Cải cách tiền lương là đòn bẩy quan trọng cho người lao động

Chung Thủy/VOV.VN | 09/07/2024, 09:52

VOVLIVE - Sau khi tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7 vừa qua, vấn đề cải cách tiền lương năm 2024 được nhiều công chức, viên chức, người lao động quan tâm. Nhiều ý kiến cho rằng, cần có lộ trình cải cách tiền lương triệt để để đời sống người lao động được cải thiện hơn và có thể sống được bằng lương.

Từ đầu tháng 7/2024, Chính phủ thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng/tháng. Đối với người về hưu, mức tăng lương hưu là 15%. Tăng lương dù nhiều hay ít vẫn khiến hàng chục triệu người dân Việt Nam cảm thấy vui, phấn khởi. Vậy nhưng chất lượng cuộc sống của họ có được cải thiện đáng kể hay không thì vẫn là vấn đề bỏ ngỏ và phụ thuộc vào nhiều yếu tố.

Nhiều ý kiến cho rằng, mức tăng lương cơ sở 30% là sự nỗ lực lớn của Nhà nước, nhưng với mức sống hiện nay, điều này chỉ có thể phần nào cải thiện mà chưa thể đảm bảo đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Bởi như những năm trước đây, trước và sau nhiều kỳ tăng lương, rất nhiều hàng hóa, dịch vụ thiết yếu đồng loạt tăng giá và tình trạng “té nước theo mưa” khi lương tăng diễn ra như một “kịch bản” định sẵn. Điều này khiến cho việc tăng lương không còn nhiều ý nghĩa với người lao động.

Do đó, cần sớm hoàn thiện lộ trình cải cách tiền lương tổng thể. Vì việc cải cách tiền lương là “đòn bẩy” cho người lao động, giúp đời sống của cán bộ, công chức, giảm bớt khó khăn, khiến họ yên tâm gắn bó với công việc, khuyến khích họ đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng suất lao động. Quan trọng hơn cả, người lao động có thể “sống được bằng lương”.

Theo các chuyên gia kinh tế, cải cách chính sách tiền lương là vấn đề rất khó, vì còn nhiều bất cập nên Chính phủ đã trình phương án thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo lộ trình hợp lý, từng bước. Tuy nhiên cần tiếp tục nỗ lực để thực hiện cho được cải cách toàn diện chính sách tiền lương; Cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng bảng lương theo vị trí việc làm và chế độ phụ cấp mới, đảm bảo tính khả thi, công bằng, hợp lý, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội và nguồn lực của đất nước, tiến tới cải cách tiền lương khi đủ điều kiện.

Đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương

Ông Nguyễn Minh Phong - nguyên Trưởng phòng nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển KT-XH Hà Nội cho biết, tăng lương là một trong những vấn đề được nhà nước, người lao động cũng như toàn xã hội quan tâm. Chúng ta đã có nhiều đợt tăng lương và điều chỉnh tiền lương, đợt tăng lương lần này là kỳ vọng lớn trong cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-28 của bộ Chính trị. Tuy nhiên, quá trình hoàn thiện đề án đang gặp nhiều vấn đề, để thực hiện được thì cần có thời gian.

Trong lộ trình tăng lương, nhà nước đã có những quyết sách khá linh hoạt theo hướng tăng 30% lương cho những người đang đi làm và 15% cho người về hưu. Ngoài ra cũng đã thực hiện việc tăng lương tối thiểu vùng, tất cả những điều đó góp phần làm tăng tổng cầu xã hội, đáp ứng được nhu cầu của người nhận lương cũng như tạo được động lực tăng trưởng kinh tế.                   

Theo ông Phong, việc tiếp tục hoàn thiện đề án cải cách tiền lương, đặc biệt là vị trí việc làm cũng như bảng lương có liên quan đến các đối tượng phải được xây dựng kỹ càng hơn và phản biện chặt chẽ, rộng rãi để tạo sự đồng thuận của xã hội. Hiện nay, một số vấn đề có liên quan đặc biệt là vấn đề vị trí việc làm chưa được giải quyết, cả về căn cứ khoa học cũng như thực tiễn tại một số đơn vị, do đó kế hoạch này cần phải thực hiện tiếp trong thời gian tới.

Ông Phong cũng cho rằng, tiền lương là một quá trình không có tính thời điểm mà nó sẽ linh hoạt điều chỉnh theo các nguyên tắc kinh tế cũng như xã hội, đặc biệt là nguyên tắc kinh tế. Theo đó, tiền lương phải tăng theo mức độ tăng phù hợp của năng suất lao động xã hội, của GDP, của thu ngân sách, của các đối tượng trả lương cũng như kết quả làm việc của người lao động. Ngoài ra, nó còn liên quan tới bối cảnh chung của tình hình thế giới, đặc biệt là vấn đề lạm phát và các yếu tố khác có liên quan, thế nên cần phải có những đột phá mạnh hơn nữa trong lộ trình cải cách tiền lương.

“Khi chúng ta chưa xây dựng được một cách toàn diện về cơ sở, pháp lý, khoa học cũng như thực tiễn thì rất khó có thể đưa ra quyết định mang tính chất chủ quan, nếu không nó sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều vấn đề có liên quan và khi đó mặt tiêu cực có thể sẽ nhiều hơn mặt tích cực”, ông Nguyễn Minh Phong cho hay.

Ông Nguyễn Minh Phong khuyến nghị một số giải pháp để đẩy nhanh lộ trình cải cách tiền lương theo chỉ đạo của Bộ Chính trị: “Trước mắt, các cơ quan chức năng cần xây dựng một cách khoa học và có căn cứ các vấn đề liên quan tới vị trí việc làm, bảng lương của đơn vị đề xuất để cơ quan chức năng tổng hợp cân đối thu chi. Thứ 2, cần xem xét cân nhắc để đảm bảo tính hài hòa giữa các đối tượng, các đơn vị tăng lương khác nhau cũng như tính tới các yếu tố và mục tiêu kinh tế vĩ mô, để từ đó có lộ trình cụ thể về mức tăng cũng như bảng lương cụ thể. Tránh tạo ra sự bất đồng thuận hay sự tiêu cực của việc tăng lương trong một số lĩnh vực”.

TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế nêu quan điểm, cải cách tiền lương là vấn đề rất phức tạp. Không thể phủ nhận việc tăng tiền lương từ ngày 1/7 vừa qua có tác động tích cực là cải thiện đời sống cho các công chức, viên chức, người lao động, thế nhưng hiện nay, số người làm việc cho Chính phủ, các cơ quan chiếm tỷ trọng thấp so với 100 triệu người. Do đó, để cải thiện đời sống của cả xã hội thì cần tiến đến việc cải thiện đời sống, cải thiện thu nhập cho toàn dân, nếu chỉ cải thiện tiền  lương thì sẽ không đủ vì rất nhiều người lao động không ăn lương, họ làm việc và hưởng thu nhập theo công sức, thành quả lao động, việc tăng lương không ảnh hưởng đến họ.

Vấn đề ở đây là làm sao tăng được GDP. GDP bình quân đầu người của Việt Nam đang thuộc một trong những nhóm thấp nhất thế giới mặc dù GDP của cả nước ở mức tương đối khá so với hàng trăm quốc gia trên thế giới. Thế nhưng nếu so với GDP chia cho 100 triệu người thì GDP đầu người ở Việt Nam đang ở mức rất thấp. Chính vì vậy, để cải thiện đời sống của con người thì cần tăng trưởng được nền kinh tế.

GDP của Việt Nam phải tăng từ mức hiện tại lên mức thu nhập trung bình, chúng ta đã qua được mức trung bình thấp. Để cải thiện mức sống của con người thì phải tăng lên mức trung bình cao như Hàn Quốc, Thái Lan và để cải thiện GDP thì đó là kế hoạch tổng thể của cả một quốc gia chứ không chỉ là vấn đề tăng lương.

“Với những người làm công ăn lương, nếu mức lương chỉ tăng 6% thì không thể cải thiện đời sống của người lao động mà phải tăng lên 20% thì cuộc sống của họ mới đảm bảo được trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, đây là vấn đề lớn của quốc gia nên phải có kế hoạch, lộ trình lâu dài và hệ thống thì mới có thể giải quyết được vấn đề chất lượng cuộc sống. Thu nhập phải đầy đủ, tài chính phải ở mức tương đối thì mới có thể đáp ứng nhu cầu tối thiểu của con người”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Nhiều ý kiến khác cũng cho rằng, phải sớm thực hiện việc trả lương theo vị trí, việc làm; Cải cách bộ máy công vụ, có chế độ tiền lương, tiền công phù hợp, tương xứng với đóng góp của từng người cũng như khuyến khích những người có năng lực, để họ yên tâm, sống được bằng lương là rất cần thiết. Từ đó sẽ giúp nâng cao chất lượng, năng lực công vụ và tạo hiệu quả cho bộ máy nhà nước, thúc đẩy sự phát triển của đơn vị, doanh nghiệp.

Bài liên quan
Đọc tiếp

(0) Bình luận
Nổi bật VOVLIVE
Thủ tướng: "Càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng phải quyết tâm cao"
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: "Càng khó khăn, thách thức, áp lực thì càng phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt".
Mới nhất