thủ tướng Nguyễn Thành Long cho biết, trong quá trình đề xuất các nội dung cơ quan soạn thảo dự luật đã cân nhắc tương đối kỹ nhiều mặt, trong đó có yêu cầu giảm án tử hình, tăng hình phạt tiền và thực tiễn phòng, chống tội phạm của cơ quan tố tụng.

Ví dụ đề xuất bỏ án tử hình trong 8 trong tội danh. Năm 2024, có 142/193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc bỏ án tử hình trong quy định hoặc trên thực tế (có nghĩa là có quy định nhưng không áp dụng trên thực tế).

Việc đề xuất bỏ 8 tội danh là bước tiến rất dài trong quan điểm của chúng ta về chính sách hình sự đối với một số tội. Nếu như năm 1985, Bộ luật Hình sự đầu tiên của chúng ta có 44 tội danh tử hình, năm 1999 còn 29, năm 2017 còn 18. Kỳ này nếu Quốc hội cho phép trừ đi 8 sẽ còn 10.

"Đây là bước tiến rất dài trong thay đổi chính sách của chúng ta về chính sách hình sự, đặc biệt đối với hình phạt nghiêm trọng nhất đó là tước bỏ quyền sống của con người", Phó Thủ tướng nói thêm.

Hà Cường
Bài liên quan
Bộ Y tế thông tin về sản phẩm thuốc giả đã bị cơ quan công an bắt giữ
Theo ông Tạ Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), hàng nghìn loại thuốc giả đã bị cơ quan công an bắt giữ chưa xâm nhập vào bệnh viện.

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư Tô Lâm: Phải quán triệt, xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm"
VOVLIVE - Chiều nay (28/5), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có buổi làm việc với Ban Chính sách, chiến lược Trung ương về cơ chế, chính sách quản lý hiệu quả thị trường vàng trong thời gian tới.
Mới nhất