Nhiều cơ hội điều trị khỏi cho bệnh nhi ung thư máu

Ánh Tuyết/VOV2 | 06/08/2024, 20:21

Hiện nay các phương pháp điều trị ung thư máu cho trẻ em bao gồm: truyền hóa chất, xạ trị, ghép tế bào gốc, điều trị nhắm đích, liệu pháp tế bào CAR-T. Khả năng điều trị lui bệnh ngày càng được cải thiện.

Sự hồi sinh kỳ diệu của các bệnh nhi ung thư máu

Từ khi mới sinh ra đến khi được 3 tuổi, bé Phạm Nhật Vượng ở Hà Tĩnh khỏe mạnh, bình thường. Cách đây 2 năm, đột nhiên gia đình thấy con hay kêu mỏi chân, da xanh xao, thường xuyên sốt nhẹ. Bố mẹ bé đưa con đến bệnh viện gần nhà thì được chẩn đoán bị thiếu máu. Bé được chuyển lên bệnh viện tỉnh rồi ra Viện Huyết học Truyền máu trung ương để kiểm tra kỹ hơn.

“Khi nhận được kết quả chẩn đoán con bị ung thư máu em vô cùng tuyệt vọng. Cả tuần liền chỉ khóc, có lúc nghĩ quẩn, em định ôm con nhảy lầu tự tử” - Chị Trương Thiên Lý mẹ của bé Nhật Vượng kể lại.

Tuy nhiên, được gia đình động viên an ủi, được các bác sĩ tư vấn kỹ về các biện pháp điều trị cho con và chứng kiến những bệnh nhi mắc bệnh tương tự đã phục hồi, chị Lý dần lấy lại tinh thần, xác định cùng con chiến đấu với căn bệnh ác tính.

Những đợt truyền hóa chất đầu tiên, con không ăn uống được, bị nôn, giảm tiểu cầu, đau đớn. Có những đêm chị bế con đi vòng quanh hành lang bệnh viện, hai mẹ con đều mệt mỏi rã rời. Đến đợt truyền thứ ba, bé Vượng bắt đầu đáp ứng với hóa chất, ăn được, chơi ngoan, sức khỏe cải thiện hơn. Chứng kiến con dần phục hồi sau 5 đợt hóa trị, người mẹ trẻ có thêm niềm tin và hy vọng. Không thể tả nổi niềm sung sướng của chị và gia đình khi được bác sĩ thông báo kết quả xét nghiệm của con không còn tế bào ác tính trong máu.

Hiện nay, bé Nhật Vượng đã kết thúc điều trị nội trú, chỉ cần điều trị duy trì. Bé vẫn tiếp tục đi học mầm non, ăn ngủ tốt, vui đùa chạy nhảy như những trẻ bình thường khác.

Hoang mang, lo sợ cũng là tâm trạng của chị Mai Thị Gái ở Thanh Hóa khi cầm trên tay tờ kết quả xét nghiệm chẩn đoán con gái chị bé Ngọc Ánh mắc bệnh ung thư máu. Trong quá trình hóa trị, cơ thể bé phản ứng mạnh với hóa chất, xảy ra rất nhiều biến chứng, thậm chí có lần bé còn bị liệt tạm thời, không đi lại được. Gần một năm nằm viện liên miên, gần như không có khoảng nghỉ giữa các đợt truyền hóa chất, có những lúc, chị Gái tưởng như không thể níu giữ được sự sống cho con.

Tuy nhiên, với kinh nghiệm điều trị dày dặn, các bác sĩ đã tìm mọi cách để áp dụng biện pháp tốt nhất, giành giật sự sống cho bé. Vượt qua 5 đợt truyền hóa chất, bé Ánh đã phục hồi một cách ngoạn mục trong niềm vui sướng của các y bác sĩ và gia đình. Hiện tại, bé đã lui bệnh hoàn toàn và chỉ cần tái khám, điều trị duy trì theo định kỳ. Nhìn con gái khỏe mạnh, hồn nhiên chơi đùa cùng các bạn, chị Mai Thị Gái vô cùng hạnh phúc.

“Con được trở về nhà, đi học bình thường nên gia đình phấn khởi lắm. Em không ngờ con hồi phục được như ngày hôm nay”, chị Gái nói.

Những bước tiến mới trong điều trị ung thư máu

Bác sĩ Hoàng Thị Hồng, Phó Trưởng khoa Bệnh máu trẻ em, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương cho biết, ung thư máu là một trong những bệnh ung thư phổ biến ở trẻ em. Trung bình mỗi năm, bệnh viện tiếp nhận từ 300 – 400 bệnh nhi mới mắc ung thư máu. Đây là căn bệnh nguy hiểm với tỉ lệ tử vong cao nếu như bệnh nhi không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Hiện nay, với sự phát triển của các phương tiện thông tin đại chúng và hoạt động truyền thông tích cực của các bệnh viện, cộng đồng đã có hiểu biết nhất định về các dấu hiệu của bệnh ung thư máu nên số lượng bệnh nhi được phát hiện, điều trị sớm ngày một tăng lên.

“Ban lãnh đạo Viện Huyết học Truyền máu Trung ương luôn luôn quan tâm và chỉ đạo sát sao việc nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhi. Trong điều kiện khó khăn về nguồn cung ứng thuốc, vật tư, hóa chất như hiện nay, bệnh viện luôn cố gắng đảm bảo các loại thuốc thiết yếu, cơ bản để điều trị cho bệnh nhân, trong đó có bệnh nhi ung thư máu”, BS Hoàng Thị Hồng cho biết.

Hiện nay, các phương pháp điều trị ung thư máu cho trẻ em bao gồm: truyền hóa chất đường tĩnh mạch (có thể kết hợp xạ trị), ghép tế bào gốc, điều trị nhắm đích. Khả năng điều trị lui bệnh ở bệnh nhi ung thư máu ngày càng được cải thiện.

"So với trước thì hiện nay đã có rất nhiều phương án để có thể điều trị cho các con, kể cả với những bệnh nhân mới, bệnh nhân tái phát và thời gian lui bệnh hoàn toàn của các con cũng được kéo dài hơn. Kể cả khi con tái phát thì còn cũng sẽ có những phương án điều chỉnh nhất định và chúng tôi cũng cố gắng nâng cao chất lượng điều trị lên. Với nhóm nguy cơ thường, khoảng trên 80% bệnh nhi có thể đạt được lui bệnh sau điều trị tấn công",  BS Hoàng Thị Hồng cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương đang phối hợp nghiên cứu triển khai điều trị bệnh nhi Lơ-xê-mi cấp dòng lympho bằng liệu pháp CAR-T cell. CAR-T cell là liệu pháp có thể được áp dụng cho các trường hợp bệnh lý bạch cầu cấp dòng lympho B tái phát, tiến triển, không đáp ứng với các điều trị tiêu chuẩn.

“Có những trường hợp bệnh nhi vào viện trong tình trạng rất nặng, suy các cơ quan chức năng, suy hô hấp, phải phối hợp rất nhiều khoa để chẩn đoán, điều trị sớm nhất cho bệnh nhân. Tuy nhiên, sau đó thì trẻ lui bệnh và được ra viện. Có bệnh nhi đã điều trị tại bệnh viện cách đây hàng chục năm, bây giờ quay lại tái khám và hỏi cháu có lập gia đình được không? Những trường hợp như thế là động lực để thúc đẩy các y bác sĩ như chúng tôi làm việc tốt hơn”, bác sĩ Hoàng Thị Hồng chia sẻ.

Mặc dù dù chi phí điều trị ung thư máu tại Việt Nam thuộc hàng thấp so với thế giới nhưng so với điều kiện kinh tế của gia đình các bệnh nhân thì vẫn là một khoản kinh phí vô cùng lớn. Nhiều bệnh nhân có phác đồ điều trị kéo dài phải dùng nhiều thuốc ngoài danh mục bảo hiểm và tiêu tốn hàng trăm triệu đồng. Do đó, bên cạnh nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị, các bác sĩ tại Viện Huyết học Truyền máu Trung ương luôn tìm mọi cách giảm chi phí cho bệnh nhân như kêu gọi nguồn tài trợ, đề xuất với cơ quan bảo hiểm xã hội nâng mức thanh toán lên 100% cho một số loại thuốc.

Bác sĩ Hoàng Thị Hồng cũng bày tỏ mong muốn cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ tiếp tục đưa một số thuốc mới trong điều trị ung thư máu và đưa bệnh lý lơ-xê-mi cấp dòng lympho vào danh mục được bảo hiểm y tế thanh toán, giúp bệnh nhân có thêm cơ hội kéo dài sự sống.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt hoa ở Tượng đài Bác Hồ, TP.Montreuil, Pháp
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp, sáng 6/10 (theo giờ địa phương), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã đến đặt hoa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại công viên Montreau thành phố Montreuil, Cộng hòa Pháp.
Mới nhất