Trong 6 tháng đầu năm nay, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành, điều chỉnh chương trình, kế hoạch công tác phù hợp với thực tiễn ở địa phương trong việc xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm còn gặp nhiều vướng mắc và chưa phù hợp với thực tế.
Bởi một công chức cấp xã, phường, thậm chí cấp quận… ngoài lĩnh vực mình phụ trách có thể còn phải đảm nhiệm thêm nhiều công việc không tên phát sinh khác. Nếu chỉ được trả lương theo một vị trí việc làm khi áp dụng lương mới thì họ sẽ rất thiệt thòi.
Theo các chuyên gia, thực hiện được việc trả lương theo vị trí việc làm và kết quả công việc là một bước đột phá của nền hành chính Việt Nam. Để khắc phục những khó khăn trong quá trình chuyển đổi từ mô hình cũ sang mô hình mới cần đảm bảo giải quyết được những tồn tại của mô hình cũ, đồng thời không tạo ra thêm những khó khăn hay những vấn đề mới cần phải giải quyết.
TS. Nguyễn Minh Phong, nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho rằng, về bản chất, việc xây dựng hệ thống danh mục vị trí việc làm là 1 trong 5 nội dung rất quan trọng trong Nghị quyết của Bộ Chính trị liên quan tới vấn đề về cải cách tiền lương. Hiện nay, hầu hết các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng danh mục vị trí việc làm và gửi đến Bộ Nội vụ để tổng hợp. Tuy nhiên vẫn còn vướng mắc ở chỗ, các đơn vị thuộc hệ thống chính trị, lãnh đạo các cơ quan, các vị trí việc làm ở các cơ quan của Đảng hay lực lượng vũ trang chưa xây dựng được, từ đó chưa tạo ra sự thống nhất hoàn chỉnh tất cả các vị trí việc làm ở các đơn vị có liên quan, do đó chưa thực hiện được việc cải cách tiền lương.
Cũng theo ông Phong, có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng tới yêu cầu của vị trí việc làm trong việc xây dựng vị trí việc làm ở hệ thống chính trị. Ví dụ như, các yêu cầu liên quan tới vị trí việc làm và hoàn thành nhiệm vụ của các chức vụ trong toàn bộ hệ thống, từ cấp cao nhất cho tới cấp cơ sở thế nào và cần bao nhiêu người? Rồi thế nào là hoàn thành nhiệm vụ, các mức độ yêu cầu khác nhau, đây là điều không dễ dàng và khó học hỏi.
Trên thế giới, chúng ta không học được kinh nghiệm xây dựng vị trí việc làm này, còn vị trí việc làm khác ở các ngành nghề kỹ thuật ở các nước khác thì chúng ta có thể tham chiếu được, một là kinh nghiệm quá khứ, hai là kinh nghiệm của các nước và yêu cầu công việc tương đối rõ ràng. Riêng hệ thống chính trị rất đặc thù cho nên việc xây dựng không hề dễ. Mấu chốt ở đây là Ban bí thư hoặc là Ban Tổ chức Trung ương cần đưa ra những yêu cầu về chức trách nhiệm vụ của từng đơn vị chính trị, của từng bộ phận cũng như cán bộ trong hệ thống chính trị của Đảng.
“Tôi hy vọng, dưới sự lãnh đạo của Bộ Chính trị cũng như của các cơ quan chức năng, trong thời gian tới, việc này sẽ sớm được thực hiện, để từ đó tạo ra một nền tảng căn cứ quan trọng trong vấn đề xây dựng việc làm và thực hiện tiền lương theo đúng lộ trình mà Nghị quyết Bộ Chính trị đã đặt ra”, ông Phong chia sẻ.
PGS. TS. Đinh Trọng Thịnh, nguyên Trưởng Khoa Tài chính Quốc tế - Học viện Tài chính nêu quan điểm, vị trí việc làm đòi hỏi phải chuẩn hóa những công việc ở nhiều ngành nghề khác nhau, lĩnh vực khác nhau, đây là khó khăn đầu tiên. Công việc của công chức là công việc mà mọi người nghĩ là dễ chuẩn hóa nhưng thực tế lại rất khó, vì mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực, mỗi đơn vị đều có đặc thù riêng. Muốn xây dựng được mức tiêu chuẩn công việc cho một nhân viên cụ thể ở một lĩnh vực nào đó mà có sự khác biệt cũng không đơn giản. Từ nhân viên bình thường đến chuyên viên 1 chẳng hạn thì bản thân hai vị trí này phải có sự khác biệt. Từ chuyên viên 1 lên chuyên viên 2 hay chuyên viên cao cấp thì cũng phải có sự khác biệt.
Đây là vấn đề không dễ dàng, chưa nói đến việc các ngành nghề từ trước đến nay chưa bao giờ thực hiện việc chuẩn hóa, cho nên để tìm ra được sự khác biệt giữa việc này với việc kia trong cùng một cơ quan, ngành nghề, đơn vị cũng là bài toán khó. Hiện nay chúng ta đang tiến hành số hóa hoạt động quản lý kinh tế để xây dựng Nhà nước, Chính phủ số thì rõ ràng việc số hóa là việc làm mới, cho nên khi tác động vào khâu quản lý của các ngành nghề, lĩnh vực thì chưa ổn định, vẫn đang trong quá trình đưa số hóa vào. Vì vậy, xác định việc này làm trong bao lâu, người nào làm, khả năng ra sao cũng là một vấn đề khó. Mặc dù chúng ta đã dành ưu tiên cả về mặt tiền bạc, thời gian, nguồn lực để có thể chuyển hóa các công việc, từ đó cải cách tiền lương nhưng đến thời điểm này vẫn triển khai chưa được bao nhiêu cả.
“Phải đẩy mạnh việc số hóa các hoạt động quản lý nhà nước, nếu số hóa được thì khối lượng công việc sẽ rõ ràng và khi đó mới xác định được là ở vị trí này người lao động phải làm những gì trong một bộ máy, một dây chuyền hoạt động của cơ quan quản lý, khi đó mới có thể tiêu chuẩn hóa được khối lượng công việc và đảm bảo rằng, trả lương cho vị trí việc làm đó là đúng và người lao động không bị thiệt thòi. Còn khi chưa chuẩn hóa được những việc cần làm cho từng vị trí công việc cũng như chưa xác định được rõ rằng, vị trí này cần chuyên viên, chuyên viên 1, chuyên viên 2 hay chuyên viên cao cấp thì việc trả lương sẽ không chính xác”, TS. Đinh Trọng Thịnh cho hay.
Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, trong khi chờ đợi việc xây dựng vị trí việc làm bên hệ thống chính trị thì Bộ Nội vụ cũng như cơ quan chức năng nên gửi lại các đơn vị cơ sở để rà soát lần nữa, thực hiện một cách chặt chẽ hơn, khoa học hơn, trên cơ sở mới bổ sung cân nhắc, quán triệt mới mà các cơ quan chức năng quản lý cần phải đưa ra. Cùng với đó, cần có sự cân nhắc tổng, tránh sự cào bằng. Trước đây cào bằng giữa các ngành nghề với nhau, nếu bây giờ lại cào bằng giữa các vị trí việc làm trong cùng một cơ quan thì sẽ xuất hiện tình trạng “tránh vỏ dưa gặp vở dừa” hoặc tạo ra mặt trái của chính sách.
Sau khi xây dựng xong rồi nên công bố công khai để lấy ý kiến phản biện nhằm đảm bảo sự công bằng, bảng xây dựng cuối cùng nên công khai lấy ý kiến rộng rãi, giống như lấy ý kiến của các luật quan trọng. Đây là điều cần thiết vì nó ảnh hưởng tới vị trí việc làm của hàng chục triệu con người.